Sáng 25-10, tại TPHCM, 9 thí sinh của cuộc thi Nữ hoàng golf 2017 tổ chức họp báo tố cáo BTC cuộc thi có nhiều biểu hiện lừa đảo, thiếu minh bạch. Bà Đỗ Phương Thảo - trưởng BTC cuộc thi lên tiếng giải thích
Trưởng BTC nói thành viên BGK chửi thề
Việc các thí sinh tố cáo chương trình gian dối về việc sẽ truyền hình trực tiếp đêm chung kết trên sóng HTV 4 được bà Đỗ Phương Thảo - trưởng BTC giải thích: "Việc truyền hình trực tiếp đêm chung kết Nữ hoàng golf 2017 trên sóng HTV 4 được Water Media ký hợp đồng với công ty Khang Nam". Bà Thảo khẳng định mình là giám đốc điều hành của công ty TNHH Water Media. Trái với thông tin từ phía bà Thảo, Đài Truyền hình TPHCM cho biết không có hợp đồng phát sóng trực tiếp đêm chung kết Nữ hoàng golf 2017 nào được ký kết.
Bà Đỗ Phương Thảo (người đang phát biểu) vừa là trưởng BTC vừa là trưởng BGK cuộc thi Nữ hoàng golf 2017 (ảnh từ trang web của chương trình)
Cuộc thi Nữ hoàng golf 2017 có 13 thí sinh thì có tới 9 thí sinh phản đối dữ dội kết quả giải thưởng và toàn bộ cuộc thi, bà Đỗ Phương Thảo cho rằng: "Có tới 4 thí sinh của cuộc thi là bạn chơi rất thân với nhau ở ngoài đời, trong đó có một thí sinh từng tuyên bố "không đội trời chung" với thí sinh đoạt giải Nữ hoàng, bởi vì "không đủ đẳng cấp để đứng cùng sân"; nhưng đây chỉ là vấn đề cá nhân".
Về những thông tin mà thành viên BGK Phạm Thị Thanh Yến cáo buộc rằng cuộc thi là tầm cỡ "ao làng" và bức xúc phản ánh "BGK chỉ là bù nhìn, thí sinh là con rối", Trưởng BTC Đỗ Phương Thảo nói: "Có những thông tin cá nhân về bà Yến mà tôi không thể cung cấp cho truyền thông được. Nhưng bà Yến không phải là thành phần giám khảo xuyên suốt trong cả cuộc thi. Hơn nữa, bà Yến có những vi phạm cam kết ban đầu với BTC". Sự việc chồng của Đỗ Phương Thảo gọi điện thoại hăm dọa bà Yến được MC giải thích là: "Do bà Yến có những hành động quá khích, liên tục gọi điện thoại, chửi thề, cũng như có những hành động áp bức tinh thần tôi".
Hoạt động thể thao cũng chỉ là "cho có" chứ không mang tính chất quyết định vì cuộc thi đi tìm người truyền cảm hứng về golf
Thí sinh, doanh nhân Bùi Vân Anh, người đoạt giải Nữ hoàng golf 2017
Mập mờ, tùy tiện
Lý giải về việc Á hoàng 1 không có mặt ở các vòng đấu golf, bà Đỗ Phương Thảo cho biết: "Thí sinh đã xin phép từ đầu là không tham gia vòng sơ tuyển do bận lịch công tác ở Hà Nội. BTC chấp nhận vì đó chỉ là vòng kiểm tra kỹ thuật đánh golf trong khi thí sinh lại là người có khả năng đánh golf rất tốt. Ở vòng này, thí sinh được vượt qua nhưng không phải là người đạt điểm cao nhất. Ở vòng thi đánh golf thứ hai, thí sinh này cũng không có mặt nên không được điểm nào. Các hoạt động xã hội chỉ là giá trị cộng thêm, không được tính điểm, quan trọng nhất là vòng thi chung kết thì ở đêm cuối cùng, thí sinh này có mặt dự thi và được giải giải Á hoàng với số điểm rất cao".
Màn đấu giá "ép" được bà Đỗ Phương Thảo giải thích là: "Có các khách mời khác nhưng họ đấu giá không thắng vì các thí sinh đưa giá cao hơn". Các hoạt động từ thiện bị thí sinh kêu là bôi bác, như trò hề, các thí sinh quyên góp cho chương trình từ thiện cho nạn nhân chất độc da cam Củ Chi lên đến 75 triệu đồng nhưng tiền tặng cho các gia đình khó khăn chí có 200 ngàn đồng/hộ được bà Đỗ Phương Thảo phản bác với lý do: "Chúng tôi có tặng lại cho Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Củ Chi 30 triệu đồng".
Hình ảnh đi tặng quà từ thiện cho nạn nhân chất độc da cam ở Củ Chi
Bà Đỗ Phương Thảo thừa nhận rằng toàn bộ các thí sinh đến với cuộc thi không ký kết hợp đồng hoặc cam kết thỏa thuận với các điều khoản để hai bên có hành lang pháp lý khi ứng xử với nhau mà chỉ điền mẫu khai báo các thông tin các nhân của chính họ. Tiền tham dự, thí sinh chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân của trưởng BTC, còn quy chế, thể lệ của các vòng thi được in ấn phát tới tay các thí sinh.
"Trong đêm chung kết, Đỗ Phương Thảo yêu cầu chúng tôi cộng thêm 300 điểm, 500 điểm, 1000 điểm cho các thí sinh khiến chúng tôi chẳng hiểu sao tự nhiên lại cộng điểm như thế. Top 5, top 3 và danh hiệu Nữ hoàng BGK hoàn toàn không biết là ai" – bà Phạm Thị Thanh Yến, thành viên BGK đêm chung kết khẳng định.
Bà Phạm Thị Thanh Yến bức xúc thông tin tại cuộc họp báo sáng 25-10
Danh sách khách mời có mặt tại buổi đấu giá, biên nhận tiền từ thiện của Hội nạn nhân chất độc màu da cam Củ Chi, thông tin về công ty Khang Nam, danh sách BGK chấm giải, quy chế chấm giải, thể lệ cuộc thi … bà Đỗ Phương Thảo hứa sẽ cho nhân viên gửi qua email nhưng cuối cùng không ai gửi bất cứ một tài liệu gì.
Trả lời câu hỏi về việc nhà tổ chức nghĩ sao về chuyện có quá nhiều thành phần tham dự cuộc thi lên tiếng phản ứng dữ dội, tố cáo những biểu hiện thiếu trung thực, không minh bạch, Đỗ Phương Thảo cho rằng: "Lần đầu tổ chức nên nếu có gì sơ sót, tôi xin rút kinh nghiệm". Không biết sự vụ lùm xùm vỡ ra từ cuộc thi sẽ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân của một MC – quý bà kiêm giám đốc điều hành công ty TNHH Water Media hay đây là chiêu PR để công chúng biết đến công ty này, và thu hút nhiều hơn số thí sinh tham dự ở các lần thi sau?
Cuộc thi trái phép?
Cuộc thi Nữ hoàng golf 2017 được Sở Văn hóa Thể thao TPHCM cấp phép ngày 18-8-2017, văn bản số 4996/SVHTT-QLTDTT ghi: "Xét hợp đồng đối tác tổ chức thi đấu Golf số 001/WM ngày 15-8-2017 của Công ty TNHH Liên doanh Hoa Việt về việc tài trợ địa điểm tổ chức giải Nữ hoàng golf 2017. Nhận thấy đây là một hoạt động thể thao tổ chức nhằm hưởng ứng phong trào phát triển golf nữ của TP HCM, đồng thời tạo điều kiện khuyến khích nữ doanh nhân rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe...". Như vậy, đây là một hoạt động thuộc lĩnh vực thể thao.
Nhưng bà Đỗ Phương Thảo khẳng định: "Chúng tôi đã nói rõ từ đầu, đây không phải là một cuộc thi người đẹp, cũng không phải cuộc thi thể thao mà là cuộc thi tìm người để truyền cảm hứng về golf, trong số những ai bước vào phong trào golf mà thể hiện sự đam mê, có sự tiến bộ nhiều nhất khi đến với golf".
Cuối cùng thì cuộc thi này thuộc lĩnh vực nào quản lý? Có phải đây là một sự lách luật? Điểm 3 điều 6 (Nghị định 37 được Chính phủ ban hành năm 2012 về Xử phạt hành chính trong lĩnh vực thể dục thể thao) có quy định về "Hành vi gian lận trong hoạt động thể dục thể thao" cho thấy mức phạt hành chính nếu có "hành vi làm sai lệch kết quả thi đấu thể thao" bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Quá nhẹ nhàng đối với một cuộc thi thu "tiền tỉ".
Bình luận (0)