Nguyễn Xuân Khánh là tác giả những cuốn tiểu thuyết cả ngàn trang: "Mẫu thượng ngàn", "Hồ Quý Ly". Nhiều cuốn sách khác của ông đều được đánh giá là những thành tựu văn chương đỉnh cao của văn học hiện đại, như "Đội gạo lên chùa", "Miền hoang tưởng", "Rừng sâu"… Tết nghèo hồi năm 1980 được ông hồi ức lại, chính là năm ông viết cuốn "Chuyện ngõ nghèo".
Tết xót lòng của nhà văn
Nhà văn lão làng sinh năm 1933. Cho tới năm 1980, khi ông ngồi viết cuốn tiểu thuyết "Chuyện ngõ nghèo", ông ở tuổi 47, có lẽ là lứa tuổi sung sức nhất của nghề viết. Nhưng cái sung sức của anh nhà văn không được "tẩm bổ" bằng những sơn hào hải vị như thời hiện đại bây giờ.
Xã hội hiện đại, giờ nhắc những ấn tượng thời bao cấp thấy thân thương lạ lùng. Nhưng những người trải nghiệm quãng thời gian kinh tế chưa mở cửa thì còn đọng lại vô vàn ký ức xót xa.
Nhà văn gạo cội Nguyễn Xuân Khánh dù tuổi đã cao nhưng vẫn thường đi dự Ngày thơ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám mỗi độ Xuân về (Ảnh chụp tại Ngày thơ 2017)
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh kể: "Tết hồi những năm 1980 đơn sơ lắm. Phải khó khăn lắm mới có thể xoay được tiền mua gạo nếp về gói bánh chưng. Bánh kẹo lại càng ít, nhiều nhà tự làm hạt dưa để ăn chơi trong Tết nhưng hạt dưa thời ấy cũng hiếm lắm. Miền Bắc không trồng được dưa hấu mà phải vận chuyển từ miền Trung hoặc miền Nam ra, mất nhiều ngày lắm và tàu xe cũng khó khăn. Tết Hà Nội nhưng ai cũng nghèo, nhà cửa cũng chẳng có trang hoàng bài trí gì được nhiều. Cắm có cành đào Nhật Tân lất phất nụ với vài bông đồng tiền mới nở là đã mang lại cả một mùa xuân rồi. Hồi đó Tết mà nhà ai cắm bình hoa lay-ơn là sang trọng lắm. Thường thì người ta chỉ dùng hoa đó để làm bó hoa cô dâu trong các đám cưới".
Điểm đặc biệt nhất của cái Tết, đối với gia đình một nhà văn, được Nguyễn Xuân Khánh chia sẻ: "Với gia đình tôi, việc xin chữ và treo tranh chữ trong ngày Tết thì rất quan trọng. Chỉ là bức tranh chữ đơn giản, nhưng phải có. Mỗi năm xin một chữ. Chỉ một chữ thôi, treo lên cạnh những chữ khác. Xong rồi cả năm cứ ngẫm nghĩ về chữ đó".
Dấu ấn của xã hội đau khổ thời bao cấp
Nhà văn "bật mí" những điều chưa từng tiết lộ: "Tiểu thuyết "Chuyện ngõ nghèo" mang nhiều màu sắc của một cuốn tự truyện. Có rất nhiều chuyện thật của tôi, gia đình tôi, bạn bè xung quanh tôi trong cuốn sách ấy. Xã hội Việt Nam mình hồi đó đang là thời bao cấp, hàng hoá khan hiếm, thực phẩm ít, thiếu đói ghê lắm" – Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh tự sự.
Cuốn "Chuyện ngõ nghèo" của Nguyễn Xuân Khánh là những thông điệp văn chương mang tầm vóc lịch sử khi phản ánh vấn đề nhân loại chứ không chỉ là những hồi ức về một giai đoạn xã hội.
Chính vì vậy, cái không khí thiếu thốn đậm đặc trong từng trang viết của "Chuyện ngõ nghèo". Nhà văn hồi ức: "Đồng lương quá thấp, không đủ sống trong khi giá cả leo thang chóng mặt. Từ rau, thịt, gạo, vải vóc áo quần… tất tần tật đều tăng giá. Tết thì những thứ hàng hoá tiêu dùng ấy nhà ai cũng cần nên giá càng tăng cao. Nhiều cảnh tôi viết lại trong cuốn sách là hoàn toàn có thật".
"Su hào, một đồng một quả; khoai lang 22 đồng một yến; mì – 85 đồng một yến; rau muống lợn – 1 đồng 5 hào một mớ; bèo Nhật Bản – 4 hào một mớ; bèo tấm – 5 hào năm nắm tay; bơm xe – 2 hào một bánh; trà chén – 2 hào một chén…" (Trích trang 14 tiểu thuyết "Chuyện ngõ nghèo").
"Nghe tiếng vợ chồng tôi vặc nhau, lũ lợn tưởng đến giờ ăn, bỗng rít lên cả đàn. Giọng đồng ca lợn nghe mà nẫu ruột. Tôi còn chục bạc, hôm qua đã đi mua năm đồng bạc cua về làm mắm cho lợn ăn rồi. Vậy bây giờ xoay tiền ra sao? Vặc với tôi xong, vợ tôi hầm hầm dắt xe ra cửa. Tôi nhẫn nhục quay ra sân pha cám lợn…"
"Ngày mùng một Tết, vợ tôi đánh đổ nước mắm; mẹ tôi bảo đó là điềm xấu, quả nhiên dạo này hai vợ chồng tôi hay cãi nhau. Mẹ tôi thỉnh thoảng cứ hay nhắc lại, cho rằng nguyên nhân chính của những vụ lộn xộn eo óc là do Tết đổ nước mắm…" (Trích tiểu thuyết "Chuyện ngõ nghèo")
Tác phẩm văn chương kiệt xuất
"Nhà Lân là một túp lều, một thứ nhà ổ chuột bên dòng cống đen sì của Hà Nội, mà người ta đặt cho một cái tên mỹ miều: sông Kim Ngưu (Trâu vàng), còn tôi, tôi gọi nó là dòng suối đen…" (Trang 15) – "Tất cả cái khung cảnh khủng khiếp đó, với những năm 1980 đều là thật. Đó là khu nhà nơi tôi ở" - Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh hồi ức.
Trong bối cảnh xã hội khó khăn thời bao cấp, trong sự thiếu ăn đến độ khiến con người ta phát mê muội, thậm chí trở nên điên loạn, nhà văn nghèo đã ngồi viết qua Tết, để lại cho đời lần lượt nhiều tác phẩm kiệt xuất.
Mùa xuân giao lưu với các bạn văn ở Ngày thơ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Khó quá nên ai cũng nuôi lợn để tăng gia, cả Hà Nội nuôi lợn. Nhà chật quá nên lợn ở ngay gầm cầu thang, thậm chí lợn ở sát vách, ngay cạnh giường nằm, các sếp đi họp cũng tranh thủ vơ mấy nắm bèo bỏ vào cốp xe về ủng hộ bà xã nuôi lợn. Thịt lợn lên ngôi, nhất là trong những ngày Tết, ai cũng cần vài cân thịt lợn để gói bánh chưng, làm giò, làm chả, nấu miến hầm măng… Hồi đó chưa có thịt bò nhiều như bây giờ, và xã hội cũng không quen ăn thịt bò. Hải sản lại càng hiếm, mà Tết cũng không ai ăn hải sản.
Nhưng tiểu thuyết "Chuyện ngõ nghèo" không phải chỉ là câu chuyện kể lại những khó khăn thời bao cấp. Trong tiểu thuyết, đặt ra những bối cảnh có thể nói là viễn tưởng, nhà văn phác ra khung cảnh xã hội sẽ đổi thay thế nào, nếu loài lợn lên ngôi thống trị con người. Đặt ra vấn đề của nhân loại, thông điệp chính của cuốn sách là cảnh báo về thói tham lam, ngăn chặn cái ác, cái dốt lên ngôi. Cuốn sách được hoàn thành vào đúng giai đoạn khó khăn nhất của kinh tế Việt Nam, và nó được ấn bản sau đúng 30 năm hoàn thành bản thảo. Nhà văn cho biết ông không sửa, dù chỉ một chữ.
Bình luận (0)