Nhà thờ Bùi Chu - Ảnh: Facebook Quang Vinh Vu
Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Vinh thông tin trên trang Facebook cá nhân cho biết theo thông tin từ trang của Giáo phận Bùi Chu, giáo xứ quyết định đập bỏ nhà thờ Bùi Chu, một trong những nhà thờ lâu đời và đẹp nhất Nam Định vào ngày 13-5 tới. Thay vào đó là xây mới một nhà thờ.
Trước đó, ông Martin Rama, cố vấn cao cấp tại Ngân hàng Thế giới và Giám đốc dự án tại Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng đã có một bài viết cho rằng những nhà thờ và thánh đường được xây ở Việt Nam thời Pháp thuộc là những viên ngọc kiến trúc và sự xuống cấp hay hủy hoại những công trình này là một mất mát cho nhân loại.
Theo ông Martin Rama, một số lượng lớn các nhà thờ và thánh đường xinh đẹp nằm rải rác trên cả nước, trong đó có một nhóm nhà thờ tuyệt đẹp nằm ở tỉnh Nam Định và Ninh Bình. "Những tòa nhà này và trang trí nội thất bên trong chúng thật sự là những viên ngọc kiến trúc nhờ sự kết hợp giữa kiến trúc Beaux Arts với thẩm mỹ truyền thống của Việt Nam. Sự hủy hoại những công trình kiến trúc này là một mất mát cho nhân loại" - ông Martin Rama viết.
Nhà thờ Bùi Chu - Ảnh: Facebook Quang Vinh Vu
Chuyên gia này cũng cho hay dù không phải là một chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc và di sản, nhưng ông tin rằng một tập hợp các tòa kiến trúc đáng chú ý như các nhà thờ công giáo ở miền Bắc Việt Nam hoàn toàn có thể khát vọng lọt vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO. Nếu chúng được bảo vệ và cải tạo đúng cách, chúng sẽ trở thành một mạch du lịch hấp dẫn và mang lại thu nhập cao hơn cho người dân địa phương.
Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có một số ít nhà thờ là nhà thờ Phát Diệm ở Ninh Bình, nhà thờ Đức Bà ở TP HCM, nhà thờ Lớn và nhà thờ Cửa Bắc ở Hà Nội được xếp hạng và được bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa.
Theo Luật Di sản văn hoá, khi các di tích, trong đó có các nhà thờ, chưa được xếp hạng di tích các cấp thì sẽ không được bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa. Điều này đồng nghĩa với việc trùng tu hay hạ giải để xây mới các nhà thờ hoàn toàn thuộc quyền của giáo dân và các cha xứ.
Theo quy định của pháp luật hiện nay, để được xếp hạng di tích, các chủ thể của công trình phải trình hồ sơ lên các cấp có thẩm quyền theo quy định để xin công nhận di tích, chứ cơ quan nhà nước không thể chủ động xếp hạng di tích cho công trình nào.
Bình luận (0)