Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30 tháng 4 năm 1975, đơn vị tôi về trú quân ở ở ấp 5, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, TP HCM. Thấy tôi nằm ngủ trong chiếc mùng vải xô nóng bức, chị Hai Sạch, con ông bà chủ nhà Tư Bơ đã may tặng tôi một chiếc mùng tuyn, hiện chiếc mùng tuyn đó tôi vẫn còn lưu giữ để làm kỷ niệm những ngày "quân với dân như cá với nước".
Khi biết có chủ trương cho phép bộ đội tham dự kỳ thi đại học để xây dựng quân đội lâu dài, tôi viết đơn xin phép thủ trưởng đơn vị dự thi vào một trường đại học ở TP HCM và được thủ trưởng chấp thuận. Để có tài liệu ôn thi đại học, cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, ngụ tại phường 12, quận Tân Bình, TP HCM đã vào trường Nguyễn Thượng Hiền mượn giùm tôi bộ sách giáo khoa lớp 12. Sau hai tháng "dùi mài kinh sử", tôi đã trúng tuyển kỳ thi đại học, rồi được thủ trưởng đơn vị quyết định cho chuyển ngành đi học tại Trường Đại học Tổng hợp TP HCM.
Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM, nơi tác giả học thời tuổi trẻ
Ngày đầu từ đơn vị quân đội chuyển ra làm sinh viên đi học, tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nơi ăn chỗ ở. Mặc dù sinh viên được ở ký túc xá Ngô Gia Tự miễn phí nhưng lại khá xa nơi học, số 12 đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1 nên tôi phải tìm nơi ở gần trường để đi lại cho tiện. Tôi đã được một đồng đội cùng đơn vị cũ dẫn đến nhà ông bà Vũ Xuân Lương là bộ đội chuyển ngành, ngụ tại phường Đa Kao, quận 1 giới thiệu và xin cho tôi được ở trọ. Sau khi tìm được chỗ ở mới, tôi lại đi tìm bếp ăn tập thể dành cho sinh viên ngoại trú. Theo lời giới thiệu của một người quen là sinh viên Trường Đại học Y Dược TP HCM, tôi đã được người phụ trách bếp ăn tập thể trên đường Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1 tiếp nhận và bán vé ăn hàng tháng, mỗi tháng 15 đồng (sinh viên được hưởng phụ cấp 18 đồng/ tháng). Người mua vé chỉ cần nộp lại nhà bếp một vé là có bữa ăn, người ở xa có thể nộp 2 vé để lấy bữa ăn chiều.
Như vậy nơi ăn, chỗ ở để đi học đại học đã có, việc còn lại của tôi là học và học, rảnh rỗi thì quét dọn, lau chùi nhà cửa, khi nào ông bà chủ nhà bận công việc ở cơ quan đơn vị, tôi nhận trông chừng em bé và nấu cơm canh giúp gia chủ. Trong suốt 4 năm theo học đại học và ở trọ nhà ông bà Vũ Xuân Lương, tôi đã không phải trả tiền thuê nhà ở mà còn miễn góp tiền điện, tiền nước hàng tháng. Sau kỳ thi tốt nghiệp đại học, tôi trở về quê xin việc làm vì ở đó có cha mẹ già cần người chăm sóc. Hơn một năm chờ đợi việc làm ở quê không xong, tôi quay lại nhà trường để đăng ký xin việc làm và được nhà trường phân công về công tác ở một cơ quan đoàn thể TP HCM.
Ngày đầu đến cơ quan làm việc, tôi lại lo chỗ ở mới vì gia đình ông bà Vũ Xuân Lương đã cho thuê phòng trọ. Trong thời gian chờ đợi cơ quan bố trí chỗ ở, tôi đã đến nhà ông bà Thái Bá Duật cũng là bộ đội chuyển ngành, ngụ tại phường Bến Nghé, quận 1 để xin ở tạm và được ông bà đồng ý. Trong thời gian hơn hai tháng ở trọ miễn phí, ông bà Thái Bá Duật tuy cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương công chức của ông nhưng ông bà không nhận tiền ăn tôi góp.
Sau này có vợ sinh con, cuộc sống cũng khó khăn do vợ nghỉ mất sức sớm, nên bà Nguyễn Thị Lan, một nữ giáo dân làm nhiều việc thiện quan tâm giúp đỡ, coi gia đình tôi như người thân trong nhà, bà luôn quan tâm gọi điện thoại thăm hỏi và giúp đỡ chúng tôi, nhất là khi hay tin gia đình tôi bị kẻ xấu đột nhập vào nhà lấy trộm 2 xe máy, bà đã cho con tôi tiền mua xe máy đi học và cho tôi một chiếc xe máy cũ làm phương tiện đi làm. Khi biết chúng tôi đang dùng bếp nấu dầu hôi nấu ăn, nhà cũng không có điện thoại, bà đã cho tiền mua bộ bếp gas và điện thoại để liên lạc khi cần. Bà còn cho gia đình tôi ti vi, tủ lạnh (đã qua sử dụng) và các vật dụng mới mua trong nhà như quạt điện, ly chén, xoong nồi, quần áo, đồ ăn thức uống... Ngày Tết bà còn chuẩn bị cho gia đình tôi cặp bánh chưng, giò chả cùng bánh kẹo, trái cây…đủ để đón Tết trong nhà.
Những tấm lòng người Sài Gòn – TP HCM luôn rộng mở, luôn giúp nhau bằng tấm chân tình mộc mạc. Dù họ không mong trả ơn song tôi vẫn biết mình mang ơn họ.
Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải
Nhận bài dự thi từ ngày 10-4-2021. Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.
Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021)
Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.
Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)