Việc Chi Pu tham dự cuộc thi ca hát ở Trung Quốc với tên gọi "Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng" làm dấy lên những tranh cãi về chuẩn mực cần có của một ca sĩ.
Ca sĩ Chi Pu. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Tự tin hơi quá?
Với hầu hết khán giả, Chi Pu chưa đủ chuẩn làm ca sĩ vì thiếu chất giọng, dù bản thân cô rất luôn cố gắng và chịu đầu tư cho sản phẩm của mình. Vậy nên, khi Chi Pu tham gia chương trình "Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng" (nay đổi tên thành "Đạp gió 2023") khiến nhiều khán giả ngạc nhiên.
Từ trước đến nay, Chi Pu được đánh giá cao về nhan sắc nhưng tài năng của cô vẫn luôn bị đánh giá trái chiều dù cô lấn sân trong nhiều lĩnh vực, từ diễn xuất, ca hát, đến nhảy… Giọng hát của Chi Pu bị cho là thiếu âm sắc, hay chênh phô khi trình diễn live (trực tiếp), không lên nổi nốt cao.
Trước đó, 2 MV (video ca nhạc) "Black Hickey" (Con dấu chủ quyền) và "Sashimi" của Chi Pu nhận về không ít phản ứng chê nhiều hơn khen. Một số khán giả cho rằng MV sáo rỗng, không có đột phá, lại còn chứa nội dung nhạy cảm. Điều này kéo theo việc MV "Black Hickey" "bay" khỏi YouTube chỉ sau vài ngày phát hành, còn "Sashimi" nhận về khoảng 3,6 triệu lượt xem sau 1 tháng ra mắt. Đây là một con số khá thấp so với những MV trước đây của Chi Pu.
Bên Trung Quốc từng có nhiều bài báo giải trí viết ca ngợi, gọi nhan sắc của cô với nhiều mỹ từ như "mỹ nhân số 1 Việt Nam", không thua gì "em gái trà sữa" hay so sánh ngoại hình của cô với các diễn viên Triệu Lệ Dĩnh, Dương Mịch. Nhờ vẻ ngoài được lòng khán giả Trung Quốc, không khó hiểu khi Chi Pu và ê-kíp chọn showbiz Hoa ngữ để thử sức.
Thực tế, ban tổ chức chương trình đã đặt lời mời khá nhiều giọng ca ngôi sao nhạc Việt tham gia nhưng đều bị từ chối và cuối cùng Chi Pu là người chấp nhận. Không thể nói đến khát vọng mở rộng thị trường của Chi Pu hay đơn giản cô chỉ tham gia cho vui, nhưng sự tự tin quá đà vào giọng hát của Chi Pu khiến cho khán giả Việt ít nhiều lo ngại.
Á hậu Hoàng Thùy biểu diễn tại một cuộc thi nhan sắc. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Quá nhiều điều tiếng...
Chuyện người đẹp đi hát không mới nhưng mức độ ngày càng trở nên dày hơn. Nhiều người đẹp trước đây, khi bị khán giả phản ứng về khả năng ca hát của mình, họ lập tức dừng lại. Ngày nay, khi bị chỉ trích, có người đẹp cho rằng "do bị ghen ăn tức ở"; có người đẹp thì bỏ ngoài tai những góp ý vẫn tung ra những sản phẩm âm nhạc "khó chấp nhận"; thậm chí nhiều bầu sô muốn thu hút sự chú ý đã mời người đẹp biểu diễn một cách bất chấp.
Mới đây, mạng xã hội chia sẻ lại đoạn clip Á hậu Hoàng Thùy biểu diễn tại chung kết một cuộc thi nhan sắc. Trên sân khấu, người đẹp quê Thanh Hóa diện váy đỏ khoe đường cong nóng bỏng, kết hợp cùng vũ đoàn trong ca khúc "Hạnh phúc máu". Đây cũng là bài hát mà người đẹp vừa trình làng MV cách đó không lâu. Trên một diễn đàn về showbiz, có khán giả cho rằng người đẹp 9X chỉ sở hữu giọng hát dễ nghe, chưa đủ để có thể trở thành ca sĩ hay tham gia biểu diễn tại các sự kiện.
Một người xem bình luận: "Hát chẳng có tí cảm xúc nào". Tài khoản khác nêu ý kiến: "Không có khí chất của ca sĩ rồi. Chị chỉ nên catwalk thôi". Cư dân mạng nhận xét: "Thật ra chị cũng xinh nhưng trình diễn như đi văn nghệ trường ngày xưa vậy". "Chị đang làm tốt những gì chị đang làm thì cứ phát huy, đừng đi theo con đường ca sĩ là được" - người xem khác nhắn nhủ.
Tròn 24 giờ ra mắt "Cánh bướm dối gian", Phí Phương Anh chia sẻ bảng thành tích mà sản phẩm này đạt được: đạt tốp 12 trending YouTube, lượt view realtime đạt 1 triệu, tốp 1 HOT14 Realtime, 13 triệu view trên TikTok, 14.000 lượt like và 21.000 lượt bình luận. Và lượng dislike đạt con số 34.000, gấp 2,5 lần lượt like chỉ trong ngày đầu ra mắt.
Thành tích là như vậy nhưng chất lượng sản phẩm mới là điều đáng nói. Cư dân mạng đã tìm được nhiều điểm tương đồng của sản phẩm "Cánh bướm dối gian" với các sản phẩm nhạc Việt, Hàn Quốc và Hoa ngữ từ giai điệu cho đến vũ đạo. Đầu tiên là một đoạn giai điệu trong ca khúc của Phí Phương Anh rất giống với ca khúc "Đừng ai sống keo kiệt" của nhóm nhạc R1SE (nhóm nhạc của Trung Quốc). Kế tiếp là giai điệu rất quen của "BBoom BBoom" từng làm nên tên tuổi của nhóm nhạc Hàn Quốc Momoland. Mở đầu của ca khúc thì giống Momoland còn kết thúc lại y hệt Blackpink.
Phần cuối của ca khúc "How you like that" như được sao chép y nguyên vào "Cánh bướm dối gian". Chưa hết, phân đoạn đắt nhất trong ca khúc "Okey Dokey" của Zico, được xem là đặc điểm nhận dạng của ca khúc này, cũng có ngay trong bài "Cánh bướm dối gian".
Bài hát của Phí Phương Anh còn bị tố đạo nhạc của các nhóm Kpop như: Roly Poly (T-ara), Face (NU’EST)... biến ca khúc "Cánh bướm dối gian" như một nồi lẩu thập cẩm Kpop.
Nói về vũ đạo, MV "Cánh bướm dối gian" tiếp tục bị soi đạo nhái vũ đạo trong bài "Candy Pop" của TWICE, "ICY" của ITZY và cả vũ đạo trong bài "Đóa hoa hồng" của Chi Pu - thần tượng của Phí Phương Anh.
Theo các nhà chuyên môn, trào lưu người đẹp đi hát đang có xu hướng phát triển trong làng nhạc trẻ Việt thời gian gần đây. Sở dĩ nhiều hoa khôi, người mẫu, diễn viên lấn sân sang ca hát một phần là vì đam mê cá nhân, muốn chứng tỏ bản thân mình và cũng một phần do nhu cầu thưởng thức của khán giả trẻ ngày càng tăng. Điều này dẫn đến nhiều người đẹp đã mơ trở thành ca sĩ như các trường hợp vừa kể trên. Song do không có năng lực thực sự nên những người đẹp đi hát thành công thì ít, gây phản cảm lại nhiều.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khẳng định: "Âm nhạc phải có giá trị về thẩm mỹ, nghệ thuật phải đẹp. Âm nhạc là phương tiện để truyền tải và lan tỏa cảm xúc yêu thương tích cực cho nhau, cho khán giả, cho cộng đồng, nếu không có những điều này thì không thể gọi là âm nhạc".
Bình luận (0)