Sản phẩm này được xem là "sự kiện đánh dấu chuỗi hoạt động tưởng nhớ nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn" vào dịp kỷ niệm ngày mất của ông (1-4) sắp đến, như đại diện gia đình nhạc sĩ cho hay.
Trong danh mục hơn 600 tác phẩm âm nhạc mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác lúc sinh thời, "Dã tràng ca" là một tác phẩm khá bí ẩn. Cho dù văn bản tác phẩm này đã được công khai từ lâu, tác phẩm này vẫn chưa được đa số công chúng biết đến. "Dã tràng ca" từ khi được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác (gia đình nhạc sĩ cho biết năm ra đời là 1963) chỉ được trình diễn đúng một lần.
Bản gốc "Trường ca tiếng hát dã tràng" hay "Dã tràng ca" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dài hơn 20 phút. Tuy nhiên, với bản ghi lần này, Đức Tuấn cùng với nhạc sĩ Lê Thanh Tâm đã soạn lại cho gọn gàng hơn với gần 12 phút, mang hơi thở của âm nhạc đương đại hơn. Cũng trong dịp này, nhiều MV (video ca nhạc) nhạc Trịnh Công Sơn khác cũng ra mắt: "Diễm xưa" (nghệ sĩ piano Tuấn Mạnh), "Dấu chân địa đàng" (ca sĩ Tấn Sơn).
Poster “Dã tràng ca” vừa ra mắt khán giả qua ấn phẩm của ca sĩ Đức Tuấn
Không chỉ vậy, ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh cho biết "Tuần lễ Trịnh Công Sơn" cũng được tổ chức (kéo dài từ ngày 30-3 đến 7-4) với một chuỗi chương trình tưởng nhớ Trịnh Công Sơn, nhằm kỷ niệm 18 năm ngày mất của ông. Theo đó, đêm nhạc "Gọi tên bốn mùa" diễn ra vào ngày 30-3 tại sân vận động Hoa Lư (TP HCM).
Hai đêm nhạc "Nhớ Trịnh Công Sơn 2019" được tổ chức tại Nhà hát Thành phố vào ngày 2 và 3-4. Ngoài các ca sĩ trong nước, đêm nhạc còn có sự tham gia của danh ca, nhà soạn nhạc hàng đầu Nhật Bản, Tokiko Kato - người đã biểu diễn ca khúc "Diễm xưa" bằng tiếng Nhật, góp phần mang nhạc Trịnh lan tỏa tại nước Nhật và trên thế giới.
Ngoài ra còn có những hoạt động văn hóa nghệ thuật khác nằm trong Tuần lễ Trịnh Công Sơn như: Đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại đường sách Nguyễn Văn Bình vào ngày 1-4; Tuần lễ thi vẽ tranh Trịnh Công Sơn với chủ đề: "Trịnh Công Sơn trong tôi"; ra mắt dự án phim "Trịnh Công Sơn" và tuyển chọn 2 diễn viên cho vai diễn Trịnh Công Sơn trong phim.
Bình luận (0)