Ngày nào mặt trời cũng qua Hoàng Sa/ trước khi vào đất mẹ/ tôi nhận ra trong từng tia nắng/ ánh mắt nồng nàn chiến sĩ trận vong.
Khá nhiều câu thơ ấn tượng như thế trong bài thơ làm tựa đề chung cho cả tập thơ, "Hoàng Sa" - NXB Hội Nhà văn, 2018 của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm. Luôn có lửa và đầy những dư ba, ám ảnh. Ông viết về biển đảo thiêng liêng với tâm hồn trĩu nặng tình yêu. Có lúc cảm xúc tuôn trào như những ngọn sóng dữ dội, có lúc lấp lánh như một mảnh vỉa trầm tích được khai quật. Những câu chữ hiện dần lên bóng dáng các anh hùng hải đội Hoàng Sa, hóa thân vào đất nước, ở lại với niềm tiếc thương trong những ngôi mộ gió.
Và trời xanh cũng mộ gió trùng trùng/ những hình bóng mơ hồ mà thân thuộc/ những hình sông dáng núi đổi thay/ biển căm giận bao giờ hết sóng/ tỏi Lý Sơn bao giờ hết cay nỗi Hoàng Sa.
Nhiều người viết về Hoàng Sa, nhiều thể loại nhưng Nguyễn Vũ Tiềm có cái nhìn riêng trong những mạch nguồn dễ đồng cảm của người Việt. Mất mát, đau thương đâu chỉ với người đã hy sinh, trĩu lòng người ở lại, mà còn nhói đau cả cảnh vật:
An Vĩnh, An Hải chiều nay/ tôi gặp hoàng hôn chống nạng/ bảy sắc cầu vồng mồ côi/ trăng vọng phu đêm nào cũng khuyết/ những góa phụ sao trời, sóng biển gửi khăn sô.
Nguyễn Vũ Tiềm chạm đến sâu thẳm tâm linh khi viết về Hoàng Sa. Tình cảm chân thành, sâu nặng, đọc mà thấy máu nóng trong người, thấy thêm yêu đất nước mình vô tận:
Nhịp đập Hoàng Sa nóng ran huyết mạch/ tôi vốc tro cốt của tôi sau này/ thả xuống biển Đông (Hoàng Sa).
Tập thơ được chia làm 3 phần. Ngoài "Hoàng Sa" (phần 1), phần 2 là "Khoảng lặng và khoảng cách", phần 3 là "Cửa thoát hiểm cho ngôi nhà thời gian". Ông gửi gắm những suy tư thế thái nhân tình, về lẽ đời, về thân phận con người, về những biến thiên thời cuộc…
Có phải không giữa vòng quay gấp gáp/ những khuya sớm dành cho nhau hơi ít/ nhường cho nhau những vội vã hơi nhiều/ những dưa muối mặn mà như hơi thiếu/ lại hơi thừa những… mỹ vị hoài nghi (Trên cỗ xe thời gian).
Có những câu thơ đọc tưởng chừng rất nhẹ nhưng hàm súc chất suy tưởng từ những chiêm nghiệm, đúc kết mà thành:
Bỗng nhận ra hơi ấm đã tiệt trùng dối trá/ Thánh Bụt Thần Tiên từ cát bụi hiện hình (Bóng tối không che khuất ai).
Sắp gặp rồi lại cách xa/ vụng tu đành lấy cỏ hoa làm chùa (Vụng tu).
Nhà thơ đề cập nhiều đến thời gian bên cạnh cái hữu hạn của đời người, giữa những khoảng lặng, những khoảnh khắc lắng đọng của thời gian:
Được sở hữu chiếc đồng hồ quý giá/ nhưng chắc gì biết sở hữu thời gian/ anh vừa bấm móng tay vào trái thời gian chưa chín (Trái thời gian chưa chín).
Nhưng tìm mãi tìm hoài chẳng thấy/ giữa vô lượng thời gian em ở nơi nào (Suốt đời xe cát).
Ngôn ngữ và thủ pháp thơ của Nguyễn Vũ Tiềm có những điểm nhấn sáng tạo. Chẳng hạn như:
Vào chùa hái một tiếng chuông/ tặng em nhành lộc làm hương bốn mùa.
(Tặng các tì kheo ni từng là thanh niên xung phong)
Cái từ "hái" thật đắt khi cái hái được là tiếng chuông, cái ngỡ không cầm nắm được mà rõ ràng lại hiện hữu trên tay. Và đây:
Thời gian lượm hoài không đầy vốc tay/ heo may như ngón tay/ lần tràng hạt phố (Chuỗi tràng hạt mùa thu).
Khi heo may về trên phố, nhà thơ nhân cách hóa thành ngón tay lần tràng hạt phố, câu thơ lạ mà đầy thi ảnh.
Còn với: Vần thơ xuân sớm vừa gieo xuống/ thấp thoáng hồn thu ở cuối câu (Nhịp tháng ngày).
Thì phải nhiều trải nghiệm, tinh tế mới nhìn ra, làm câu thơ khéo đến thế được…
Một trong những bài thơ đáng chú ý trong tập thơ này là "Làm đau hoa tường vi". Hoa như chứng nhân những lời nói dối mà vẫn tươi.
Hoa vẫn tươi làm ta xấu hổ/ ta có thể nói dối vợ con, bạn bè và nói dối/ nhưng không thể nào nói dối một làn hương.
Những suy tư sâu sắc trong nhiều bài thơ khiến ta đọc đi đọc lại, để rồi có lúc phải lặng người:
Tôi thả lòng mình mặc cho tốc độ rơi/ may vướng vào một làn mây, một sợi tóc/ tôi trở về cõi thực là tôi.
Tôi là gốc thông có nhiều vết chém/ nhựa ứa ra/ màu thiền (Thung lũng vàng).
Có bài thơ như một bức tranh, một phong cảnh, một bày biện, nhưng lay động tâm thức:
Con chuồn ớt đậu hờ bên nhánh ớt/ ngọt đấy hay là cay/ gió đứng im nhường cho cây chuyển động/ ít tức là nhiều (Tối giản).
Và cứ thế, đời sống hiện đại, chất thiền trong tâm thức, những thế sự trầm luân đi vào thơ. Khép lại "Hoàng Sa" với nhiều dư vị, bạn đọc có thêm một tập thơ hay của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm.
Bình luận (0)