Phim "Về nhà đi con" (đạo diễn: Danh Dũng), do Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam (VFC) sản xuất, đang phát sóng trên VTV1, thu hút đông đảo công chúng. Mỗi tập phim đều được khán giả theo dõi, phân tích và bàn tán rôm rả. Nhân vật Sơn - người cha đơn thân nuôi 3 cô con gái - do NSƯT Trung Anh thể hiện là chân dung người cha thành công nối tiếp trên phim truyền hình từng có.
Dấu ấn của màn ảnh nhỏ
Khi tình mẫu tử được đề cập quá nhiều trên màn ảnh, tình phụ tử bắt đầu được các nhà làm phim tìm cách khai thác nhằm cân bằng cảm xúc người xem. Chân dung người cha được xây dựng đủ tính cách, góc độ, ghi được dấu ấn qua nhiều phim: "Khi người đàn ông góa vợ bật khóc" (đạo diễn: Đỗ Thanh Hải), "Ở lại thế gian" (đạo diễn: Trần Ngọc Phong), "Hai người cha" (đạo diễn: Nguyễn Mai Nhất Tuấn), "Tía ơi" (đạo diễn: Xuân Phước), "Cha rơi" (đạo diễn: Phương Điền),… Nhưng thành công nhất trong việc tôn vinh hình ảnh người cha phải kể đến: "Mẹ con Đậu Đũa" (đạo diễn: Trương Dũng), "Chuyện nhà Mộc" (đạo diễn: Trần Lực) ra mắt khán giả từ những năm 1998.
Phim “Về nhà đi con” tiếp tục thu hút khán giả xoay quanh câu chuyện ông Sơn và 3 cô con gái. (Cắt trên màn hình)
Phim "Về nhà đi con" ban đầu dự định làm lại kịch bản "Khi người đàn ông góa vợ bật khóc" nhưng sau đó, ê-kíp biên kịch chỉ giữ lại câu chuyện người cha đơn thân nuôi 3 con gái và khai thác tính cách nhân vật, tình huống theo hướng khác biệt. Đây là giải pháp để kịch bản phim có thể cập nhật tình tiết thời sự, tiệm cận giới trẻ hiện nay. Phim nhận được nhiều lời khen ngợi từ khán giả tập trung vào nhân vật ông Sơn cùng 3 cô con gái Huệ (Thu Quỳnh diễn), Anh Thư (Bảo Thanh diễn), Ánh Dương (Bảo Hân diễn). Mỗi cô gái một tính cách, số phận riêng khiến ông Sơn luôn phải lo lắng.
Nhân vật ông Sơn được NSƯT Trung Anh thể hiện tốt từ ánh mắt, cử chỉ, khiến không ít khán giả gợi nhớ về người cha của mình. Phân tích vì sao người cha trong "Về nhà đi con" được yêu thích, nhiều người trong giới cho rằng nhân vật ông Sơn không phải con người hoàn hảo nhưng chính những điểm chưa hoàn hảo ấy là yếu tố khiến ông Sơn trở nên đời thường, chân thật trước khán giả.
"Một tác phẩm nếu kịch bản hay mà diễn viên diễn không hay thì cũng khó thành công. Phim "Về nhà đi con" thu hút thời gian qua, tôi nghĩ ngoài kịch bản khắc họa tốt hình ảnh người cha còn nhờ vào diễn xuất ấn tượng của dàn diễn viên…" - biên kịch Kim Ngọc nhận xét.
Thiếu sức hút trên màn ảnh rộng
Trái ngược với phim truyền hình, dù được nhiều nhà làm phim đầu tư nhưng phim đề tài người cha, tình phụ tử trên màn ảnh rộng chưa thu hút người xem, hình ảnh người cha chẳng tạo được dấu ấn sâu đậm. Các phim: "Cha cõng con" (đạo diễn: Lương Đình Dũng), "Khi con là nhà" (đạo diễn: Vũ Ngọc Đãng), "Ở đây có nắng" (đạo diễn: Đỗ Nam), "Mặt trời con ở đâu" (đạo diễn: Nguyễn Hữu Tuấn)… đều không thắng doanh thu như kỳ vọng cũng như tạo được độ lan tỏa cao. Với "Cha cõng con", phim nhận được nhiều lời khen từ giới chuyên môn nhưng lại thuộc dòng phim kén khán giả số đông, khó được giới trẻ chọn xem ở rạp. Vì thế, hình ảnh Mộc và Cá tuy đẹp nhưng lại không chạm được trái tim số đông khán giả. Với "Khi con là nhà", câu chuyện tình phụ tử giữa Quang và cu Bi giản dị, nhẹ nhàng, có điểm nhấn. Tuy nhiên, phim hướng đến khán giả gia đình, thiếu nhi nên cũng chưa chinh phục khán giả trẻ - đối tượng chủ yếu ra rạp xem phim. Những phim còn lại quá nhiều sạn, chưa tạo được cảm xúc cho người xem. Nhà làm phim cũng đã nỗ lực khai thác hình ảnh người cha đủ mọi góc độ từ mê cờ bạc, đơn thân, bị khuyết tật… nhưng lồng ghép trong một câu chuyện hụt hẫng, còn nhiều tình tiết phi lý.
Biên kịch Kim Ngọc cho rằng dù khai thác đề tài gia đình, ca ngợi tình phụ tử nhưng thực hiện không dễ thành công trên màn ảnh rộng, bởi thời lượng chỉ gói gọn trung bình 90 phút, kịch bản buộc phải hấp dẫn. Nếu phim thừa hoặc thiếu chi tiết, chưa đủ cao trào hoặc bất cứ yếu tố nào cũng rất khó chạm đến cảm xúc khán giả. Thêm vào đó, diễn viên đòi hỏi phải diễn xuất tốt, nếu không tạo được kết nối với nhau cũng rất khó khiến khán giả tin vào tình cảm giữa các nhân vật trong câu chuyện.
Trên thế giới, phim điện ảnh khai thác đề tài tình phụ tử rất nhiều. Các phim đề tài này xây dựng tốt câu chuyện, khắc họa rõ nét hình ảnh người cha chứ không qua loa hay lồng ghép lạc lõng trong câu chuyện phim như phần lớn phim điện ảnh của Việt Nam. Vì thế, chúng chạm đến cảm xúc chân thật ở khán giả, lan tỏa thông điệp nhân văn.
Yếu tố cảm xúc rất quan trọng
Biên kịch Thanh Hương cho rằng đây là dạng phim không đòi hỏi kinh phí đầu tư cao nhưng yếu tố cảm xúc rất quan trọng, kịch bản phải đạt độ chín và ê-kíp thực hiện cũng phải khai thác đến cùng, nếu muốn có tác phẩm hay. Theo đạo diễn Lê Cung Bắc, phim về tình cha con có chinh phục được khán giả hay không phải dựa vào tài truyền cảm xúc đến cho người xem của cả ê-kíp thực hiện.
Bình luận (0)