Nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cho biết Giáo sư - Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trọng Bằng đã qua đời sáng 21-11. Tang lễ của ông sẽ được Hội Nhạc sĩ Việt Nam và gia đình thông báo trong thời gian sớm nhất.
Nhạc sĩ Trọng Bằng, nguyên Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, qua đời ở tuổi 91
Giáo sư - NSND Trọng Bằng sinh năm 1931 tại Cao Bằng, quê ở Gia Lâm, Hà Nội. Ông bắt đầu hoạt động âm nhạc từ những năm còn là học sinh các trường Trung học thời kháng chiến ở Liên khu IV cũ.
Ông là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp bằng đỏ tại Nhạc viện Tchaikovsky (Liên Xô cũ, 1963). Từ 1972-1978, ông chính thức chỉ huy dàn nhạc Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, sau được cử làm Phó Giám đốc kiêm Chỉ đạo Nghệ thuật (1975).
Từ 1978-1984, ông là Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội kiêm Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng do chính ông được Bộ Văn hoá ủy nhiệm thành lập. Từ 1984-1996, ông là Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, đã góp phần quan trọng trong việc đưa Nhạc viện trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn có uy tín ở trong nước và quốc tế.
Trọng Bằng là nhạc sĩ có nhiều đóng góp lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền âm nhạc bác học ở Việt Nam. Là nhạc trưởng đầu tiên điều khiển các buổi hòa nhạc giao hưởng nổi tiếng ở Sài Gòn sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng (1975), ông cũng từng chỉ huy các dàn nhạc giao hưởng Moscow và Tasken trong đợt "Những ngày Văn hoá Việt Nam" tại Liên Xô cũ năm 1985, dàn nhạc Electone ở Tokyo (Nhật Bản) mùa hè 1995...
Trọng Bằng còn là một nhạc sĩ sáng tác có tên tuổi. Ông có nhiều bài hát đã in đậm dấu ấn những năm tháng hào hùng của đất nước như: Tình quê hương, Tây Bắc sáng lại, Nhịp máy khoan, Những dũng sĩ Núi Thành, Bài hát bên cầu phao, Trăng sáng trên tuyến đường, Đế quốc Mỹ là cái thân con ruồi, Bão nổi lên rồi, Pháo ta gầm, Bài ca người chiến sĩ công an nhân dân, Tiếng hát gửi Vàng Danh, Quê hương vang lên tiếng hát tự hào...
Các tác phẩm khí nhạc của ông cũng có vị trí vững chãi trong lịch sử khí nhạc trẻ tuổi của Việt Nam như Vũ khúc viết cho cello và piano, ouverture Chào mừng, giao hưởng thơ Người về đem tới ngày vui viết cho dàn nhạc giao hưởng...
Cả về sáng tác thanh nhạc lẫn khí nhạc, ông đều nhận được nhiều giải thưởng.
Bên cạnh các sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Trọng Bằng còn là tác giả âm nhạc của nhiều vở sân khấu như Làng đỏ, Bão biển, Khúc thứ ba bi tráng, Người cầm súng, Những người Nga, Người công dân số 1, Bay trước mùa xuân, Xóm vắng, Đêm cuối cùng ở Tây Ban Nha, Hẹn ngày trở lại... Ông cũng viết nhạc cho nhiều phim truyện như Cù Chính Lan, Biển lửa, Chùm hoa thiên lý, Ngày lễ Thánh, Bức tường không xây, Ngôi sao trên biển, Trừng phạt, Hoàng Hoa Thám... , bên cạnh đó là nhiều phim tài liệu, thời sự khác.
Nhạc sĩ Trọng Bằng từng là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đại biểu Quốc hội khoá X. Năm 2013, ông được trao Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Từ nhiều năm nay, ông bị tai biến và được chăm sóc đặc biệt. Đầu năm 2021, chương trình "Mai vàng nhân ái" đã đến thăm nhạc sĩ tại Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội.
Bình luận (0)