Lần này, cũng không ngoại lệ. Sau cuốn tiểu luận "Đi tìm mật mã thơ" (NXB Hội Nhà văn, 2005; tái bản 2015), Nguyễn Vũ Tiềm lại ra sách "Tiếp cận mật mã thơ" (NXB Hội Nhà văn, 2019). Sách dày hơn 320 trang, là tập khảo cứu, bình luận văn chương được viết công phu, chia làm 2 phần: "Hồn thư pháp" và "Chuyển đổi hệ thi pháp".
Dẫn chuyện bằng "Hồn thư pháp" như một cách định nghĩa thơ, một quan niệm thơ từ người thầy khả kính của tác giả và thế hệ bạn bè của ông. Hai bức trướng thư pháp trong phòng khách của thầy (bài thơ "Tuyệt cú" của Giả Đảo đời Đường và đoạn văn của TS Hoàng Đức Lượng, năm 1479) hàm súc ý tứ sâu xa sau những con chữ, là cách nghĩ về thơ của các bậc trí giả. Dù là "ba năm viết được hai câu thơ, ngâm lên một tiếng, hai dòng nước mắt tuôn chảy"… hay "Thơ là màu sắc ngoài mọi màu sắc…, là mùi vị ngoài mọi mùi vị"… đều là những triết lý thẩm mỹ mang tâm cảm lớn, bàn bạc càng nhiều càng thấm thía…
Bìa tập sách “Tiếp cận mật mã thơ” của Nguyễn Vũ Tiềm
Nguyễn Vũ Tiềm đặt vấn đề tứ thơ và hướng tiếp cận mới, theo ông, "tứ thơ là kết quả của một tìm tòi khám phá, là chìa khóa mở ra thế giới bí ẩn của bài thơ". Ông dẫn ra các hình thức cấu tứ: chủ đề, cảm đề, định đề, phản đề. "Bốn hình thức cấu tứ như bốn cánh cửa, nhà thơ chọn và gõ vào một trong số ấy: "Vừng (thơ) ơi mở cửa", một thế giới mới lạ, tinh khôi lần thứ nhất được phô bày. Trong thế giới thu nhỏ này, nhà thơ lao động hứng khởi và nhọc nhằn. Thành quả lao động sau đó thuộc về bạn đọc và nó có đời sống riêng, số phận riêng, thoát khỏi sự kiểm soát của nhà thơ".
Theo Nguyễn Vũ Tiềm, trong ngôn ngữ thơ, yếu tố lệch chuẩn có khi như là sự thử thách năng lực sáng tạo. "Người đi mỏi phố, mùa chưa cúc" (Vàng thu - Hải Từ); "Không dưng chiều trở gió/ Nắng đã mùa xa xôi/ Tóc người còn hong đó/ Giờ đã buồn sang tôi" (Gương mặt - Nguyễn Đức Hạnh). "Ngỡ không thơm nữa trăng ngày cũ/ Cuối ngõ khuya về bưởi mới hương" (Hương muộn - Lương Hữu)…Thủ pháp này tạo ra cụm từ mới trong tập hợp mới, hình ảnh nâng lên thành hình tượng.
Trong tập sách này, tác giả dành nhiều công phu khảo luận về các tác phẩm của người xưa, như "Bắc sứ thi tập" của Nguyễn Công Hãng (1680-1732), bình bài thơ "Đề ở chùa Hoa Yên, núi Yên Tử" của Nguyễn Trãi, "Xuân lạnh" của Nguyễn Bỉnh Khiêm, câu đối của Nguyễn Du và Cao Bá Quát ở đền Phù Đổng… bằng ngôn ngữ khúc chiết và thi vị. Phần còn lại là những bài viết về tác phẩm của một số tác giả hiện đại: Lê Trí Viễn, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Đỗ Trọng Khơi… cùng những bình luận, phát hiện sắc sảo về chuyển đổi hệ thi pháp trong thơ Việt hôm nay…
Với Nguyễn Vũ Tiềm, thơ luôn là ngôi đền thiêng. "Mở ra thế giới bí ẩn của bài thơ còn mang nội hàm nhà thơ cảm nhận và viết ra điều mà người khác không thấy, ở đó cái đẹp và sự thật ngời lên một giá trị mới mẻ".
Bình luận (0)