Khi tôi chuyển về công tác tại Bộ môn Ngôn ngữ học, Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM thì thầy Trần Chút đã nghỉ hưu. Thỉnh thoảng chỉ được gặp thầy trong các dịp lễ hoặc các sự kiện do Khoa Văn học và Ngôn ngữ tổ chức. Không có may mắn được học với thầy nhưng mỗi khi gặp các anh chị cựu sinh viên từng được nghe thầy giảng về tiếng Việt thường nghe họ xuýt xoa về những bài giảng "huyền thoại" của thầy.
Thầy không chỉ tận tâm với học trò mà qua từng bài giảng, người học còn nhận ra những trăn trở và tâm huyết của thầy với việc xây dựng các chuẩn mực tiếng Việt trong nhà trường và trên các phương tiện truyền thông.
Với bút danh Hồng Dân, thầy từng cộng tác với các nhà Việt ngữ học hàng đầu như Hoàng Tuệ, Nguyễn Kim Thản, Lê Xuân Thại để biên soạn cuốn "Mẹo tiếng Việt", tiền thân của cuốn "Ngữ pháp tiếng Việt" (1983) do Ủy ban Khoa học Xã hội chủ trì.
Các cuốn sách khác mà thầy từng tham gia biên soạn như: Nói và viết đúng tiếng Việt (viết chung, 1967), Ngữ văn tiếng Việt (viết chung, 1983), Rèn luyện cách viết (1987)... cũng cho thấy những hiểu biết sâu sắc của thầy về cơ cấu Việt ngữ. Thầy còn tham gia biên soạn sách giáo khoa môn tiếng Việt dành cho bậc THPT.
Những năm sau này, khi tuổi đã cao, thầy vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu Việt ngữ và tham gia chủ trì các hội thảo về xây dựng chuẩn mực chính tả tiếng Việt, vấn đề chuẩn mực chữ Quốc ngữ, đề xuất xây dựng Luật Ngôn ngữ... Những ý kiến tổng kết hội thảo của thầy thường được giới chuyên môn chú ý lắng nghe và trở thành những ý kiến định hướng cho việc xây dựng và chuẩn hóa tiếng Việt.
Tháng trước, trong buổi gặp mặt thầy cô Bộ môn Ngôn ngữ học đầu năm học mới, cũng là lần cuối mọi người được trò chuyện với thầy Trần Chút. Thầy ngỏ ý nhờ bộ môn giúp cho việc tái bản cuốn "Mẹo tiếng Việt" (in ronéo, bản hạn chế). Lúc này, thầy đã yếu và gầy đi rất nhiều nhưng cách thầy nói về cuốn sách và chia sẻ những ý tưởng mới về dạy học tiếng Việt trong nhà trường khiến chúng tôi lặng người vì kính nể.
Chúng tôi còn nhớ trong hội thảo về "Những vấn đề chính tả tiếng Việt trong nhà trường và các phương tiện truyền thông đại chúng", thầy phát biểu: "Ai cũng nhận thức được rằng ngôn ngữ là linh hồn dân tộc, chính tả là bộ mặt của quốc gia, sự thống nhất về chính tả phản ánh sự thống nhất của quốc gia. Vì vậy, việc ban hành một văn bản pháp quy của nhà nước (pháp lệnh hoặc nghị định) công bố chuẩn quốc gia về chính tả tiếng Việt là vô cùng bức thiết. Cùng với chuẩn quốc gia về chính tả tiếng Việt, cần phải có quyển Từ điển chính tả theo chuẩn đó và một cơ quan chức năng có trách nhiệm theo dõi sự thực hiện chuẩn và đề xuất những điều chỉnh, bổ sung kịp thời, những hiện tượng liên quan tới chuẩn chính tả, khi cần thiết". Những ý kiến của thầy đã dẫn lối cho giới Việt ngữ học chúng tôi suy nghĩ và tìm kiếm những giải pháp để góp phần vào việc hướng một tiếng Việt chuẩn mực thống nhất.
Thầy đã ra đi nhưng tâm huyết và tình yêu của thầy đối với tiếng Việt là nguồn cảm hứng vô tận để chúng tôi - những đồng nghiệp, những người từng là học trò của thầy - có thêm động lực để tiếp tục công việc vô cùng khó khăn của mình.
Bình luận (0)