Chương trình ca nhạc chủ đề "Hồn quê Bắc Bộ" do Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM tổ chức, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen thực hiện, diễn ra cuối tuần qua trước Bưu điện TP HCM đã thu hút đông đảo người xem.
Khán đài là vỉa hè
Sân khấu của chương trình là tấm thảm nhựa đen trải trên sàn gạch trước Bưu điện TP HCM. Khán đài xem ca nhạc là vỉa hè. Khán giả là những bạn trẻ dắt nhau đi cà phê buổi bình minh, người lớn tuổi chạy bộ buổi sáng, du khách đến thăm Bưu điện thành phố theo lịch trình của các công ty du lịch…
Ban đầu, khán giả ghé đến vì hiếu kỳ và nghĩ rằng những tiết mục này do một câu lạc bộ yêu thích nhạc dân tộc không chuyên biểu diễn vào sáng cuối tuần cho vui. Nhưng khi theo dõi các tiết mục biểu diễn, hầu hết khán giả tỏ ra thích thú vì chương trình được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp.
Chương trình ca nhạc “Hồn quê Bắc Bộ” trước Bưu điện TP HCM thu hút đông đảo người xem, được dư luận đánh giá cao
Hầu như tất cả khán giả đều xem đến khi chương trình kết thúc và thật sự đã bị "Hồn quê Bắc Bộ" thôi miên. Bởi vừa thưởng thức tiết mục hòa tấu "Trống cơm" xong, họ lại được dẫn dắt đến với "Hồn quê" của nhạc sĩ Phó Đức Phương, rồi chuyển sang trải nghiệm màn độc tấu đàn nhị với tác phẩm "Kể chuyện ngày mùa" (NSND Thao Giang sáng tác, nghệ sĩ Thu Thủy biểu diễn). Ngoài ra, khán giả còn được khám phá nhiều tác phẩm âm nhạc dân tộc khác như múa "Nón quai thao" (biên đạo múa: NSND Phi Long, nghệ sĩ Thu Hiền; Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen biểu diễn), độc tấu đàn bầu tác phẩm "Gieo quẻ" (nghệ sĩ Minh Phát biểu diễn), "Bà rằng bà rí" (dân ca Bắc Bộ) do ca sĩ Tường Vy, Hà Phạm Anh Thư thể hiện…
"Tất cả các tiết mục này không lạ nhưng cái lạ là chúng tôi được dịp xem những nghệ sĩ tên tuổi biểu diễn dưới phố. Lần đầu trực tiếp thưởng thức nhạc dân tộc "xuống phố" phải nói là rất hay, có nét đặc sắc khó tả" - một khán giả nhận xét.
Đi tìm khán giả
Bà Đoan Trinh, Trưởng Phòng Biểu diễn Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, cho biết khi nhận nhiệm vụ của Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM về việc tổ chức những buổi diễn ở nơi công cộng (Bưu điện thành phố, phố đi bộ Nguyễn Huệ), nhà hát có chút lo ngại bởi biểu diễn trong điều kiện không chuyên sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng chương trình.
"Đến nay, chúng tôi đã tổ chức được 5 buổi diễn và khán giả cũng nhân lên theo cấp số nhân. Những buổi trình diễn gần đây đều thu hút khá đông khán giả.Đặc biệt, khán giả trẻ còn đến rất sớm, khiến chúng tôi thật sự phấn khích" - bà Đoan Trinh phấn khởi.
Theo các nhà chuyên môn, yếu tố thành công của các chương trình biểu diễn này chính là cảm xúc hòa hợp của nghệ sĩ và khán giả. Những chương trình biểu diễn nhạc dân tộc ở không gian công cộng thật sự có chất lượng cao, không chỉ mang đến các tiết mục biểu diễn sinh động mà còn giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc cho khán giả trong và ngoài nước.
Như ở chương trình "Hồn quê Bắc Bộ", khán giả được biết nhiều hơn về Hội Lim, được dịp thấy trang phục xưa của các liền anh khăn xếp áo the, liền chị áo mớ ba mớ bảy, nón thúng quai thao, được nghe những khúc hát quan họ; cùng với các giá trị văn hóa độc đáo khác như: những phiên chợ vùng cao; những điệu hát then của người Tày, người Nùng; điệu múa xòe của người Thái, tiếng khèn của người H’Mông…
Điều đáng chú ý của chương trình nhạc dân tộc "xuống phố" là phần giới thiệu luôn được thực hiện bằng song ngữ Anh - Việt để phục vụ thêm cho du khách nước ngoài. Mô hình văn hóa kết hợp "không gian công cộng gắn với bản sắc dân tộc" đã trở thành nét hấp dẫn của TP HCM thời gian gần đây.
Đây là mô hình vừa thu hút khách du lịch, đồng thời lưu giữ, thúc đẩy giá trị văn hóa dân tộc đến gần hơn với cộng đồng, nhất là những công dân trẻ.
Bình luận (0)