Nhà báo Đinh Phong
Giới văn nghệ sĩ TP HCM và báo chí chuyên viết về văn hóa - nghệ thuật đã bày tỏ niềm thương tiếc trước tin nhà báo Đinh Phong qua đời.
Nhà báo Đinh Phong (Nguyễn Văn Túc) sinh năm 1938. Khi làm báo, ông từng kinh qua các mảng như nông nghiệp, kinh tế, bưu điện, công thương rồi sang quay phim, truyền hình, giảng dạy, công tác ở Hội Nhà báo…trước khi tạm xa ngòi bút vì tình trạng sức khỏe.
Hơn 3 năm chống chọi căn bệnh tai biến đeo đẳng khiến ông không tự đi lại được, mọi sinh hoạt hằng ngày đều do người bạn đời của ông chu toàn.
Gắn bó với nghề báo từ vị trí phóng viên Báo Nhân Dân (năm 1958), nhà báo Đinh Phong được phân công theo dõi, viết tin bài về ngành bưu điện.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, ông được gặp và viết về những giao liên làm nhiệm vụ dẫn đường cho bộ đội chủ lực từ ngoại ô tiến vào Sài Gòn.
Những bài viết của ông đã để lại nhiều dấu ấn và tạo tiếng vang trong kháng chiến. Sau này, ông đã tập hợp, in thành tuyển tập "Như là huyền thoại" được xuất bản rộng rãi.
Nhà báo Đinh Phong
Với những đóng góp và 50 năm gắn bó với ngành bưu điện, nhà báo Đinh Phong đã được tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp Bưu điện.
Sau ngày đất nước thống nhất, nhà báo Đinh Phong được cử về công tác tại Đài Truyền hình TP HCM trên cương vị phó giám đốc. Vẫn mang tư duy của người làm báo, luôn tìm tòi cái mới, những chương trình như: "Tiếng hát truyền hình", "Giải đua xe đạp cúp truyền hình", "Bản tin truyền hình" do ông đề xướng… đã làm nên "thương hiệu" của HTV.
Về sau, ông trở thành Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam rồi Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM và làm công tác giảng dạy báo chí ở một số trường đại học tại TP.
Linh cữu ông được quàn tại địa chỉ: Nhà Tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP HCM.
Bình luận (0)