Chiều ấy, khi tôi đang bắn bi ở đầu làng, thằng bạn hàng xóm đến tìm, giọng hổn hển: "Nhà mi có khách kìa! Một cụ già với một thanh niên". Tôi ngẩng mặt nhìn bộ dạng sốt sắng của bạn rồi tức tốc lao về nhà.
Cụ già chính là ông ngoại cậu của tôi - một người quắc thước với bộ bà ba trắng và chiếc xe đạp ngang thường bôn ba đây đó. Còn người thanh niên thì lần đầu mới gặp. Da anh ngăm đen, tóc ngả màu vàng nâu có lẽ vì thường dang nắng.
Anh mặc chiếc áo ngắn tay màu cháo lòng, chiếc quần đùi ngắn cũn cỡn không che được đôi chân gầy với hai bắp chân lởm chởm vết sẹo ghẻ. Nhưng tôi chú ý nhiều nhất hai bàn tay và hai bàn chân kia. Ai nhuộm chúng lạ kỳ vậy? Tôi hỏi thế vì trông anh có vẻ lúng túng, rụt rè như muốn thu giấu tay chân mình trước ánh nhìn hiếu kỳ soi mói của đám trẻ chúng tôi.
Sau này tôi mới biết, cái màu đỏ kia bắt nguồn từ việc anh tôi hằng ngày nhuộm chiếu cho gia đình người cha nuôi. Anh gắn với nghề nhuộm chiếu từ tuổi ấu thơ. Thời ấy, nghề nhuộm chiếu thủ công buộc tay chân người thợ thường xuyên ngâm trong ảng nước màu. Lâu dần, thuốc nhuộm ngấm vào da, kỳ cọ mấy cũng chẳng trôi sạch.
Bà tôi đã bỏ ngoài mắt mình mọi thứ không hay, chỉ giữ lại niềm yêu thương trong trẻo dành cho người con dâu tội nghiệp. Chúng tôi cũng nghe lời bà mà nhắm nghiền mắt lại.(hình chỉ mang tính minh hoa)
Chiều ấy, cùng ông ngoại cậu, anh Viễn vượt đoạn đường gần 60 km từ một làng nghèo ven sông Thu Bồn để về đoàn tụ với nhà nội bên dòng Vu Gia, từ giã phận làm con nuôi trong gia đình người thợ nhuộm chiếu.
Bà ngoại tôi - tức bà nội của anh - đã chắt chiu, chạy vạy để chuộc lại đứa cháu lưu lạc đáng thương. Bà xem việc đưa anh Viễn về với gia tộc, nuôi dạy và cho anh ăn học để bù lại tháng ngày lam lũ là điều máu thịt. Thương chị mình mãi thao thức, ông ngoại cậu đã đi khắp nơi, lân la đủ vùng để tìm cho ra rồi chuộc cháu về.
Chiều ấy, nghe tin anh Viễn về, bà tôi chạy chân không ra đầu hẻm đón bằng đôi mắt nhòa lệ.
Một trận bắn phá của máy bay Pháp vào đoàn người gồng gánh tản cư về phía thượng nguồn sông Vu Gia đã gây nên loạn ly tan tác. Cậu tôi mất sớm vì bệnh sốt rét, mợ phải một mình ôm con tránh đạn.
Sau trận bom kinh hoàng, đứa trẻ mới tròn 2 tuổi trên tay mợ là anh Viễn lạc mất. Một gia đình cùng chạy loạn bắt gặp đứa bé trơ trọi giữa đống hoang tàn đã cảm thương nhặt lấy, mang về nuôi. Ít lâu sau, do đông con, đời sống khó khăn, gia đình ấy lại trao đứa bé cho một gia đình khác có điều kiện nuôi dưỡng.
Đó là gia đình người thợ nhuộm chiếu ven sông Thu Bồn. Mợ tôi sau đó ít năm đã đi bước nữa nhưng rồi sớm qua đời vì bệnh. Ước nguyện tìm lại đứa con thất lạc cũng theo mợ về bên kia thế giới.
Bà tôi đã kể nguồn cơn chuyện lưu lạc của anh Viễn như thế cho mẹ tôi nghe và mẹ tôi cũng thuật lại ngọn ngành như thế mỗi khi anh em chúng tôi hỏi về lai lịch người anh con cậu ruột. Bằng sự hồn nhiên, tôi và các em tôi ngày ấy thỉnh thoảng vẫn tò mò vì sao lớn rồi mà anh Viễn vẫn học chung lớp với mấy bạn nhỏ thua anh những 7-8 tuổi, vì sao anh thường tỏ ra chậm chạp, ngu ngơ trước nhiều cảnh huống mà những chàng trai trạc tuổi anh thường nhanh nhẹn có thừa.
Bom đạn, loạn ly, đứa bé sơ sinh lạc khỏi vòng tay mẹ - để trở thành con nuôi của một gia đình nghèo, cam chịu chuỗi ngày mồ côi cơ cực từ tấm bé trước khi trở về trong vòng tay của bà nội, tôi giữ cái lai lịch buồn này của anh Viễn trong trí nhớ mình rồi kể lại cho các con tôi về số phận xót xa của người bác họ của chúng.
Tôi kể điều ấy như mẹ tôi từng kể cho tôi ngày nào, cũng như bà ngoại tôi năm xưa từng kể cho mẹ và dì tôi. Cả hành trình gian truân kiếm tìm để đưa anh Viễn đoàn tụ với gia đình cũng được tôi nhiều phen nhắc tới.
Chỉ đến khi anh Viễn qua đời ở tuổi 75 vào cuối năm rồi, một phần sự thật về tuổi thơ anh chẳng may hé lộ từ lời lẽ chất phác vô tình của một người già trong tộc họ. Anh Viễn không bị thất lạc sau trận bom mà chính mẹ anh đã mang anh gửi cho gia đình một người quen để được rảnh rang mà đi bước nữa.
Mợ tôi ngày ấy thấy mình không đủ sức trụ nổi trong cảnh nghèo khó ở quê xa, lại một mình nuôi con dại, đành bấm bụng tìm nơi nương tựa bằng cách đi bước nữa. Bà định bụng khi yên bề gia thất với người chồng mới, sẽ thưa thiệt với nhà chồng để xin mang đứa con riêng về chung sống với mình.
Nhưng dự định của người mẹ chưa thành thì bệnh tật đã lôi mợ đi. Cuộc sống anh Viễn vì thế cứ trôi dạt. Không gian cách trở, phương tiện liên lạc thời ấy thô sơ, cho đến khi bà tôi biết tin cô con dâu cũ đột ngột qua đời thì tung tích và số phận của đứa cháu nội cũng xa vời, mất hút. Đứa trẻ mồ côi được chuyển từ nhà này sang nhà nọ nhờ vào sự thương cảm của các gia đình nghèo khó giữa thời loạn lạc để cuối cùng dạt vào xóm nhuộm hiu hắt ven sông.
Bà tôi biết rõ ngọn ngành thân phận con dâu nhưng lòng bao dung khiến bà đủ tỉnh táo gạt ra ngoài những điều cay đắng để tránh tiếng dị nghị chê bai từ phía những người ít cảm thông chia sẻ. Bà không muốn con cháu nghe thêm hoặc vướng bận bởi những điều cay nghiệt khiến rước lấy buồn đau.
Chỉ mỗi mình bà nhận về mình nỗi xót xa trước nghịch cảnh của người thân bởi có thể với bà, chống chọi với đói nghèo khốn quẫn, trước ngang trái oái oăm thì không ai đáng bị oán trách. Con dâu của bà không hề nhẫn tâm, chẳng qua số phận đẩy đưa và vì thế không đáng bị mang tiếng xấu.
Một thầy giáo trường làng, trong lúc truy tìm chiếc đồng hồ của một học sinh lớp ba bị bạn cùng lớp lấy cắp, đã cho cả lớp đứng quay mặt vào tường và nhắm mắt lại để ông thò tay lục soát túi áo của từng người.
Dù đã cầm được vật bị đánh cắp từ túi áo của một cậu học trò, ông vẫn giả bộ tiếp tục lục soát cho đến túi áo của người cuối cùng. Trở lại bục giảng, ông bảo cả lớp quay mặt lại và mở mắt ra để ông trao lại đồng hồ cho khổ chủ. Cả lớp không ai biết thầy mình tìm được vật mất cắp trong túi người bạn nào!
Mấy mươi năm sau gặp lại người thầy cũ, cũng là người đã cứu mình thoát cảnh bị bêu riếu do tội ăn cắp, anh học trò ấy thú thật mình là thủ phạm và đinh ninh thầy còn nhớ và nhận ra mình. Nhưng người thầy với lòng bao dung cao độ kia lại bảo ông không hề nhận ra anh vì chính ông ngày ấy khi thò tay vào túi áo các học trò cũng đã nhắm nghiền mắt lại!
Tôi đọc mẩu chuyện này giữa những hồi ức thân thương về anh Viễn, về đôi bàn tay và đôi bàn chân đỏ màu thuốc nhuộm của anh. Người kể chuyện đúc kết rằng bổn phận của người dẫn dắt là vun xới chứ không phải triệt hạ. Theo cách này thì bà tôi - như ông giáo làng kia - đã làm phận sự của người vun xới. Bà làm điều ấy một cách tự nhiên theo tiếng gọi của nhân từ.
Bình luận (0)