Ngày đó làng quê tôi nghèo lắm, ngày ăn ba bữa không đủ no, lũ trẻ chúng tôi cả ngày phơi nắng đen nhem nhẻm, chỉ còn da bọc xương. Ấy vậy mà ông trời vẫn còn thấy chúng tôi chưa đủ đáng thương, bão lũ rồi đến hạn hán, thiên tai chồng thiên tai cứ lần lượt ập đến đè nặng lên những tấm thân cò quanh năm chỉ biết bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Thế là cực chẳng đã những người nông dân chân chất ấy phải bỏ lại ruộng vườn, gia đình để tìm đường mưu sinh. Và như một lẽ tự nhiên TP HCM là nơi họ chọn để gửi gắm niềm hy vọng vào tương lai. Nhà nào ít thì 2-3 người, nhiều thì 7- 8 người; có nhà cha mẹ, con cái, anh em, dâu, rể đều đi cả. Làng quê yên bình bỗng chốc trở nên vắng vẻ đìu hiu, chỉ còn lại những ngôi nhà cửa đóng kín mít.
Gia đình tôi cũng không ngoại lệ, tôi còn nhớ như in trong bữa cơm tối hôm đó cha tôi nói trong nghẹn ngào "Cứ ở nhà thế này sớm muộn gì cũng chết đói, chú Dương mới gửi thư về nói TP HCM nhiều việc lắm, sáng mai tui đi sớm, vào đó kiếm ăn coi sao". Thế rồi sau tối hôm đó cha đi, căn nhà tranh đó thiếu đi hơi ấm của cha – người đàn ông trụ cột gia đình.
Một người dân quê tôi vào làm công nhân sửa chữa cầu đường, trong một đêm làm việc ở TP HCM Ảnh: ĐẶNG VĂN ĐỒNG
Hôm đó, đi cùng cha tôi còn có chú Hưng, cô Luận hàng xóm rồi bác Điềm, bà Báu, anh Long đầu làng... Vào đó người thì đi bán vé số, người chạy xe ba gác, thu mua ve chai, làm công nhân công ty… nghề gì họ cũng làm miễn là không phạm pháp, có thể kiếm tiền để trụ lại được nơi thành phố hoa lệ này.
"Những ngày đầu lạ nước lạ cái, đến tiếng nói cũng không phải tiếng nói quê hương nhiều khi thấy buồn lắm con ạ. Nhưng được cái người ở đây tốt lắm, biết cô mới vào họ nhiệt tình chỉ cho chỗ nào dễ bán, chỗ nào bán đồ ăn rẻ mà sạch sẽ, tươi ngon", bà Báu bùi ngùi nhớ lại. Những lời chia sẻ mộc mạc của cô cũng giúp tôi hiểu phần nào tại sao những người xa xứ có thể thích ứng nhanh với cuộc sống ở TP HCM nhanh đến vậy, bởi ở đó có những con người sẵn lòng dìu dắt, chỉ dẫn bạn từng đường đi nước bước một cách vô tư, không vụ lợi. Họ coi bạn như những người bạn bè thân thiết, anh em lâu năm mà giúp đỡ không cần hồi đáp.
Là một người gắn bó với TPHCM hơn 20 năm trải qua nhiều khó khăn, vất vả nhưng chú Dương sẽ không bao giờ quên ngày đó, cái ngày chú mới vào làm việc không may bị tai nạn lao động. Chính ông chủ cưu mang, chăm sóc tận tình lo cho chú từng bữa ăn, bộ quần áo trong những ngày hoạn nạn và còn cho chú mượn tiền gửi về quê cho gia đình trang trải cuộc sống.
Trong những ngày đại dịch Covid-19 vừa qua, người TP HCM đã giúp đỡ rất thiết thực cho những người nghèo bị mất việc làm, cuộc sống khó khăn, bằng những hộp cơm, bịch gạo, thực phẩm…, cưu mang nhau trong lúc hoạn nạn. "Dịch xảy ra, không bán được vé số nhưng hôm nào cô cũng có cơm từ thiện ăn, có hôm được phát gạo, nước mắm, đường.... Người ta ân cần, chú đáo, gần gũi như người nhà ấy", cô Luận xúc động chia sẻ.
Cha tôi vào TP HCM bán vé số, những trưa trời nắng gắt có ly trà đá mát lành của cô hàng nước, những buổi chiều bán vé số về đang phải lầm lũi bước từng bước nặng nề cho nhanh về phòng trọ lại có anh xe ôm tốt bụng cho đi nhờ xe miễn phí. Chỉ là những hành động nhỏ thôi nhưng đối với những người tha hương đó lại là hành động hết sức có ý nghĩa để họ gạt bỏ đi những mệt mỏi, muộn phiền, có thêm nghị lực để mưu sinh.
Giờ đây mỗi lần về quê được chạy xe trên những con đường đổ bê tông phẳng lì, ngắm nhìn ngôi nhà khang trang với mái ngói đỏ tươi và những đứa trẻ tung tăng trong tà áo mới đến trường, tôi lại nhớ tới con đường đất lầy lội, tối om hay những căn nhà tranh vách đất, nhớ tới hình ảnh tuổi thơ tôi ngày ngày chạy nhảy trên cánh đồng đầy rơm rạ. Không còn nữa những cái tên "xã ăn mày", "làng ăn xin". Không phải tôi hoài niệm quá khứ mà tôi nhớ để khắc ghi. Nhiều thứ người dân quê tôi có được là nhờ một phần không nhỏ của TP HCM nghĩa tình, bao dung đã luôn giúp đỡ, cảm thông, đùm bọc những người con xa xứ vì cuộc sống mà lựa chọn xa quê.
Mai này khi không còn đủ sức, người quê tôi sẽ lại rời TP HCM để trở về nơi chôn rau cắt rốn của mình. Nhưng với cha tôi, cô Luận, anh Hưng hay những người làng khác thì TP HCM đã trở thành quê hương thứ hai, nơi có những con phố ồn ào tấp nập, những con người hào phóng, khoáng đạt. Như những lời thơ Chế Lan Viên "Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn", những khó khăn vất vả nhưng thấm đượm tình người nơi thành phố hoa lệ này là một phần ký ức đẹp không thể thiếu trong trái tim, tâm hồn của mỗi người quê tôi.
Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải
Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.
Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021).
Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.
Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)