Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện (trái) và GS-TS Trần Quang Hải tại Pháp
Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện sinh ngày 18-5-1943 tại Sài Gòn. Ông được biết đến là nhạc sĩ có công cho ra đời những CD phổ nhạc Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du năm 2009 - 2010. Ông là kỹ sư – nhạc sĩ, viện sĩ Viện Hàn lâm Châu Âu, người đã bỏ ra 5 năm để phổ nhạc toàn bộ tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.
Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện từng học tại Trường Petrus Ký- Sài Gòn (1956-1963). Sau đó, ông thi đậu ĐH Sư phạm Sài Gòn – Ban Toán. Đến năm 1964, ông sang Pháp du học. Năm 1965 - 1968, ông được tuyển chọn vào IBM để đào tạo kỹ sư tin học, rồi tốt nghiệp Trường Cao đẳng CNAM - Pháp.
Quách Vĩnh Thiện say mê âm nhạc từ năm 6 tuổi. Lúc còn là học sinh, ông từng được bầu làm trưởng ban văn nghệ Trường Pétrus Ký. Đầu thập niên 1960, ông thành lập ban nhạc Les Fanatiques, từng biểu diễn tại nhiều rạp hát lớn thời đó. Không rời bỏ niềm đam mê, khi sang sống tại Bordeaux - Pháp, ông tiếp tục lập ban nhạc Les Cobras, Sao Đêm (Les Saodems)...
Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện và GSTS Trần Quang Hải
GS Phương Oanh, Trung tâm Âm nhạc dân tộc Phượng Ca tại Paris - Pháp, cho biết nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện đã bỏ nhiều công sức để phổ nhạc Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.
"Công trình này gồm 7 CD với 77 bài, phổ nhạc toàn vẹn tác phẩm lừng danh của Nguyễn Du. Truyện Kiều được Unesco xem như di sản văn hóa nhân loại, do đó khi phổ nhạc, nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện rất chăm chút. Nhạc sĩ đã chia tác phẩm ra 77 đoạn và theo đó, anh đã viết ra 77 bài hát, theo những thể loại khác nhau. Muốn nghe hết 7 CD này phải mất 8 giờ. Văn nghệ sĩ, kiều bào ở các nước vốn yêu mến tác phẩm Truyện Kiều đã rất trân trọng sự sáng tạo của nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện. Sự ra đi đột ngột của anh đã để lại nhiều thương tiếc đối với chúng tôi" - GS Phương Oanh bày tỏ.
NSƯT - ca sĩ Hồng Vân nhận xét: "Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện không quá nổi tiếng nhưng ông được biết đến nhờ tài năng cũng như tâm huyết lưu giữ tác phẩm Truyện Kiều cho muôn đời sau bằng một hình thức rất đặc biệt là phổ nhạc. Ông đã giữ nguyên vẹn câu chữ của toàn bộ tác phẩm, không thay đổi dù chỉmột từ. Tôi rất say mê những bản nhạc đó, bởi nó được viết bằng giai điệu đầy màu sắc, vừa pha trộn nét huyền bí phương Đông vừa đậm chất dân giân Việt Nam nhưng không kém phần hiện đại của âm nhạc phương Tây, có cả những nhịp điệu hiện đại của rock".
Bình luận (0)