Phóng viên: Đến với độc giả bằng sự khởi đầu qua dòng truyện trinh thám, người trong giới kỳ vọng Di Li sẽ trở thành một nhân tố "độc, hiếm" ở thể loại này. Thế nhưng, thời gian gần đây, Di Li xuất hiện nhiều hơn ở dòng sách du ký, vì sao?
- Nữ nhà văn Di Li: Tôi chưa bao giờ rẽ ngang và rời bỏ trinh thám cả. Lý do tôi viết nhiều du ký là vì cũng vô cùng đam mê thể loại này. Một trong những thể loại đầu tiên tôi viết là du ký và luôn sáng tác song song với nhiều thể loại khác, trong đó có cả trinh thám. Tuy nhiên, trinh thám là thể loại sáng tác vô cùng công phu và kiệt sức. Với một cuốn sách 600-700 trang, chỉ riêng… đánh máy không thôi cũng đã đủ mệt rồi.
Để viết được một cuốn tiểu thuyết trinh thám, tôi phải tra cứu nguồn tư liệu khổng lồ, cũng như phải đầu tư công sức, tiền bạc để đi thực tế. Nó không dễ dàng như những thể loại khác là gom góp những trải nghiệm sẵn có rồi tưởng tượng, thêm chút cảm hứng là ra. Nếu trinh thám viết dễ và nhanh thì thế giới đã có quá nhiều tác gia trinh thám rồi. Nhưng cuối cùng thì so với tỉ lệ các nhà văn viết các thể loại khác, tiểu thuyết gia trinh thám vẫn chiếm một số lượng khiêm tốn. Trong khi đó, ở các quốc gia phát triển, độc giả rất ưa chuộng trinh thám, có các giải thưởng vinh danh đặc biệt cho tác phẩm trinh thám. Như vậy là nhà văn vừa có cả tiếng lẫn cả miếng một cách dễ dàng, chỉ là anh ta có khả năng để viết trinh thám và đam mê, hiểu biết về nó hay không thôi.
“Người đẹp làng văn” Di Li Ảnh: ĐOÀN HỒNG
Sau khi ra mắt cuốn trinh thám đầu tay "Trại Hoa Đỏ" năm 2009, tôi mất tới 6 năm mới hoàn thành được cuốn trinh thám thứ hai là "Câu lạc bộ số 7". Bây giờ tôi đang bắt tay vào cuốn thứ ba.
Tết vừa rồi, tôi đã sang Hàn Quốc "nằm vùng" mất mấy tuần trong lạnh giá để tìm kiếm tư liệu, vì nhân vật chính của tôi là người Hàn Quốc. Nói chung cũng mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Tôi xin phép chưa được "bật mí" nội dung nhưng đây sẽ là đề tài lần đầu tiên được nhắc đến trong văn học, đại ý là về vấn đề dân số. Nghe thì rất khô khan nhưng nó sẽ là cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất trong sự nghiệp của tôi cho đến nay. Tôi tin là nó sẽ vượt qua được 2 cuốn cũ, dù cuốn thứ hai tôi đã ưng hơn cuốn thứ nhất nhiều rồi.
Chỉ nên làm những gì mình thích
Di Li viết nhiều nhưng cũng rất nhiều thể loại. Tại sao chị không chuyên tâm cho một thứ?
- Nhiều người còn hỏi tại sao tôi không chuyên tâm vào một nghề mà đi làm cùng lúc năm, bảy nghề như thế. Thực ra, nếu có quá nhiều lựa chọn và có thể làm được nhiều việc thì không biết có phải là điều hay hay không nữa. Lý do đầu tiên, tôi sợ hãi nhất là sự nhàm chán. Ngoài sự đơn điệu ra, điều gì tôi cũng chịu đựng được. Thêm nữa, tôi ưa đối mặt thử thách và trở ngại. Khó khăn trong cuộc sống hay công việc cứ như "doping" của tôi, càng có nó tôi càng phát triển được bản thân và thăng hoa năng lượng. Vì thế, khi chinh phục được cái này, tôi lại sẽ thử sang cái khác.
Nhiều người không biết là tôi còn viết cả phê bình văn học. Nhưng những điều đó cũng chỉ là lý do chủ quan. Nguyên nhân khách quan nữa là những việc tôi đang làm đều thu được thành công nhất định, bởi nếu như cứ lấn sân sang một lĩnh vực mới mà chẳng ai đón nhận thì lâu dần tự khắc mình cũng phải thôi.
Tuy nhiên, ngay cả khi tôi viết sách về chuyên ngành PR thì lượng sách bán ra thậm chí còn vượt quá cả "Trại hoa đỏ" là cuốn sách đã được bán đến hơn vạn bản trong 10 năm. Giờ rất nhiều đơn vị xuất bản đặt hàng tôi viết sách PR và kỹ năng sống, thậm chí còn đề nghị được ứng tiền trước nhưng tôi đã từ chối để dành thời gian cho sáng tác văn học. Đối với tôi, thế cũng đã là "chuyên tâm" rồi, còn bảo bỏ các việc viết khác thì nuối tiếc lắm.
Trong hành trình văn chương, nhiều cây bút trẻ đã bỏ cuộc chuyển sang làm việc khác, chị thì vẫn viết đều đều. Điều gì khiến chị làm nên sự khác biệt này?
- Trong 5 năm gần đây, tôi đã bỏ sạch cả những công việc mang lại nhiều thu nhập để tập trung vào việc sáng tác. Bởi lẽ, tôi quan niệm đến tuổi này rồi, chỉ nên làm những gì mình thích. Đã thế, làm được cái mình thích mà vẫn có thể sống tùng tiệm được nhờ nó thì hạnh phúc quá rồi. Vì thế, tôi không coi viết là làm việc hay lao động mà còn có thể coi là thư giãn và chia sẻ vậy.
Tôi là người có quá nhiều ý tưởng - không chỉ ý tưởng viết mà còn vô số ý tưởng về các dự án kinh doanh, giáo dục. Không thể dùng từ nào khác hơn là trong đầu tôi nhung nhúc ý tưởng, nhìn thấy bất cứ sự việc gì thì ý tưởng cũng nảy ra. Tôi cần phải xả nó ra theo một hình thức nào đó nếu không muốn não mình bị lụt mất. Thôi thì viết cũng là một cách xả. Tôi thích sự chuyên nghiệp. Một nhân tố trong khái niệm chuyên nghiệp là phải thực hành đều đặn. Lâu lâu ta không nấu cơm còn lúng túng nữa là viết. Có một quãng thời gian hơn nửa năm, tôi bỏ viết để tập trung xây nhà mới, sau viết trở lại cũng hơi bị bí - điều chưa từng xảy ra với tôi.
Với một người đi lại nhiều như chị, nếu giả dụ bây giờ phải ngồi một chỗ để viết, chị sẽ thấy thế nào?
- Nếu cho tôi chỉ được lựa chọn đi hoặc viết, muốn làm cái này phải bỏ cái kia thì tôi sẽ hóa điên thực sự trong việc loanh quanh ngồi tính toán để lựa chọn, rồi đến hết đời vẫn chưa chọn được mất. Tôi không chọn được điều ấy đâu.
Đi lại, trải nghiệm, giao tiếp, đọc và viết phải đính kèm với nhau. Đó cũng là công thức chung cho tất cả những người viết thành công. Ngay cả khi có đủ những điều ấy thì chưa chắc ta đã thành công nữa là không có đủ.
Giữ tình yêu bằng mọi giá
Có thể nói chị có một sự nghiệp mà nhiều người mơ ước nhưng hình như chị cũng đánh đổi không nhỏ cho nó?
- Có lẽ tôi không phải là mẫu người phù hợp với hôn nhân cho lắm! Tôi thích cuộc sống như thế này. Mới đầu, ngay cả bạn bè, đồng nghiệp cũng thấy rất ái ngại cho tôi nhưng sau khi chứng kiến cuộc sống viên mãn của tôi thì chẳng ai "thương xót" gì nữa hết. Thậm chí, nhiều người còn khuyến khích tôi cứ nên sống như thế này, đừng thay đổi. Mỗi người một tạng.
Nói một cách thẳng thắn, nếu được làm lại thì liệu chị có đánh đổi nhiều như thế hay không?
- Nói chính xác hơn là có sẵn sàng đánh đổi để giữ tình yêu hay không, bởi nếu một cuộc hôn nhân mà yêu thương đã rơi rụng đi nhiều phần thì hôn nhân đó không còn tròn trịa nữa. Tôi đã nói rằng mình không phải là mẫu người sống chịu đựng cho qua ngày. Đời người ai cũng chỉ sống có một lần thôi. Tôi còn không chắc mình có kiếp sau nữa hay không nên khi thời gian là hữu hạn thì việc cam chịu sống một cuộc đời không hạnh phúc, nó khốn khổ quá.
Tôi chỉ là kết thúc một hạnh phúc này để chuyển sang một dạng hạnh phúc khác thôi. Nên quãng thời gian chịu đựng những gì không ưng ý, không hạnh phúc trong cuộc đời tôi nó ít lắm. Còn nếu để giữ tình yêu thì tôi giữ bằng mọi giá. Con người không thể sống thiếu tình yêu. Những người sống trong tù hay mắc bệnh nan y đang hấp hối, người ta vẫn còn có thể yêu kia mà!
Biến cuộc sống của mình thành phim hành động
. Chị thích xê dịch, khám phá nhiều nơi, đi đến nhiều quốc gia. Nhiều người cho rằng đi lại và khám phá sẽ cho người ta nhiều trải nghiệm và thú vị. Chị có thấy đúng như vậy?
- Tôi là người ít khi chia sẻ về cuộc sống cá nhân, ngay cả với những người bạn thân nhất. Người thân hay bạn thân cũng không thể biết hết về tôi. Vì thế, có một lần tôi chia sẻ với mấy cô bạn thân về vài khía cạnh trong cuộc sống, họ đều thốt lên rằng: "Tự nhiên nghe mày nói, tao mới thấy cuộc sống của mình tẻ nhạt và vô vị biết bao nhiêu".
Ngay cả trong những chuyến phượt, những ai đi cùng tôi cũng thường kinh ngạc vì trên đường, họ đã gặp biết bao chuyện lạ kỳ, dù cũng vẫn là với lịch trình phổ biến như vậy nhưng cho dù đã đi nhiều, họ cũng chưa bao giờ trải qua những chuyện ấy. Sau một - hai lần như thế, các bạn đồng hành đâm ra "mắc nghiện". Từ 3 người, giờ nhóm phượt của tôi lên tới 50 người. Dù họ rất bận rộn nhưng cứ lần nào tôi lên chương trình, hầu hết đều đăng ký đi mà không hỏi thêm câu nào. Nói chung, tôi rất hay biến cuộc sống của mình thành phim hành động. Kịch tính, căng thẳng và nghẹt thở (cười).
Bình luận (0)