Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Chánh Tín
Tôi nhận được tin Nguyễn Chánh Tín qua đời từ cú điện thoại của một người bạn học cũ tại Viện Đại học Đà Lạt. Thú thật, tôi không khỏi bàng hoàng và ngỡ ngàng mặc dù trong thời gian gần đây, tôi biết tình hình sức khỏe của Tín không mấy khả quan. Nhưng "chết" lại là điều mà tôi và nhiều bạn bè khác không dễ dàng chấp nhận: cuộc ngao du của Tín giữa cuộc đời này không thể ngắn ngủi như vậy cho dù anh vừa bước qua cái tuổi 67 (Tín sinh năm 1952). Vì anh chàng Casanova cho tới cuối cuộc chơi, với tóc bạc da mồi, vẫn đứng ngắm cuộc đời diễu hành qua trước mắt với bao nhiêu sắc màu, giai điệu...
Casanova của Việt Nam
Tôi nhắc đến Casanova - anh chàng đẹp trai lừng danh trong lịch sử được nhiều người biết đến - để nói về Nguyễn Chánh Tín vì đó là ấn tượng đầu tiên tôi có với anh trong nhiều tháng năm về sau, khi giữa anh và tôi kết nối với nhau bằng tình bạn, tình đồng nghiệp trong hoạt động điện ảnh...
Bấy giờ vào khoảng năm 1972, khi tôi đang học năm thứ hai tại Viện Đại học Đà Lạt, một buổi chiều khi tôi cùng mấy người bạn ngồi ăn hoành thánh mì trước khách sạn Cẩm Đô trên đường Phan Đình Phùng thì bỗng nhiên tôi nghe có tiếng reo vang của các cô gái ở bàn bên cạnh:
- Nguyễn Chánh Tín! Nguyễn Chánh Tín!
Tôi nhìn qua bàn nọ thấy các cô gái mặt rạng rỡ vừa đứng dậy chỉ trỏ vừa reo:
- Ôi! Đẹp trai quá đi!
Tôi tò mò nhìn theo thì không còn thấy tài tử Nguyễn Chánh Tín đâu nữa, anh đã biến đâu mất để lại nỗi ngẩn ngơ, luyến tiếc hãy còn hiện rõ trên mặt của các cô gái!
Chỉ một chi tiết nhỏ thôi cũng khiến tôi liên tưởng đến Casanova - anh chàng đẹp trai nổi tiếng của thế giới cung đình Âu châu thế kỷ XVIII.
Lúc đó, tôi - một anh chàng sinh viên tỉnh lẻ - không ngờ vài năm sau gặp lại anh chàng đã khiến các cô gái ấy - và chắc chắn nhiều cô khác nữa - phải gào lên: Nguyễn Chánh Tín! Nguyễn Chánh Tín!
Năm 1983, tôi làm công tác biên kịch và phó đạo diễn tại Xí nghiệp Phim Tổng hợp TP HCM. Kịch bản đầu tay của tôi mang tên "Con mèo nhung" do đạo diễn Lê Dân dàn dựng và anh chọn Nguyễn Chánh Tín đóng vai chính (thượng úy công an Tùng). Đến lượt Tín lại yêu cầu đạo diễn bắt buộc tôi phải đóng vai anh chàng công an khó tính với lý do:
- Tôi thấy anh Nhân đóng vai này là hợp nhứt! - Tín nói.
- Tại sao? Hợp chỗ nào? - Tôi cố từ chối.
- Vì mặt anh lúc nào cũng nghiêm, khó đăm đăm! Hơn nữa, anh là tác giả kịch bản hẵng phải hiểu nhân vật hơn ai hết!
- Anh Lê Dân thấy sao? Tôi bận lắm!
Đạo diễn Lê Dân cười xòa:
- Tôi thấy Nguyễn Chánh Tín nói đúng đó! Cậu đóng đi! Hợp vai lắm!
Nguyễn Chánh Tín cười phá lên chỉ mặt tôi vừa cười nói:
- Thôi anh ơi! Chạy trời không khỏi nắng đâu! Hà hà...
Tín cười thoải mái vì đã "gài độ" được tôi! Tôi còn làm diễn viên điện ảnh bất đắc dĩ với Nguyễn Chánh Tín trong một phim nữa cũng do Tín yêu cầu và anh Lê Dân đạo diễn: phim "Pho tượng"! Và Tín lại cười hết cỡ bày ra chiếc răng khểnh đáng yêu!
Cười là một đặc điểm trong tính cách của Nguyễn Chánh Tín. Anh hay tìm cách chọc cười anh em đoàn làm phim bằng những câu chuyện tiếu lâm hoặc những câu chuyện mà anh thường gọi là "ba ra nã"! "Ba ra nã" là cái gì hả Tín? Tới bây giờ tôi mới sực nhớ ra định hỏi thì Tín đã "bỏ cuộc chơi" rồi!
Chàng Casanova đã lặng lẽ bỏ nơi này ra đi khi gà eo óc gáy để lại nhân gian những ngỡ ngàng!
Diễn viên Việt Nam hiếm có
Tin báo được lan truyền nhanh chóng thành nỗi ngậm ngùi vô hạn: Đại tá Nguyễn Thành Luân đã về trời! Có thể nói trong lịch sử điện ảnh Việt Nam hiếm có một diễn viên nào tạo được một hiệu ứng mạnh mẽ như thế!
Có thể là do nhân vật Nguyễn Thành Luân được nhà văn Nguyễn Trương Thiên Lý viết dựa trên một nhân vật lịch sử có sức hấp dẫn cao được nhiều người ngưỡng mộ: Anh hùng tình báo, đại tá Phạm Ngọc Thảo.
Nhưng công bằng mà nói, nếu không phải Nguyễn Chánh Tín đóng vai này thì Nguyễn Thành Luân không thể nổi tiếng và được công chúng yêu mến như vậy, cho đến ngày "Ông đại tá" lặng lẽ về trời! Tín đã đem cả hình hài, trí tuệ và sự tài hoa của riêng mình vào nhân vật hư cấu này để nó mang lấy một sắc thái tinh thần riêng tư mà không ai có thể thay thế.
Cho nên Nguyễn Chánh Tín đã rất xứng đáng khi được trao giải Diễn viên nam xuất sắc nhất (Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 7 năm 1985) với vai diễn Nguyễn Thành Luân trong phim "Ván bài lật ngửa". Sau đó không lâu, Nguyễn Chánh Tín được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.
Trong lĩnh vực điện ảnh, Nguyễn Chánh Tín còn cho thấy năng lực của mình ngoài diễn xuất (diễn viên), anh còn là diễn viên lồng tiếng tài năng, thường lồng cho những vai mình đóng (như trong "Ván bài lật ngửa"). Nhưng đó chỉ là "chuyện nhỏ" tựa như ca nhạc khi anh từng là ca sĩ phòng trà hoặc diễn viên sân khấu trước khi trở thành ngôi sao điện ảnh.
Vai Nguyễn Thành Luân trong phim “Ván bài lật ngửa” (ảnh tư liệu)
Khát vọng trở thành đạo diễn
Song khát vọng trở thành đạo diễn luôn luôn nung nấu trong lòng, mỗi khi có cơ hội thể hiện là Tín lại sẵn sàng đứng sau máy quay thực tập làm đạo diễn. Và tôi lại gắn bó với Tín trên cương vị này.
Bộ phim tôi viết kịch bản cho Nguyễn Chánh Tín chính thức làm đạo diễn là "Bản tình ca cuối cùng". Trong phim này Tín vừa là đạo diễn kiêm diễn viên nam chính. Anh đóng chung với Lê Khanh (nữ chính) và 2 diễn viên trẻ lúc đó là Lê Công Tuấn Anh và Mỹ Duyên.
Còn trước đó, với vai trò phó đạo diễn kiêm diễn viên nam chính, Tín đã thực tập hiện trường với sự chỉ đạo và tư vấn của đạo diễn Lê Mộng Hoàng trong 2 bộ phim cũng do tôi viết kịch bản: "Ngôi nhà oan khốc"(với Việt Trinh) và "Chiếc mặt nạ da người" (với Lê Khanh).
Từ đây, khi thành lập Hãng phim Chánh Phương, Nguyễn Chánh Tín đã có thể đường hoàng ngồi vào chiếc ghế đạo diễn với nhiều bộ phim về đề tài kinh dị và hài hước...
Song nói gì thì nói, khán giả vẫn không quên một Nguyễn Chánh Tín - diễn viên, ở đó anh đã làm nên một "huyền thoại", giấc mơ với bao người hâm mộ.
Nguyễn Chánh Tín đã âm thầm ra đi như nhân vật Thức mà anh đã thể hiện trong phim "Bản tình ca cuối cùng"! Lặng lẽ và cô đơn bỏ lại sau lưng những nỗi muộn phiền...
Vĩnh biệt!
Vụt sáng ở điện ảnh cách mạng
NSƯT Nguyễn Chánh Tín (sinh ngày 26-8-1952, quê quán Cà Mau) là một trong những tài tử màn bạc của miền Nam trước năm 1975 đến với điện ảnh cách mạng sau ngày đất nước thống nhất. Vai thợ lặn - công nhân Nhà máy Ba Son trong phim "Giữa hai làn nước" - là "giấy thông hành" giúp anh đến với nền điện ảnh mới mẻ này. Các bộ phim sau đó anh được tham gia: "Con mèo nhung", "Pho tượng", "Tình đất Củ Chi", "Phượng", "Miền đất không cô đơn", "Điệp khúc hy vọng", đặc biệt là bộ phim "Ván bài lật ngửa" (8 tập, sản xuất từ năm 1982-1987), Nguyễn Chánh Tín đã xây dựng nên hình tượng khá đẹp về chiến sĩ tình báo của cách mạng. Giải thưởng trong sự nghiệp diễn xuất: Giải Nam diễn viên xuất sắc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 7 - 1985 cho vai diễn Nguyễn Thành Luân trong phim "Ván bài lật ngửa"; Giải thưởng Diễn viên nam xuất sắc nhất của Hội Điện ảnh TP HCM với vai tỉ phú Bảo trong phim "Ngôi nhà oan khốc"; được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.
NSƯT Nguyễn Chánh Tín đột ngột trút hơi thở cuối cùng lúc 5 giờ ngày 4-1 tại nhà riêng, hưởng thọ 68 tuổi.
Linh cữu NSƯT Nguyễn Chánh Tín quàn tại nhà riêng - lô C1, chung cư Belleza, đường Phạm Hữu Lầu, phường Phú Mỹ, quận 7, TP HCM. Lễ viếng từ ngày 5-1. Lễ động quan đưa đi hỏa táng lúc 6 giờ ngày 8-1.
Văn Nghệ
Bình luận (0)