Họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát
Luôn đồng hành với những sự kiện trọng đại của đất nước, họa sĩ – nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã tạo sự đồng cảm sâu sắc khi ông liên tục được công chúng mộ điệu mỹ thuật chú ý qua những bộ sưu tập đầy ý nghĩa.
PGS TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận định sau thành công từ bộ sưu tập 1010 tượng trâu kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội và Xuân Tân Sửu 2021, xuân năm nay họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã miệt mài chế tác 2.022 chú hổ sơn mài để chào năm mới Nhâm Dần 2022.
"Với anh, đây là cơ hội để tiếp tục thử thách đam mê sáng tạo trong lãnh vực mỹ thuật, đồng thời còn là cách để anh thể hiện tình yêu văn hóa dân tộc thông qua hình tượng con Hổ. Những ngày đầu xuân, ai đến với làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), sẽ ngạc nhiên thích thú khi được chiêm ngưỡng hàng trăm tượng chú Hổ ngộ nghĩnh được anh trưng bày trong không gian xưởng chế tác tại thôn Mông Phụ" – PGS TS Nguyễn Thị Minh Thái nói.
Họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tại xưởng chế tác
Được chế tác hoàn toàn thủ công, mỗi tác phẩm của họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đều là tác phẩm độc bản. Bàn tay khéo léo của ông qua nhận xét của các nhà chuyên môn, nhất là các chuyên gia về sơn mài, mỹ thuật đều có góc nhìn đồng thuận: đó là hình dung dữ tợn, hoang dã của loài hổ được anh chế tác rất gần gũi, đáng yêu.
Một chú hổ của bộ sưu tập Họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát
Họa sĩ, nghệ nhân sinh năm 1983 chia sẻ lâu nay trong văn hóa nghệ thuật, hình tượng hổ vẫn luôn là đề tài khó để sáng tạo và gần như chỉ được dùng trong tín ngưỡng tâm linh và văn hóa lễ hội, thờ phụng của các vùng miền, rất khó đi vào không gian nội thất của người Việt. Chính vì thế, anh đã "động não" để biến hóa bộ sưu tập 2.022 bức tượng và phù điêu về hổ theo cách của riêng mình, nhằm thay đổi điều nhận định về cái khó của biểu tượng Hổ trong nội thất.
Họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát với bộ ghế ngũ hổ tượng trưng cho ngũ hành với năm màu sắc khác nhau.
Chính từ cái nhìn thoáng về hổ, xem hổ như thú cưng nên đàn hổ 2.022 con của anh mang những hình ảnh đầy thú vị như: người đánh trống, chơi đàn trên lưng hổ, tổ chim trên mình hổ, ghế ngồi trên lưng hổ…, để vẻ đẹp vừa oai hùng lẫm liệt, nhưng cũng rất thân thiện, dễ mến của hổ trong sơn mài thật sự đi vào đời sống từ bộ sưu tập độc đáo này.
Được ấp ủ từ hai năm trước và cách đây hai tháng, những tác phẩm đầu tiên của bộ sưu tập này đã bắt đầu thành hình. Bằng chất liệu từ gỗ mít và đá ong, những nguyên liệu phổ biến của miền trung du Sơn Tây, họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã tìm tòi và đưa vào ứng dụng để tạo sự đột phá về mỹ cảm cho tác phẩm.
Bộ sưu tập hổ của Họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát
Nguyễn Tấn Phát cho biết để hoàn thành mỗi chú hổ cần trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là lên ý tưởng, sau đó tạo hình với đất, tiếp đến mới đục trên gỗ, sau khi gỗ khô thì tiến hành khảm trai, khảm trứng, khảm đồng rồi phủ mầu để tạo thành những tác phẩm sơn mài truyền thống. Để hoàn thiện tác phẩm trung bình từ 40 ngày trở lên. So với bộ sưu tập trâu được thực hiện năm 2021, bộ sưu tập hổ năm nay của anh phong phú hơn về kiểu dáng, chất liệu và có đủ các kích cỡ.
Một góc khu trưng bày của Họa sĩ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát
Đặc biệt, tác phẩm khiến anh tâm đắc là bộ ghế ngũ hổ tượng trưng cho ngũ hành với năm màu sắc khác nhau. Mỗi chiếc ghế nặng tầm 60 kg, kích thước 1,2 m x 1,5 m được tạo dáng công phu kết hợp sơn mài khảm trứng.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho hay đến thời điểm này, anh đã thực hiện được khoảng 500 tác phẩm và sẽ cố gắng hoàn thiện bộ sưu tập đủ 2.022 bức tượng, phù điêu hổ để tổ chức trưng bày, triển lãm vào dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay.
Bình luận (0)