Mấy chục năm trước, mỗi khi gọi "thành phố" thì mọi người thường hiểu đó là thành phố Hồ Chí Minh. Từng sống nhiều nơi ở miền Nam, tôi đều nghe gọi như thế. Tên gọi "thành phố" vừa có phần xa lạ đối với người ở nông thôn nhưng cũng phần nào gợi mở những gì thú vị, hấp dẫn. Thuở ấy, ai đi thành phố thường mang về những thứ ở quê hiếm thấy, như ổ bánh mì thiệt bự quét bơ thơm nức mũi, chiếc bánh bao nhân xá xíu, trứng muối ăn no bụng hay những cuốn sách được bán ở bến xe thỏa lòng người quê thiếu thốn…
Gần 30 năm trước, tôi vào thành phố thi đại học. Hồi đầu, tôi trọ tại nhà một người quen ở nơi ngày trước gọi là "Làng Báo chí", giờ thuộc phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức. Ngày ấy, nơi này còn khá vắng vẻ, dù đã được quy hoạch thành các con đường ô bàn cờ với một số ngôi nhà lầu khang trang bên cạnh những bãi đất đầy cỏ và rau muống. Tôi được làm quen với ông cậu của đứa bạn, là một nhà báo, được nhìn thấy ánh đèn đêm đêm ông ngồi cặm cụi viết bài, được nghe những câu chuyện tác nghiệp…
Từ đó, tôi đạp xe qua cầu Sài Gòn để vào điểm thi, đặt ngay tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hiện nay. Dọc đường, chỗ nào không rõ thì giở bản đồ ra, nếu lỡ không định hướng được thì hỏi người đi đường hoặc bác xe ôm, chị bán nước giải khát… Nhìn thấy bộ dạng nhà quê của tôi, ai cũng tận tình chỉ dẫn.
Rồi tôi vào đại học. Những ngày đầu, tôi ở nhà một người cô bà con xa, gần chợ Bà Chiểu. Cô đã vui lòng đón tôi vào ở trong những ngày tôi còn bỡ ngỡ trên đất lạ quê người. Cảm giác đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh cho tôi sự gần gũi, ấm áp. Để không phiền cô, tôi ra ngoài đặt cơm tháng ở một quán gần đó. Cô chủ quán biết tôi là sinh viên tỉnh nên lúc nào cũng lấy cho nhiều cơm, thêm đồ ăn…
Gần nhà cô tôi là khu Cầu Sắt (giờ là cầu Bùi Hữu Nghĩa), có một dãy nhà chuyên làm nghề mua bán xe đạp cũ, lắp ráp xe đạp mới. Chỗ này hơi xô bồ. Tôi nghe nói ở đây người ta chuyên mua xe đạp ăn cắp, chuyên "luộc" xe máy (tráo đổi phụ tùng). Mỗi khi có người đạp xe ngang qua thì người ta nhào ra hỏi có bán xe, mua xe không… Nhưng ở đó, tôi cũng thấy những em nhỏ hay các sinh viên đi ngang bị hư xe được bơm xe, sửa xe miễn phí… Ở đó, tôi cũng quen một số gia đình tỏ ra quý mến sinh viên các tỉnh, thường tận tình chỉ dẫn hay giúp đỡ. Và ở đó, tôi quen thân một cô bạn suốt mấy mươi năm vẫn còn gắn bó…
Kênh Lò Gốm, quận 6, TP HCM được cải tạo, chỉnh trang, chấm dứt cảnh nhà lụp xụp trên kênh rạch. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trước đó, tôi đọc trên báo thấy ở thành phố có những điều mình không tưởng tượng được: ra đường hở chút là bị cướp giật; nhìn nhau không thiện cảm cũng có thể bị hành hung; ma túy và mại dâm khắp chốn; lừa đảo đủ kiểu… Điều đó làm tôi đến với thành phố bằng tâm lý dè dặt, thận trọng. Nhưng thực tế đã giúp tôi hiểu ra, đó chỉ là một mặt chưa tốt và tâm lý e ngại của người đời. Thành phố này còn rất nhiều tấm lòng bao dung và là nơi hội tụ của lòng tốt, sự thiện lương trong tâm tính con người.
Tôi ra trường làm phóng viên nên có dịp đi nhiều nơi ở thành phố. Bên cạnh sự ồn ã, đông đúc là sự dung dị, hiền hòa của xứ này. Có lần xe máy hết xăng, lúc dắt bộ thì có mấy người kêu đẩy giùm hoặc rút xăng cho tôi. Đi đường, nhiều lần tôi thấy người ta giúp đỡ người bị sự cố, như chăm sóc người té xe, giúp một xe chở đồ bị đổ, cùng đuổi bắt một tên cướp…
Có những nhân vật sau lần phỏng vấn thì trở nên quen thân, lâu lâu lại điện thoại kêu tôi đến chơi và xem tôi như con cháu trong nhà… Kể cả lần tôi tác nghiệp ở sân bay Tân Sơn Nhất bị mất bóp, chỉ vài ngày sau nhận được bưu phẩm chuyển phát nhanh gửi đến tận tòa soạn với cái bóp và nguyên vẹn giấy tờ… Nhiều bữa đi làm đêm, 2-3 giờ sáng mới về, lúc đầu hay lo lắng nhưng nhìn cảnh sinh hoạt ban đêm cũng rộn ràng, tấp nập, tôi hoàn toàn yên tâm.
Tôi luôn nhớ những người thầy, những người bạn, những người quen… vốn sống lâu năm ở xứ này luôn cho tôi cảm giác gần gũi, thân ái. Tôi ngỡ ngàng với đất và người thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi ở đây gần 30 năm qua, chứng kiến nhiều đổi thay kỳ diệu. Khu Cầu Sắt lụp xụp ngày xưa và khu chợ trời xe đạp cũng không còn. Những nhà người quen của tôi ở đó đã được di dời đến các chung cư mới xây. Hàng ngàn căn nhà ổ chuột trên kênh rạch đã bị xóa, thay vào đó là bờ kênh nhiều cây xanh lộng gió. Nhiều cao ốc mọc lên, nhiều con đường được xây dựng và mở rộng.
Từ chỗ chỉ gọi là "thành phố", bây giờ tôi cũng như nhiều người đã quen gọi là "thành phố Hồ Chí Minh", không chỉ để phân biệt với những thành phố khác mà còn với lòng tự hào nơi mình đang sống, tự hào được mang tên vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Cái tên Sài Gòn rất đặc trưng về đất, về người vốn từng được nhiều người gọi đang dần được thay thế bằng tên chính thức là thành phố Hồ Chí Minh, dù đi các tỉnh khác hay ra nước ngoài. Bởi lẽ, cái tên đó giờ đây lại mang một đặc trưng mới: thành phố năng động, phát triển bậc nhất của đất nước!
Bình luận (0)