Trưa vắng, người lớn đang thiu thiu ngủ cũng ít nhất một lần giật mình vì tiếng hò reo sung sướng khi đứa nào đó phát hiện ra những chùm chim chim chín đỏ, chùm dủ dẻ vàng mọng nước.
Độ tháng năm, chim chim, dủ dẻ bắt đầu chuyển màu, đến tháng sáu là chín tới. Thời điểm này mà có một, hai cơn mưa trái mùa ào xuống thấm đất, thế nào trái cũng căng mọng. Chim chim, dủ dẻ có màu sắc đặc biệt, có thể vì thế mà có một sức hút kỳ lạ đối với học trò, với đám trẻ chăn trâu, chăn vịt. Trên đường đi học về, trưa nắng bỏng da vậy mà chẳng đứa nào chịu về ngay, bằng mọi cách hái bằng được vài chùm mới chịu.
Chùm chim chim chín, một loại trái dại gắn với tuổi thơ biết bao người.
Trẻ con nhà quê thiệt thòi nhiều so với trẻ con thành thị. Bù lại, hè đến là chúng có cả một thiên đường chứ không như nhiều đứa trẻ thành phố, kỳ nghỉ hè phải vùi đầu vào sách vở, bị giam lỏng trong bốn bức tường.
Còn nhớ ngày sắp rời trường tiểu học, dịp này cô giáo chủ nhiệm cũng chuyển công tác về trường trong thị xã. Đám học trò chúng tôi âm thầm lên kế hoạch cho "đại tiệc" để chia tay cô. Đến ngày, đứa thì mang chim chim, dủ dẻ, đứa mang khoai lang, sắn mì, chuối... những thứ có trong vườn nhà hoặc hái ở bờ bụi nào đó. Gần bốn mươi năm rồi vẫn nhớ như in ánh nhìn trìu mến, giọng nói trầm ấm và xúc động của cô giáo trước bất ngờ mà học trò nhà quê đem lại.
Chim chim, dủ dẻ gắn liền tuổi thơ của biết bao người. Đi xa đến tận đâu, bao năm trời lang bạt, hương sắc ấy vẫn còn vương. Mùa tiếp mùa, bao bận về quê nhưng đâu phải lúc nào cũng đúng vào mùa chim chim, dủ dẻ chín. Lần này thì khác, bên đường từng chùm trái chín oằn xuống như thách thức lũ chim.
Tôi đưa tay hái chùm chim chim, cu Tí, con nhà anh Bảy cuối xóm lém lỉnh, hướng dẫn tôi cách nhận biết trái chín. Ngay lúc anh Bảy chở bao lúa đi xay ngang qua, anh Bảy thắng xe, vò đầu thằng con, mắng yêu: "Thôi đi ông cụ non, chú sinh ra và lớn lên ở đây, thứ gì mà chú chả biết".
Dứt lời, anh Bảy đạp xe mất hút sau bụi tre già, bỏ lại tôi với cả khoảng trời tuổi thơ. Tôi nán lại vài phút, cùng lúc các hệ giác quan làm việc như để tận hưởng món quà của thiên nhiên, thấy lòng bình yên lạ.
Ngày đó, ai cũng thích chim chim, dủ dẻ, từ trẻ con cho đến người lớn. Phải chăng trẻ con xem việc ăn để... chơi, còn người lớn ăn như một thói quen; ăn để thỏa nhớ dư vị ngày xưa, ăn để được trở về quãng tuổi thơ hòa mình với ruộng đồng...
Bình luận (0)