Nhạc sĩ Hamlet Trương (bên trái) chia sẻ về sự sáng tạo trong âm nhạc
Âm nhạc chính là điều kỳ diệu trong cuộc sống, góp phần lưu giữ và giúp tuổi thanh xuân của bao người thêm phần trọn vẹn. Ở những lĩnh vực khác, chúng ta có thể sáng tạo thì tại sao âm nhạc lại không? Sáng tạo cũng chính là chủ đề của tập 2 talkshow "The Cover show".
Hamlet Trương là nhạc sĩ được nhiều người biết đến ở các lĩnh vực giải trí: ca sĩ, nhạc sĩ, MC. Với âm nhạc, Hamlet Trương xây dựng hình ảnh một chàng trai lãng mạn hát các ca khúc tự sáng tác: "Bụi bay vào mắt", "Tất cả sẽ thay em", "Người đứng sau hạnh phúc", "Thương nhau để đó", "Đến sau"... Hamlet Trương còn là một trong những nhà văn trẻ có lượng sách tiêu thụ lớn.
Trong buổi talkshow cùng Nathan Lee, Hamlet Trương tiết lộ nghệ danh của mình được chính nhạc sĩ Nguyễn Hà đặt. Đối với anh, âm nhạc chính là giá trị cốt lõi trong cuộc sống. Anh cho rằng sáng tạo là một cách để định danh chính bản thân, để khi lắng nghe một ca khúc nào đấy, khán giả sẽ biết được đó chính là chất riêng của mình.
Hamlet Trương vừa là nhạc sĩ vừa là nhà văn "best seller" của giới trẻ
Thời gian gần đây, sáng tạo trong âm nhạc trở thành chủ đề được nhiều người bàn tán, bắt nguồn từ những sáng tạo không được số đông công chúng ủng hộ, như trường hợp ca khúc "Cô gái mở đường" phiên bản Han Sara tại chương trình "The heroes". Hai luồng ý kiến trái chiều nổ ra. Theo đó, một bên cho rằng nếu không được sáng tạo thì âm nhạc dễ bị đi theo lối mòn một cách nhàm chán. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến nhận xét có những giá trị đã được định danh, việc sáng tạo, cố gắng làm khác đi là điều không cần thiết.
Là một nhạc sĩ và là nhà văn trẻ, Hamlet Trương bày tỏ quan điểm của mình: Sáng tạo phải dựa trên một khuôn khổ nhất định, nên giữ trọn vẹn cái tinh thần của tác giả để họ cảm thấy được tôn trọng và trân trọng. Mỗi ca từ đều ẩn chứa chủ ý nên nếu thay đổi không phù hợp sẽ làm giảm giá trị của ca khúc.
Bình luận (0)