Vì vậy, kịch bản của ông không hề cũ, vài chục năm sau dựng lại vẫn đầy đặn ý nghĩa. "Diễn kịch một mình" đã khuấy động Sân khấu 5B cách đây 20 năm, giờ chuyển thể thành vở cải lương "Nhật thực" (tác giả: Nguyên Phương, đạo diễn: Nguyên Đạt) sẽ góp phần khuấy động không gian trì trệ của cải lương hiện nay.
Cải lương xưa đã rất hay rồi. Nhưng có khi muốn đồng hành cùng thế kỷ XXI, cùng lớp trẻ, người ta phải tìm một lối đi mới cho cải lương. Sự tìm tòi, thể nghiệm nào cũng phải cần thời gian, mới thành lối, thành đường, thậm chí phải trả giá cho thất bại, khen chê. "Nhật thực" rồi sẽ phải đón nhận tất cả những điều ấy. Nhưng bước đầu, "Nhật thực" đã gây ấn tượng đẹp và không vô lý khi vé bán suất đầu vào ngày 5-5 đã hết sạch. Phải tìm được một kịch bản cũng đầy tính thể nghiệm như "Diễn kịch một mình", đạo diễn Nguyên Đạt mới có khả năng tung hoành. Tác giả Lê Duy Hạnh vốn cũng mê thể nghiệm nên tri âm mới gặp tri âm.
NSƯT Lê Trung Thảo trong vở “Nhật thực”
Vở diễn duy nhất nghệ sĩ Trung Thảo chiếm lĩnh sân khấu suốt 90 phút, đóng cả 3 nhân vật, bên cạnh 2 diễn viên Hoàng Quốc Thanh và Nguyễn Thành Tây đeo mặt nạ làm nền cho Trung Thảo biểu diễn. Trong sự đơn độc tuyệt vời đó, Trung Thảo vừa kiêu hãnh phô bày những tinh hoa trong ca, diễn, vũ đạo, căng thẳng, đau đớn trút hết sức lực vào từng hơi thở, từng thớ thịt để tạo ra những hình thể tuyệt đẹp, những lời hát ngọt ngào, sâu thẳm. Cảm giác người nghệ sĩ ấy như con tằm đang trong hành trình rút máu mình để nhả ra từng sợi tơ óng ánh. Ngồi xem mà nín thở theo anh, rung động, cảm thương theo nhân vật. Không chỉ Trung Thảo, người ta thương cả Hoàng Quốc Thanh, Nguyễn Thành Tây, cả hai cũng quay cuồng theo Trung Thảo suốt 90 phút, dù không một lời thoại, lời ca, chỉ vũ đạo thôi đã mệt đừ người. Nội lực của 3 nghệ sĩ trẻ phả lên toàn bộ sân khấu một sức sống kỳ lạ, khó giải thích.
Còn nội lực của đạo diễn Nguyên Đạt lần này nằm trong sự giản dị. Vẫn có những dàn dựng mới lạ, đẹp mắt, vẫn có dàn hợp xướng, có âm nhạc hiện đại hòa lẫn âm nhạc ngũ cung, hoành tráng nhưng không rối rắm, không ồn ào, không khoe mẽ. Tất cả đều vừa đủ, chừng mực, dễ chịu. Ngay cả thiết kế sân khấu và trang phục cũng tối giản nhưng vẫn đủ lung linh, sang trọng.
"Nhật thực" mang đến nhiều điều suy ngẫm về con người, thế sự mà tác giả Lê Duy Hạnh đã bóc trần. Phàm là con người, dù có tốt đẹp tới đâu, họ vẫn bị chi phối bởi nhu cầu bản năng. Vua thích nghe lời nịnh thần vì nịnh thần dành cho những thứ mà bản năng đòi hỏi, dễ dàng trở thành thân cận của nhau trong các cuộc vui chơi, hưởng thụ, trong khi trung thần luôn can ngăn, nói lời nghịch nhĩ. Thế là trung thần từ chỗ "đúng" trở thành "sai", chỉ vì quên đi bản năng của nhà vua, bị nhà vua hắt hủi. Còn nhà vua cũng từ chỗ đúng trở thành sai, chỉ vì quên đi sự chừng mực trong hưởng thụ, khi quá đà đắm chìm trong những ham muốn bản năng thì bị nịnh thần cướp mất ngai vàng và giang sơn. Chuyện quốc gia cũng không nằm ngoài lời cảnh báo của Lê Duy Hạnh. Bao nhiêu triều đại đã suy vong cũng từ câu chuyện của 3 nhân vật này. Tính thời sự là đây!
Bình luận (0)