Nhắc đến Nguyễn Ngọc Tư, ta sẽ nghĩ ngay đến những truyện ngắn với bối cảnh miền Tây sông nước. Trong những sáng tác gần đây của chị, có thể thấy sự tìm tòi cố gắng sáng tạo ở truyện ngắn mà đôi khi khiến nhiều độc giả thấy không quen. Họ đã "cố định" chị ở một cánh đồng, một dòng sông không cho đi đâu cả. Mà Nguyễn Ngọc Tư nào có đi đâu, chính những dòng sông, cánh đồng đấy đang biến đổi từng ngày, từng giờ; cháy nắng, khô kiệt.
Bìa sách “Hành lý hư vô”
Có thể coi tản văn là khoảnh nối dài những truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Trong tập tản văn mới nhất: "Hành lý hư vô" (NXB Trẻ ấn hành 2019), Nguyễn Ngọc Tư đưa người đọc đến với miền Tây của thực tại, không còn là cái cõi hoang sơ huyền ảo trong truyện của Sơn Nam, đó là một thế giới đang xâm nhập bởi sự hiện đại, trước những đổi thay của thời cuộc, khi thiên nhiên không còn ưu đãi con người và lòng người cũng đang bị thử thách.
"Hành lý hư vô" tập hợp những bài viết ngắn, mong manh như một phận người. Đọc tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư có cảm giác thân thuộc, không cầu kỳ mà chầm chậm thấm từng chút một, như thể ta có thể tin vào sự bất biến của những khung cảnh, những con người miệt quê mộc mạc với ruộng đồng, với chòm xóm cho đến một ngày quay quắt xung quanh chỉ toàn cảnh lạ. Như khuôn mặt trắng thấy gân xanh vì tắm trắng của chị phụ nữ thôn quê ngày xưa chân chất, đen nhẻm vì nắng, như chuyện người ta đâm ra cãi nhau cái chuyện hiển nhiên giữ Tết hay bỏ Tết? Cái chuyện mà chục năm trước đem ra bàn chắc đã bị chửi ngay là dở người. Chứng tỏ cả những giá trị ta tưởng chừng như trường cửu bỗng một ngày bị đe dọa bởi thay đổi của thời cuộc nhưng còn có thứ đáng sợ hơn đó chính là sự thay đổi của lòng người. Khi mà trời đất miền Tây không giữ nổi những cuộc thiên di của con người tìm kế mưu sinh, sau những vụ tôm thất bát, sau những đám cưới rình rang. Để rồi biến cái câu "đi Bình Dương" tưởng chừng rất nhẹ là một cuộc đổi dời dâu bể, là những xóm làng chỉ còn bóng người già con nít, là những hạnh phúc đổ vỡ.
Những bài trong tập tản văn có dung lượng không dài, mong manh nhưng bén ngọt, khứa vào lòng ta lúc nào không hay, tựa hồ như một vết "sẹo của nước". Tản văn của Nguyễn Ngọc Tư đầy những vết "sẹo của nước" như vậy, những vết sẹo vô hình mà kẻ hời hợt khó lòng thấy được. Cái cảm giác nhẹ dễ đánh lừa chúng ta rằng chỉ cần bỏ qua vài tiếng với cuốn sách, buồn vui trong phút giây rồi thôi. Nhưng cơ sự nào có đơn giản như vậy, ta có thể đọc cuốn sách rất nhanh nhưng rồi nó sẽ ở lại cùng ta rất lâu, hệt như cái tên của nó vậy, một thứ hành lý hư vô mà ta phải mang theo và trăn trở cùng nó.
Nếu không ghi "tản văn" ngay bìa sách, dễ chừng có thể xem đây là tập truyện ngắn, bởi trong mỗi bài đều có chất "truyện" của riêng nó, thứ văn chương gợi nhắc ta đến những truyện ngắn thời kỳ đầu của Nguyễn Ngọc Tư. Đời sống còn ngồn ngộn hơn nghệ thuật và không cần điểm trang thêm chút hư cấu nào vẫn khiến chúng ta choáng trước những thực tế sống động của nó.
Ở "Sẹo của nước", ta có thể thấy đầy đủ chất liệu để làm nên một tiểu thuyết. Hoặc giả một nhà điện ảnh nào nên đi tìm ở đây nguồn cảm hứng cho một bộ phim với đủ cung bậc hỷ - nộ - ái - ố: Chàng trai tên Chơn, tính tình chân chất hiền lành, chuyên phụ việc vặt cho bà con chòm xóm. Một đêm tháng sáu, Chơn cứu một người phụ nữ bị thương nằm trên đường, đưa chị vào bệnh viện rồi bỏ đi làm việc khác. Chuyện dừng lại ở đây thì chẳng có gì đáng nói, nếu như ngay sau đó, Chơn không bị bắt vì tội cướp giật tài sản. Nhà hành pháp tin rằng Chơn có tội, người bị cướp tin rằng Chơn có tội, chỉ có dân Cầu Đôi tin rằng Chơn vô tội; mù mờ về pháp luật, họ vẫn quyết lên đường minh oan cho cậu nhỏ hiền lành, vì họ tin và họ hiểu, tự nhiên như thể bao nhiêu năm nay họ tin vào sông nước quanh họ, chỉ cần dõi theo cánh chuồn cũng biết được mùa khô năm nay sắp hết hay dài thêm.
Cuối cùng Chơn được minh oan, dân Cầu Đôi đã cứu vớt chút niềm tin của độc giả vào công lý, rằng "ở hiền gặp lành". Nhưng còn Chơn thì sao, liệu anh có dám cứu người gặp nạn nữa không hay chùn tay mà lảng sang nơi khác vì biết đâu làm ơn mắc oán lần nữa. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư neo lại trong lòng độc giả một câu hỏi mang hình vết sẹo: "Người ta vẫn tưởng chém vào nước thì không để lại sẹo. Chẳng nhìn thấy bằng mắt thường nhưng chúng vẫn ở đó, rách bươm, còn lâu mới lành." (tr.130). Và mỗi người khi đứng trước lằn ranh giữa thiện và ác, chúng ta lại nhớ cái vết sẹo khi chém vào nước ấy.
Nhưng không chỉ có lòng hoài nghi, "Hành lý hư vô" còn có hy vọng, hy vọng vào những tình cảm thiêng liêng ở con người, hy vọng vào điều thiện, rằng cuộc đời không hẳn xấu xa nếu ta có cách nhìn hòa ái với mọi người xung quanh, với cuộc đời, như tin vào một ngày sỏi đá sẽ trổ bông, dẫu đó chỉ là niềm tin của một thằng nhóc tên Khờ.
Bình luận (0)