Những vần thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ đã được nhiều người yêu quý. Hình ảnh và nụ cười nhân hậu của bà luôn hiện hữu trong tâm trí những ai đã từng gặp gỡ, mến mộ tài năng của bà.
Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949, quê ở huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Bà làm việc tại Ty văn hóa Quảng Bình, năm 1978 đến 1983 học Trường viết văn Nguyễn Du. Sau bà làm phóng viên, biên tập viên Tạp chí Sông Hương của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế.
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ (Ảnh: Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế)
Hoàng Dạ Thư - con gái cả nhà thơ - cho biết những năm gần đây, bà sống cùng gia đình và mắc bệnh Alzheimer nên không còn minh mẫn.
Lâm Thị Mỹ Dạ nổi tiếng trên văn đàn từ năm 1971 ở tuổi đôi mươi, sau khi đoạt giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ với bài "Khoảng trời, hố bom. Tác phẩm từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn cấp 3.
Bà nhập ngũ năm 1966 và đã chứng kiến nhiều đau thương, mất mát trên chiến trường. Lâm Thị Mỹ Dạ từng nói về thơ: "Thơ vừa là nơi gây cho mình nhiều vết thương, mà cũng vừa là nơi xoa dịu, nhưng cũng không hẳn là một khu vườn chữa bệnh. Vì nếu như vậy, ai cũng nhảy vào đó. Thơ như cuộc đời đầy tràn vết thương. Trên đường đi vào thể nào cũng bị cào rách nát. Nhưng khi đến được thì đó là đích cuối cùng".
Năm 2005, một tập thơ gồm 56 bài do bà tự tuyển chọn được Nhà xuất bản Curbstone (Mỹ) dịch sang tiếng Anh và phát hành.
Năm 2007, bà được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với các tập thơ: "Đề tặng một giấc mơ" (1988), "Trái tim sinh nở" (1974), "Bài thơ không năm tháng" (1983).
Bài thơ "Truyện cổ nước mình" của Lâm Thị Mỹ Dạ được in trong sách Tiếng Việt lớp 4 tập một, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, năm 2019.
Bình luận (0)