TP HCM đang xây dựng những chương trình văn hóa đặc sắc, trở thành điểm nhấn thú vị cho người dân lẫn du khách khi ghé thăm. Điều đó trở thành mục tiêu quan trọng, nhất là khi năm 2020 là năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.
Biểu tượng mới của khát vọng Việt
Dự án Rồng Vàng - một biểu tượng mới của khát vọng Việt do nhạc sĩ Võ Thiện Thanh phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM thực hiện để trình UBND TP HCM làm đề án cho mục tiêu xây dựng chương trình văn hóa nghệ thuật đặc thù cho TP HCM.
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh chia sẻ anh muốn thực hiện một thể loại âm nhạc riêng (tạm gọi là World Music Việt) với các chất liệu âm nhạc dân gian từ 3 miền Bắc Trung Nam trên nền hòa âm đương đại. Các nhạc cụ tiêu biểu của âm nhạc Việt Nam như tranh, sáo, bầu, nguyệt… cùng các giọng hò, điệu ca, tiếng hát của các ca sĩ dòng nhạc dân tộc sẽ là màu sắc chủ đạo cho dự án.
Cùng với sự phát triển của nền công nghiệp âm nhạc công nghệ, dự án âm nhạc này có hành trình quảng bá dài để tiếp cận với khán giả, đặc biệt công chúng trẻ. Dự án gồm 3 album hòa tấu, mỗi album là 10 làn điệu dân ca đặc trưng cho Bắc - Trung - Nam. Album được phát hành rộng rãi trên các nền tảng nhạc số Itunes, Spotify... Như nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn định kỳ trên thế giới, đêm diễn mang tên Golden Dragon (Rồng Vàng) được tổ chức thường niên mỗi năm như một sự kiện văn hóa. Điểm nhấn của dự án chính là chương trình Golden Dragon Concert, được xây dựng với dàn nhạc giao hưởng kết hợp với ban nhạc pop cùng các nhạc cụ dân tộc Việt Nam, tạo nên thương hiệu văn hóa dân gian riêng của TP HCM. Dự kiến, dự án này sẽ được triển khai trong năm 2021 khi tình hình xã hội đã trở về trạng thái ổn định hơn sau dịch Covid-19.
Lễ hội âm nhạc quốc tế TP HCM Hozo là một điểm nhấn văn hóa đặc biệt của TP HCM. Ảnh: HỒNG SƠN
TP HCM đã từng có Lễ hội âm nhạc quốc tế TP HCM - Hozo, đã gặt hái thành công ngoài mong đợi ngay ở mùa đầu tổ chức vào cuối năm 2019. Lần đầu tiên, công chúng được thưởng thức một chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ với sự đa sắc về chất liệu âm nhạc của các ban nhạc đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Đây cũng là lần hiếm hoi, công chúng Việt tự hào về âm nhạc Việt có phần lấn át sắc màu âm nhạc của nhiều quốc gia khi cùng chung một sân khấu. Chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam đa dạng và phong phú như một kho tàng bí ẩn, không thể khám phá hết. Hiệu ứng từ lễ hội khiến ban tổ chức hào hứng chuẩn bị cho mùa diễn thứ 2 của Hozo vào cuối năm nay. Thế nhưng, mọi thứ đã phải hoãn lại vì ảnh hưởng chưa có hồi kết của đại dịch Covid-19.
Người dân cùng chung tay xây dựng
Trong chương trình "Đối thoại văn hóa" với chủ đề "Giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, hướng tới xây dựng TP HCM - TP văn hóa", mới diễn ra vào cuối tháng 6, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân lúc đó đã yêu cầu các chuyên gia văn hóa, người làm nghệ thuật, quản lý, đảng viên, người Việt Nam ở nước ngoài… cùng trao đổi về văn hóa. Đặc biệt từ nay trở đi, TP sẽ tổ chức đối thoại văn hóa định kỳ trên các phương tiện truyền thông. Bên cạnh đó, người dân TP chung tay để văn hóa trở thành yếu tố đặc trưng, động lực cho phát triển, để xây dựng TP HCM trở thành TP văn hóa, trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực.
Điều đó khẳng định, ngoài Hozo festival và Rồng vàng đã thành hình thì trong thời gian tới, TP HCM sẽ có nhiều hơn những chương trình văn hóa dựa trên sự sáng tạo, đóng góp ý tưởng của mọi người. Trong đó, giới trẻ cần đặt cho mình mục tiêu nâng cao trí tuệ, hoàn thiện giá trị, nhân cách, bản lĩnh văn hóa con người TP trước tác động của các nền văn hóa khác trong xu thế giao lưu, hội nhập toàn cầu hiện nay. Việc xây dựng nên những chương trình nghệ thuật đặc trưng, điểm nhấn cho TP không chỉ là hoạt động quảng bá du lịch, văn hóa mà còn là biện pháp để xây dựng nền tảng văn hóa cho chính người dân TP.
Đời sống TP HCM luôn sôi động, ẩn chứa nhiều điều mới mẻ nhưng các tác phẩm văn học nghệ thuật hiện nay lại chưa phản ánh từ thực tiễn, chưa có những tác phẩm xứng tầm. Do đó, việc xây dựng nên những chương trình biểu diễn trọng điểm với sắc màu âm nhạc dân gian Việt Nam mới chỉ là một giải pháp.
Đưa nghệ thuật dân gian vào trường học
Bàn về biện pháp lâu dài hơn, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần đưa nghệ thuật dân gian vào các trường học phổ thông. Mỗi một di tích, di sản văn hóa được công nhận cần có 1 trường phổ thông đỡ đầu để di sản, di tích đó sống gắn với thiếu nhi. Bên cạnh đó, cần dành tỉ lệ ngân sách cố định cho ngành văn hóa của TP. "Đầu tư cho văn hóa là đầu tư lâu dài, đem lại hiệu quả cao"- ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định. Ông yêu cầu TP cần có trường THPT năng khiếu văn hóa nghệ thuật TP HCM. Nếu thành lập trường này, nhiều nghệ sĩ đang hoạt động trên địa bàn TP sẽ là giáo viên thỉnh giảng.
Bình luận (0)