Tin nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chuyển cõi ở tuổi 95 tại TP HCM ập đến tôi vào sáng sớm sương lạnh Hà Nội sau ngày lễ Giáng sinh, khiến cho ngày đông cuối năm giá buốt càng giá buốt hơn. Vẳng nghe đâu đây không gian phố cổ dìu dặt giai điệu "Dư âm" thân thuộc đã thấm vào đời suốt nhiều thập kỷ qua.
Cái "tôi" được hồn nhiên bày tỏ
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý quê ở Vĩnh Phúc nhưng lại sinh ra ở Vinh, tỉnh Nghệ An ngày 5-3-1924 (Giáp Tý). Có lẽ bởi thế mà thân sinh ông đặt tên là Tý chăng? Ngày ấy, chỉ vừa đôi mươi, Nguyễn Văn Tý đã là ca sĩ phòng trà ở thành Vinh. Cách mạng Tháng Tám đã thổi một luồng gió mạnh vào thế hệ thanh xuân hồi đó của đất nước. Nguyễn Văn Tý hăm hở sáng lập ra đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên Cứu quốc Nghệ An. Bước vào kháng chiến trường kỳ, Nguyễn Văn Tý hoạt động âm nhạc tại vùng tự do thuộc Liên khu IV. Ông gia nhập quân đội và công tác ở Đoàn Văn hóa tiền tuyến, thuộc Cục Quân huấn. Sang năm 1950 thì làm Trưởng Đoàn Văn công Sư đoàn 304. Đấy là lúc những sáng tác đầu tay của ông ra đời: "Đàn bà bày tui", "Ai xây chiến lũy", "Pha màu luống cày"… và thật bất ngờ là "Dư âm" mượt mà, da diết cùng "Vượt trùng dương" đặc sắc dân dã. Người làm cách mạng thời ấy thật diễm phúc khi cái "tôi" của họ được hồn nhiên bày tỏ. Chỉ vì tơ tưởng đến một nàng thơ tên Dương, Nguyễn Văn Tý đã cắt đôi cái tên ấy thành ra đầu đề "Dư âm", để rồi tương tư ngay cả khi nằm ngủ trên một cái nong nuôi tằm để cho ra những giai điệu lãng mạn đến nao lòng: "Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ…".
Nhạc sĩ Nguyễn văn Tý. (ảnh do gia đình cung cấp)
Cũng chẳng ai ngờ người dìu dặt "Dư âm" ấy lại viết ra một giai điệu răng cưa đặc "thổ dân" nhưng rất hiện đại như "Vượt trùng dương": "Đây con thuyền vượt muôn trùng dương này…". Với tư cách trưởng đoàn văn công, Nguyễn Văn Tý đã mời được cả Ngọc Bích, Phạm Duy và Phạm Đình Chương cùng với chị em ca sĩ Thái Hằng (vợ Phạm Duy), Thái Thanh tham gia. Cũng từ bàn đạp này ở Nghệ An, Phạm Duy đã có chuyến đi vào "Bình Trị Thiên khói lửa" để viết ra "Bao giờ anh lấy được đồn Tây", "Bà mẹ Gio Linh" và "Về miền Trung" nổi tiếng.
Ngay từ ngày đầu hòa bình ở Hải Phòng, tôi đã nghe và thuộc luôn bài hát "Dôi a - Bùi Thị Cúc" của Nguyễn Văn Tý: "Người Việt Nam có nghe tên Dôi a – Du kích quân của Liên Xô không may sa vào tay thù…", rồi múa tập thể và hát "Việt - Trung - Xô": "Thắm thiết tình Việt Trung Xô - Đế quốc còn nhiều mối lo…" hay "Dân Liên Xô": "Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa…". Cũng ngay từ những ngày ấy, tôi đã được cảm thấu bài hát "Mẹ yêu con" của ông: "Mẹ thương con có hay chăng?…". Bài "Vượt trùng dương" thì trở thành nhạc hiệu cho buổi truyền thanh bằng tiếng Quảng Đông ở Hải Phòng cùng với bài "Cửa bể đã mở" của Đắc Nhẫn.
Biệt tài chưng cất dân ca
Đầu năm 1961, Nguyễn Văn Tý được biệt phái về Hưng Yên. Có lẽ đó là thời gian để Nguyễn Văn Tý tích lũy những âm hưởng của dân ca đồng bằng Bắc Bộ, những làn điệu chèo xứ Đông, xứ Sơn Nam Hạ bắt đầu một thời kỳ sáng tạo mới đậm đặc chất "thổ dân" hơn bao giờ hết. Dòng nhạc mang phong cách riêng của Nguyễn Văn Tý đã ào ạt tuôn chảy những "Chim hót trên đồng đay", "Tiễn anh lên đường"… và dào dạt nổi lên "Bài ca năm tấn" giữa thời đánh Mỹ khốc liệt. Nguyễn Văn Tý trở thành nhạc sĩ có biệt tài chưng cất dân ca trở thành những giai điệu mang dấu ấn của riêng mình tạo nên thứ men say như "quốc tửu" giữa lòng công chúng. Vừa gần gũi vừa cao sang là những "Em đi làm tín dụng", "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa", "Người giỏi chăn nuôi", "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh". Ngay cả bài hát mang tính cổ động nhân dịp miền Bắc bắn rơi 1.000 máy bay Mỹ cũng cứ đi vào lòng người rất ngọt ngào: "Cả nước đang tưng bừng mừng chiến công lẫy lừng miền Bắc…". Bài hát đã trở thành nhạc hiệu cho buổi phát thanh "Khắp nơi ca hát" của Đài Tiếng nói Việt Nam. Còn những bài hát kể trên đều đoạt giải nhất các cuộc thi sáng tác. Lứa tuổi thiếu nhi cũng được ông tặng cho những giai điệu dí dỏm, yêu thương như "Tôi là gà trống", "Gà mái mơ", "Màu áo chú bộ đội"…
Sau năm 1975, Nguyễn Văn Tý vào cư trú tại TP HCM. Dòng chảy sáng tạo của ông vẫn dào dạt lên những đỉnh cao, với những sáng tác nổi tiếng: "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ" và đặc biệt là "Dáng đứng Bến Tre" thanh thoát như vẻ kỳ lạ của người con gái Bến Tre. Ông cũng mở lòng tiếp nhận hơi thở của nhạc nhẹ để đưa ra một tiết tấu trẻ trung trong "Cô nuôi dạy trẻ".
Nhiều năm qua, trong chương trình "Giai điệu tự hào" mà tôi làm cố vấn âm nhạc. Các tác phẩm của ông luôn được giới thiệu. Mới đây nhất, trong chương trình kỷ niệm 75 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam mang tên "Đoàn quân Việt Nam đi", bài hát "Tấm áo mẹ vá năm xưa" của ông cũng được ca sĩ Vũ Thắng Lợi thể hiện thật nồng nàn. Có lẽ đó cũng là giai điệu cuối cùng của mình mà ông nghe được trước khi rời xa dương thế vào ngày 26-12-2019. Xin nghiêng mình kính cẩn vĩnh biệt ông!
Nỗi cô đơn luôn thường trực
Tư gia của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ở đường Trần Khắc Chân, phường Tân Định, quận 1, TP HCM luôn là nơi đi về, tụ họp của bạn bè, các đàn em yêu mến ông. Biết tôi làm ở Tạp chí Âm Nhạc, ông hay gửi bài, kể cả hồi ký, để chia sẻ. Năm 2007, VNPT nhờ tôi tổ chức một cuộc sáng tác gồm 50 nhạc sĩ của các thế hệ. Ở thế hệ đàn anh, tôi đã mời ông và người bạn đồng niên Phan Huỳnh Điểu của ông tham gia. Ngày họp báo ở TP HCM, nhìn ông ngồi đếm số tiền lẻ tạm ứng sáng tác, chợt thấy lòng thắt lại. Dù ông đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, được lãnh đạo TP thường xuyên quan tâm nhưng hình như sự nghèo khó và nỗi cô đơn luôn thường trực ở người nhạc sĩ đầy tài năng này.
Bình luận (0)