NSND Đàm Liên, nghệ sĩ tuồng cổ sở hữu những biệt danh: "Bà chúa sân khấu tuồng", "Nữ hoàng sân khấu tuồng"... do khán giả yêu mến đặt cho, ngoài đời thường là một phụ nữ mộc mạc, bộc trực và rất chân thành, ít nhất là theo những gì tôi cảm nhận được những khi được tiếp xúc với bà.
Nghe danh bà từ khi tôi còn bé nhưng may mắn lại được dịp làm việc với bà khi quay phim "Mê Thảo - thời vang bóng" (2002). Lớp diễn này là một phân đoạn quan trọng ở trung tâm của Mê Thảo với diễn xuất của nhân vật cô câm, do diễn viên Minh Trang thủ diễn. Lần đầu tiên gặp cũng là lần đầu xem trực tiếp bà diễn "Ông già cõng vợ đi xem hội", tôi đã quá ấn tượng với vai diễn này của bà.
Năm 2007, khi có cơ hội hợp tác với "Đẹp Fashion show" cùng các bạn Nguyễn Thanh Hương, Nguyễn Quốc Trung, Lyly Trần... trong vở diễn thời trang lớn "Bí ẩn của linh hồn", chúng tôi đã đưa lại trích đoạn này vào phần giữa chương trình với bộ sưu tập đầy ma mị "Âm dương hội ngộ" của Trương Thanh Hải. Màn diễn này là sự tổng hợp của nhiều nhân vật "âm lịch" nhất như Đào Anh Khánh, Thúy Hường, Tùng Dương, Vi Thùy Linh, Đức nhà sàn... nhưng tôi nhớ nhất vai diễn của nghệ sĩ Đàm Liên và tiếng cười "man dại" của nhân vật trong đêm diễn ấy vẫn còn ám ảnh mãi về sau.
NSND Đàm Liên Ảnh: TƯ LIỆU
Vì hình ảnh quá quen của bà gắn với đạo cụ "ông già", nên tôi đã nảy ra ý tưởng để bà xuất hiện lúc đầu trong vai quen thuộc ấy, sau đó sẽ dứt bỏ bộ trang phục "chồng già" của mình và quăng nó đi trên sân khấu như dứt một phần cơ thể trong sự đau đớn và tiếng cười cuồng loạn. Lúc đầu, nghệ sĩ Đàm Liên khá bất ngờ, nói cần suy nghĩ nhưng sau đó rất hứng thú với ý tưởng này. Bà đã kết hợp trích đoạn "Ông già cõng vợ đi xem hội" và "Hề nghe tin dữ" với nhau để tạo ra một màn diễn ngắn nhưng cực kỳ ấn tượng.
Mãi sau này, nghệ sĩ Đàm Liên còn tâm sự với tôi qua những cuộc điện thoại xuyên đêm từ nhà riêng (chùa Hà, Cầu Giấy). Bà nói bà đã diễn hàng ngàn lần "Ông già cõng vợ đi xem hội" nhưng đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng bà được diễn một vai phá cách và ám ảnh như vậy. Giữa những lúc nói chuyện, bà luôn xen những tiếng cười lanh lảnh, tự nhiên theo tính cách Nam Trung Bộ hào sảng của mình. Tiếng cười thoải mái, tương phản hẳn với vai diễn trên sân khấu.
Ý tưởng dứt bỏ "ông già" ra khỏi - trong vai diễn lần ấy, tôi giải thích với bà - giống như một linh hồn lìa khỏi thể xác đối với người nghệ sĩ. Ngoài ra, còn thêm một thông điệp nữa, là sự dám dứt bỏ những thói quen, những hào quang và lối mòn để hướng tìm những sáng tạo mới trong nghệ thuật. Đây là điều bà và ê-kíp chúng tôi tâm đắc nhất. "Bí ẩn của linh hồn" cũng là lần đầu chúng tôi thể nghiệm hình thức mới trong trình diễn thời trang nên cũng còn rất nhiều bỡ ngỡ và ôm đồm. Sau này cũng từ thông điệp "dứt bỏ" để làm mới đó, tôi đã học được nhiều và đưa vào những chương trình gọn nhẹ một cách tập trung hơn trong những thể nghiệm kế tiếp, có lẽ một phần nhờ vào tiếng cười ma quái, lanh lảnh của nghệ sĩ Đàm Liên trong đêm diễn ấy.
Mong tiếng cười luôn theo bà về cõi vĩnh hằng, chấm dứt những chuỗi ngày lọ mọ một mình và những đêm dài mất ngủ.
Ước ao nghệ thuật tuồng cổ Việt Nam sẽ lại có những nghệ sĩ tài năng như nghệ sĩ Đàm Liên để môn nghệ thuật này sống mãi.
NSND Đàm Liên, được mệnh danh là "Bà chúa sân khấu tuồng", đã qua đời ngày 25-4 tại TP Hà Nội, do bệnh thận, hưởng thọ 77 tuổi.
Bà được người trong giới nhìn nhận là ngôi sao sáng của làng sân khấu tuồng Việt Nam, được đào tạo bài bản, yêu nghề và say mê sáng tạo, một tài năng hiếm hoi của sân khấu tuồng.
NSND Đàm Liên góp phần mang lại thành công cho nhiều vở tuồng của Nhà hát Tuồng Việt Nam, từ truyền thống đến hiện đại: "Lý Phụng Đình" (vai Loan Dung), "Đào Phi Phụng" (vai Liễu Nguyệt Tiêm), "Nghêu Sò Ốc Hến" (vai bà huyện), "Không còn đường nào khác" (vai má Tư)... Bà còn được công chúng mến mộ qua các vai diễn: Trưng Trắc trong vở "Trưng Nữ Vương", Phương Cơ trong vở "Ngọn lửa Hồng Sơn", Công chúa Quỳnh Nga trong vở "Thạch Sanh", Hồ Nguyệt Cô trong "Hồ Nguyệt Cô hóa cáo"...
Bình luận (0)