xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Người canh gác mùa xuân

Truyện ngắn của Nguyễn Thị Bích Nhàn

1. Năm ấy, chiều 30 Tết, con gái cứ theo cà rà bên cạnh, xin mẹ được đi chợ hoa

"Hoa lá chi đâu mà đòi, có mấy chậu bỏ ngoài góc chợ đó, thích thì rủ thằng Tèo, con Bé chạy ra, coi ớn rồi về. Còn giờ thì đi chỗ khác chơi để mẹ làm chứ vướng tay vướng chân quá!". La thì la vậy nhưng khi con nói muốn lên thị trấn coi hoa chứ không phải chợ Xổm nhỏ như đít con cóc ở gần nhà - những chậu hoa vạn thọ bé xíu và vài chục thùng cúc đại của một người trong xóm tập tành buôn hoa thì chị nhà đã nghĩ lại. Con bé nói nghe thương quá:

"Con rủ rồi nhưng thằng Tèo, con Bé nói không thèm. Tụi nó đi chợ hoa trên thị trấn từ hôm qua cơ, đẹp lắm mẹ ơi. Nào hoa, đèn lấp lánh, nào bong bóng đủ màu. Xóm này, chắc mỗi con là chưa biết chợ hoa!".

Thôi kệ, nghèo cũng nghèo rồi, chiều 30 chở con đi chợ hoa, mua cái bong bóng bay cho con mừng chắc cũng không làm mình nghèo hơn được. Nghĩ vậy nên cơm nước dọn dẹp xong, chị ấy thay bộ đồ tương xứng với "đẳng cấp" của người dạo chợ hoa - chở con đi chơi cho thỏa ước mơ. Từ ngày lấy chồng, chị chưa có tiền lệ này, đi dạo chợ hoa, mua hoa Tết. Lần này, ước mơ của con gái vô tình chạm phải sở thích đã bị bỏ quên từ rất lâu của chị. Coi như là cơ hội để có một cái Tết khác những năm trước. Chị ấy tính sẽ cho con chơi lâu một chút, chịu khó chờ mua một chậu hoa bán đổ bán tháo lúc chuẩn bị giao thừa. Lâu lắm rồi, niềm vui có một chậu hoa Tết cũng trở thành xa xỉ. Tết mà thiếu hoa, thấy nhà cũng bớt xuân.

Chị đi xe máy hơi yếu nên khi dắt xe ra, anh dồn hết lo lắng vào ánh nhìn, như nhắc coi chừng cuối năm xe cộ đông đảo. Biết tính chồng, chị liền trấn an: "Đừng lo, em đi cẩn thận mà!".

Anh ở nhà, lo dọn dẹp nhà cửa, xách nước chứa đầy trong các lu, thau. Làm xong đâu đó, anh ra cửa ngồi ngóng, lắng tai để nghe âm thanh tiếng xe máy quen thuộc. Chuông đồng hồ đã điểm gần 12 giờ, anh vào sắp bánh, cúng giao thừa xong nhưng mẹ con chị vẫn chưa về.

Rồi có người đến báo tin. Anh bật dậy, vùng chạy. Tai nạn ở ga xép - đi qua thị trấn. Vì vội về nhà trước giao thừa nên chị đã băng ào qua đường sắt. Đó là một mùa xuân ám ảnh; sau này, anh gọi nó là mùa xuân dữ dội. Đớn đau dữ dội. Mất mát dữ dội...

Anh kể giọng đều đều, không cao không thấp nhưng từng lời như đã thấm ướt vì những giọt nước mắt bên trong. Chị Ngà lén đưa mắt nhìn, nghĩ sẽ bắt gặp đôi mắt sầu thảm, muốn dùng ánh nhìn tha thiết nhất để tỏ ý chia sẻ nhưng đã không thăm dò được gì. Trên khuôn mặt vuông, chiếc cằm hơi nhọn và nước da tai tái vẫn chỉ là đôi mắt hun hút, không dễ gì đọc được cảm xúc. Kể xong, anh lặng lẽ hớp ngụm nước trà, ly trà nguội lạnh tự lúc nào nhưng vẫn đưa lên thổi rất vô thức. Cách anh biểu hiện tâm sự rất kín đáo, chị nghe cổ họng mình nghẹn ứ, không nói được lời nào sau câu chuyện ấy nên chào ra về.

Sau lần đó, lần chị bị té xe trước cửa nhà anh, được anh chạy ra hỗ trợ, đem vào nhà sát trùng, băng bó và kể cho nghe câu chuyện buồn để cảnh báo, mỗi khi đi mua đồng nát, chị hay ghé lại nhà, trước để mua đồ hỏng hóc, sau thì thăm hỏi. Nhưng, cái chính là để thân thiết hơn. Khi đã vượt qua giới hạn của hai người mới quen, chị chủ động muốn làm thân vì trực giác báo đây là người đàn ông tốt. Nhiều lần tới nhà hỏi mua đồng nát, những lần trò chuyện tự nhiên đã kéo gần quan hệ của hai người. Rồi cũng không biết tự lúc nào, mỗi lúc tới nhà anh, chị đã không phải ngại ngần ý tứ mà chủ động cầm chổi quét sân, dọn bếp cho anh. Cũng muốn cản nhưng anh biết là không được nên thôi.

Nhưng dạo này tới, thấy nhà cứ khóa trái cửa, chị cứ băn khoăn, hay buồn quá, bỏ xứ đi đâu rồi.

Người canh gác mùa xuân - Ảnh 1.

2.

Anh gốc là một thợ mộc lành nghề, không có xưởng nhưng đi làm cho một vựa gỗ, tiền công cũng đủ trang trải. Nhà anh lọt thỏm trong cái xóm nhỏ, cách thị trấn chưa được mười cây số. Từ mùa xuân đó đến nay, cũng đã gần chục năm, tới tuổi tri thiên mệnh rồi nhưng anh vẫn sống một mình. Mỗi khi đi làm về, ngang qua đường ray xe lửa là rùng mình, nỗi đau xưa lại thốn lên, tím gan thắt ruột.

Rồi một lần khác, anh bất đắc dĩ phải chứng kiến một tai nạn thương tâm khác, cũng tại nơi này. Chỗ con đường từ thị trấn cua vô xóm, phải băng qua đường ray. Đoạn này không có nhà, phải qua một cánh đồng nhỏ mới vào tới xóm, đường hơi nhỏ nên ít người đi. Nhưng không phải không có tai nạn. Chỉ cái đèn báo thôi chưa đủ. Anh ước có cái barie, có người đứng gác.

Rồi thị trấn mở mang, chỗ đó đã có nhà ở, người ta xây một gian nhỏ, có đặt barie, loa loa tuyển người trực, lương đúng chuẩn cơ bản. Nghe thông báo đó, nhiều người bỏ qua nhưng anh liền bỏ nghề mộc và trở thành người trực tàu.

Gọi là barie, nghe oai vậy nhưng thực ra nó chỉ là một thanh sắt vuông được sơn trắng - đỏ gác ngang đường. Chứ sao đòi hơn được, vùng quê những năm nghèo khó, chỗ đó lại không phải trục đường chính. Cho người ngồi trông coi là đã nghĩ lắm đến an toàn của người dân rồi. Barie tạm nên thủ công thôi. Mỗi khi có tàu qua, người trực sẽ thả ròng rọc, hạ thanh chắn xuống. Tàu đi, cây được kéo lên. Không cần hoành tráng, miễn tàu đến, người ta dừng lại chờ là được rồi - anh nói vậy.

Cực kỳ nghiêm túc. Hễ nghe chuông báo tàu đang đến thì dù có đang bận gì anh cũng lo đứng dậy để đi thả gác chắn xuống. Anh thường bị nhiều người mắng:

- Tàu chưa đến đã thả cây, bắt con người ta đứng chờ lâu lắc!

Có người còn leo xuống xe, cố nâng cao barie cho người kia chạy. Anh lên tiếng cản thì bị mắng: "Mạng sống là của tui, không mượn anh lo!". Một người chạy qua, người nữa cũng nôn nóng băng theo. Anh lật đật chạy ra nhưng chỉ kịp kéo một chiếc xe máy dừng lại, trên xe là một cậu thanh niên mới lớn, cậu mở miệng văng tục. Vừa lúc đó, tàu lướt qua, toa tàu không có mắt, người đi trước anh thanh niên một bước đã tử nạn.

3.

Chị Ngà là người đàn bà nghèo rớt mồng tơi, nhan sắc tầm tầm nếu không gọi xấu, quê mùa. Đã hơn nửa đời người nhưng chưa có một tổ ấm, sống âm u bằng nghề thu mua đồng nát. Ngày nào cũng lang thang khắp các ngõ ngách để kiếm ăn. Những trưa nắng gắt, mồ hôi mồ kê nhễ nhại như tắm, bụi bặm bám vào người, đói lả, miệng khát khô, cái nón trên đầu càng tô thêm vào dáng vẻ tiều tụy một sự bần cùng khó tả.

Hôm nọ, chở cồng kềnh, lại gặp tàu lửa qua đường nên dừng lại chờ. Có xe từ sau húc tới, đồ hàng tung tóe. Có người lại phụ nhặt và buộc giúp cẩn thận, ngẩng đầu lên thì thấy người quen. Ra vậy, anh gác ở đây, qua lại nhiều lần mà chị nào hay biết.

Mùa xuân đang về, khắp xóm đâu đâu cũng vang tiếng cười nói, bọn trẻ con theo mẹ đi chợ sắm đồ mới, tiếng nói tiếng cười làm huyên náo cả một xóm nhỏ vốn vắng lặng, trầm mặc trong mùa đông rét mướt. Chị làm mâm cơm tất niên, hối hả đến chỗ gác chắn, mang theo thịt thưng, bánh chưng, mứt và một ít hạt dưa để anh cắn cho vui miệng.

Ban đêm, gió xuân mơn man nhưng chị vẫn trằn trọc khó ngủ. Nghĩ đến anh, giao thừa vắng nhà, giấc ngủ chập chà chập chờn vì nơm nớp lo tàu đến mà không nghe chuông, không thả barie kịp.

Sáng mùng 1, chị đến thăm từ sớm, anh vui vẻ kể: gần giao thừa, có cậu con trai chở đến chỗ anh một chậu cúc đại đóa vàng rực. Cậu thanh niên nhoẻn miệng:

- Nếu bữa đó không có anh thì có lẽ em đã không thể vui xuân đón Tết rồi, em chính là cậu con trai định băng qua đường hôm nọ. Xin anh nhận của em chậu hoa này, là lời cảm ơn của em. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo