Từng có thời Albert Camus trở thành cái tên thần tượng của một bộ phận thanh niên Việt Nam. Các tác phẩm của ông như "Người xa lạ" ("L’Etranger"), "Ngộ nhận" ("Le Malentendu"), "Dịch hạch" ("La Peste")… trở thành sách gối đầu của đông đảo thế hệ sinh viên, học sinh say mê chủ nghĩa hiện sinh. Cũng dễ hiểu khi các sách của ông có nhiều bản dịch mà mỗi bản dịch đều có phong vị của riêng với ngôn ngữ tiệm cận với thế hệ mà dịch giả đang sống. Bản dịch "Người xa lạ" của dịch giả Thanh Thư (Dtbooks và NXB Văn học xuất bản 2019) là một trường hợp như thế.
Con người phi lý
Ra đời năm 1942, cuốn tiểu thuyết đầu tay này đã đưa Albert Camus vào hàng ngũ những nhà văn xuất sắc của Pháp thế kỷ XX, có ảnh hưởng, tác động đến suy nghĩ, tư tưởng của giới trí thức. Ở "Người xa lạ", Camus khai triển những chủ đề rồi được ông phát triển, bổ khuyết thêm ở các tác phẩm sau: "sự phi lý".
"Sự phi lý" theo Camus không phải bởi tự thân thế giới đã là phi lý mà nó đến từ sự đối nghịch giữa cá nhân với thế giới mà nói như nhà văn Jean-Paul Sartre, một yếu nhân khác của chủ nghĩa hiện sinh, "tha nhân là địa ngục".
Nhân vật chính trong "Người xa lạ" tên Meursault, một kẻ thậm chí dửng dưng trước tin mẹ của mình qua đời; đi tắm biển rồi "ngẫu nhiên" phạm tội giết người; khi tòa hỏi lý do phạm tội thì đổ tại mặt trời. Rõ ràng không thể xét đoán kiểu người như vậy bằng lý tính, đó là loại người đã ra khỏi những phạm trù đạo đức cố hữu mà ta chỉ có thể gọi họ, như Camus đã gọi, "con người phi lý". Cái con người phi lý sẵn sàng nhận lãnh cái phi lý của thế giới, y không phải là con rối bị cuộc đời giật dây, y không phấn đấu để vươn lên, để thoát ra, y chấp nhận sự phi lý với thái độ dửng dưng.
Bìa sách “Người xa lạ” do NXB Văn học xuất bản năm 2019
Ngay cả khi đối diện với án tử, y cũng chỉ mong có thật nhiều người tới xem buổi hành hình và chửi rủa, để không cảm thấy lẻ loi, để mọi điều trọn vẹn.
Dù tên tuổi của Albert Camus thường gắn với chủ nghĩa hiện sinh nhưng ông lại tuyên bố: "Các kết luận của trường phái Hiện sinh là sai", thêm một sự nghe chừng phi lý khác trong cuộc đời của nhà văn, đeo đẳng ông suốt cuộc đời.
Thân phận con người
Trong thần thoại Hy Lạp, Sisyphe bị các vị thần trừng phạt, bắt ông phải lăn tảng đá lên đỉnh núi, khi tảng đá lên tới đỉnh, nó sẽ lăn xuống chân núi buộc Sisyphe phải lần nữa lăn nó lên, cứ thế, công việc nặng nhọc đó lặp đi lặp lại, không có kết thúc.
Camus mượn câu chuyện thần thoại này để nói lên sự phi lý của thân phận con người. Chúng ta cứ ngày ngày phải sống, phải làm những công việc lặp lại, với những mối quan hệ quanh quẩn, cũng giống như Sisyphe, mang một hòn đá vô hình trên lưng, vác cái gánh nặng của đời sống hữu hạn nhưng nhàm chán này. Meursault trong "Người xa lạ" là kẻ cảm nhận rõ ràng nhất sự vô nghĩa của đời sống không có chung cuộc ấy. Y có một gia đình, y có một công việc, thoạt trông y không khác chi với những người đi ngoài phố nhưng y sống để mà sống. Cuộc sống không mang đến cho y bất kỳ ý nghĩa nào cho nên khi đứng trước cái chết, y lại thấy vui vẻ là đằng khác.
Cũng trong năm xuất bản tiểu thuyết "Người xa lạ", Camus cho ra mắt tập hiện tượng luận "Huyền thoại Sisyphe". Hai tác phẩm này song trùng và có thể dùng để giải nghĩa lẫn nhau như bề trái và bề mặt. Nếu "Người xa lạ" là tiểu thuyết tuyên ngôn cho một tư tưởng, một công trình đầy ẩn nghĩa dưới hình thức giản dị và dung lượng nhỏ thì "Huyền thoại Sisyphe" có thể xem như chiếc chìa khóa mở vào công trình đó.
"Huyền thoại Sisyphe" có một mở đầu kinh điển: "Chỉ có một vấn đề triết lý thực sự nghiêm chỉnh, đó là tự tử. Xét xem đời đáng sống hay không đáng sống là trả lời cho câu hỏi cơ bản của triết học". Dù để Meursault kết cục phi lý là cái chết tất yếu nhưng đến cuối cùng, Camus vẫn phủ nhận phương pháp tối hậu trước cuộc đời phi lý là cái chết. Bởi vì cuộc đời dù có phi lý hay vô nghĩa lý thì rốt cuộc nó vẫn đáng sống. Cho nên, trong khi trình bày về sự phi lý của ngoại giới, Camus cũng nhắc nhở về sự phi lý trong chính cá nhân, Meursault vì thế không chỉ là "người xa lạ" trong xã hội mà còn là "người xa lạ" với chính bản thân mình.
Tài năng, mệnh yểu
Albert Camus đã sống và chết cũng giống như nhân vật của ông, ngắn ngủi và phi lý. Vụ tai nạn xe hơi năm 1960 đã cướp đi sinh mạng của ông khi nhà văn mới 46 tuổi, đương lúc bút lực còn sung mãn với nhiều dự định.
Nhưng cũng có thể nói Albert Camus đã sống một cuộc đời đủ đầy, tận hiến, được vinh danh bằng giải Nobel năm 1957. Trong diễn từ nhận giải Nobel, ông đã khẳng định: "Có nhà văn chân chính nào từ nay lại dám coi mình là người rao giảng đạo đức? Cá nhân tôi tuyên bố không thuộc thể loại này".
Trên hết, ông đã được người đương thời công nhận, mến mộ không chỉ gói gọn trong biên giới nước Pháp mà còn có sức ảnh hưởng trên toàn thế giới. Riêng tác phẩm "L’Etranger" trong tiếng Việt có nhiều bản dịch khác nhau của các dịch giả: Tuấn Minh, Dương Kiền và Bùi Ngọc Dung, Dương Tường...
Bình luận (0)