Khác với mọi năm, thị trường nhạc Tết năm nay có sự biến đổi lớn với sự xuất hiện của nhiều sản phẩm âm nhạc thú vị. Không chỉ là sắc màu tươi vui hợp với không khí lễ hội, nhiều nhạc Xuân năm nay còn là lời tự sự, tâm tư của người trẻ về quãng đường dài mà họ đã trải nghiệm, tạo nên diện mạo mới cho nhạc mùa Tết với sắc màu mới mẻ.
Tỏ bày của người trẻ
Sẽ khập khiễng nếu so sánh nhạc Xuân hiện nay với những bản nhạc Xuân bất hủ, đã có dấu ấn trong lòng người hâm mộ nhiều thập niên trước. Bởi tư duy và cách thể hiện của người trẻ vẫn không có sự mượt mà về hình ảnh và trơn tru về câu chữ như các bậc sáng tác tiền bối. Nhưng, điều đặc biệt của những ca khúc Xuân của những tác giả trẻ hôm nay là sự gần gũi, mang hơi thở của thời đại, với tư duy thực tế và khát khao về cuộc sống mà họ đang trải nghiệm.
Điều đặc biệt là nếu vài năm trước, thị trường nhạc Tết vẫn ngập tràn nhưng rất cũ, tức là ca sĩ thực hiện các sản phẩm âm nhạc Xuân cũ để phục vụ khán giả thì nay, nhạc Xuân đa phần đều mới sáng tác.
Ở đó, khán giả không chỉ nghe những khúc ca khúc Xuân, những lời chúc Tết rộn ràng như thường thấy mà còn là những lời tự sự, bày tỏ tâm tư; là câu hỏi năm qua ta đã làm được gì và tự kiểm điểm bản thân về điều chưa hoàn thiện, để năm mới phấn đấu cho những điều tốt đẹp hơn, như trong ca khúc "Năm qua, tôi đã làm gì" (Bùi Công Nam); là những cảm nhận, trải nghiệm của cô bé sống ở thị thành trên chuyến về quê đầu tiên của mình trong "Đường về quê" qua tiếng hát của Phương Mỹ Chi.
Trong những giai điệu rộn ràng đón Tết đến, Xuân về, ca khúc "Nếu một mai tôi bay lên trời" do Trúc Nhân thể hiện để lại nhiều ấn tượng bởi giá trị đã vượt khỏi biên giới của giai điệu, chạm đến cộng đồng khiến người nghe xúc động. Đó là thông điệp mang khía cạnh đẹp đẽ của tình người, của cuộc sống, gợi lên sức mạnh của lòng nhân ái. Ngoài ra, "Nếu một mai tôi bay lên trời" còn sở hữu những yếu tố đáng kể như màu sắc âm nhạc dân gian với giai điệu nhẹ nhàng, ca từ đậm chất thơ kết hợp với những thước phim giàu cảm xúc trong MV (video ca nhạc) đã trở thành tổ hợp tạo cảm xúc mạnh mẽ ở người nghe - xem.
Ngoài những ca khúc trên, khán giả còn được nghe "Cô đơn không muốn về nhà" của Mr Siro hay "Tết muốn về nhà" của Tăng Phúc đầy xúc động. Ca khúc thấm đẫm nỗi buồn, dễ cảm và giàu chất thơ. Nhưng hơn cả là ở đó, những câu chuyện, suy nghĩ của người trẻ về Tết dễ chạm đến trái tim người nghe, đặc biệt là trong thời khắc đất - trời giao hòa gần kề như lúc này.
Hình ảnh trong MV “Điều ước của mùa Xuân” đang được phát hành (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Rộn ràng chất lễ hội
Khác với hình ảnh luôn thời trang, sành điệu trước đây của mình, Hồ Ngọc Hà trong MV "Điều ước của mùa Xuân" (Nguyễn Minh Cường) mang hình ảnh mới: hài hước và vui nhộn với tạo hình búi tóc như Na Tra, mặc áo bà ba cách điệu, tung tăng du Xuân. MV "Điều ước của mùa Xuân" không chỉ mang đến không khí Xuân rộn ràng, nhiều màu sắc mà còn tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống qua những hình ảnh mộc mạc, bình dị của những chiếc áo dài, áo bà ba, hay những hoạt động, trò chơi gợi nhớ hình ảnh Tết xưa. Đánh trúng tâm lý khán giả khi mang đến chủ đề quen thuộc, gần gũi lại hài hước, dí dỏm như đi xem mắt, cưới hỏi..., cùng sự duyên dáng lan tỏa đến từ dàn diễn viên hài: Huỳnh Lập, BB Trần, Hải Triều, Duy Khánh, MV "Điều ước của mùa Xuân" dễ dàng chiếm được tình cảm của khán giả.
Ca nhạc sĩ Phương Uyên giới thiệu "Tết lại đến rồi" với hai giọng ca Thiều Bảo Trang và Quang Trung. Trong MV này, Thiều Bảo Trang và Quang Trung đã hóa thân thành cặp chị em trong một gia đình cùng nhau chuẩn bị Tết. Cả hai đã lồng ghép những yếu tố văn hóa, truyền thống Tết đặc sắc của người Việt tạo sự hòa hợp giữa truyền thống và hiện đại. Bên cạnh âm nhạc và nội dung câu chuyện, phần hình ảnh của MV cũng gây ấn tượng mạnh với những bộ trang phục nhiều màu sắc và bối cảnh đậm chất Tết. Thông điệp của MV cũng rất ý nghĩa, đó là đề cao tình cảm gia đình và nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền của người Việt.
Hình ảnh trong MV “Xuống phố phải tươi” đang được phát hành (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Ca sĩ Tóc Tiên cũng ra mắt MV "Xuống phố phải tươi" với giai điệu sôi động, tươi trẻ đúng với tinh thần ngày Xuân, truyền tải thông điệp Tết là những ngày vui, đoàn tụ nên mọi người hãy luôn vui vẻ, lạc quan bên người thân, đón Tết thật an nhiên, không lo lắng, muộn phiền.
Nhạc sĩ Dương Khắc Linh lần đầu tiên tham gia thị trường nhạc Xuân với "Lớn rồi còn ham lì xì" qua giọng hát của Sara Lưu. MV này là câu chuyện của cô gái đã về nhà chồng nhưng vẫn muốn nhận được lì xì chúc tuổi vào ngày Tết, như nỗi lòng của bao cô gái trẻ khác. Bài hát mang chất pop dance sôi động, vui nhộn.
Thông điệp đoàn viên
Với thông điệp "Tết là phải sum vầy", ca khúc cùng tên với các giọng ca Suni Hạ Linh, Đỗ Hoàng Dương, MLee cũng là một sản phẩm vừa ra mắt đã gây chú ý với khán giả yêu nhạc. Đúng với những lời hát trong bài, nội dung MV là chuyến hành trình trở về nhà cận Tết của 2 bạn trẻ. Không chỉ đoàn tụ với gia đình, cả hai còn gặp lại rất nhiều bạn bè cũng trở về ăn Tết sau 1 năm xa cách. Tất cả đã cùng dành thời gian ôn lại kỷ niệm, chơi những trò chơi cổ truyền, sau đó cùng nhóm bếp nấu bánh chưng. Những cảnh quay mang lại hình ảnh Tết gần gũi, gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ. Thông qua ca khúc này, những nghệ sĩ trẻ muốn gửi gắm thông điệp tới khán thính giả của mình nhân dịp đầu Xuân: "Tết dù bận đến mấy cũng nên dành thời gian trở về nhà quây quần bên gia đình sau 1 năm làm việc bận rộn. Bởi Tết là dịp sum vầy, đoàn tụ".
Bình luận (0)