Là một người viết văn xuôi, cũng đã in nhiều đầu sách nhưng tôi vẫn thường nói với bạn bè rằng nếu vẫn còn thuận duyên theo nghiệp chữ thì cuốn sách sau cùng của tôi sẽ là một tập thơ. Một tập thơ mỏng thôi.
Tại sao là một tập thơ? Và, tại sao lại mỏng thôi?
Một tập thơ. Bởi, như bao người Việt khác, trong hành trình dằng dặc đời người, tôi cũng có làm thơ. Đúng hơn là tôi dùng thơ để ghi lại cảm xúc bất chợt riêng mình. Dường như, khi chúng ta ở trong cảnh huống mà mọi ngôn từ trở nên bất lực thì ngôn ngữ thơ lại cất lên.
Nhưng chỉ là một tập mỏng manh thôi. Bởi, tôi chỉ là người viết thơ amateur.
Từ trường hợp của chính mình, tôi nghĩ về trường hợp thơ của Lê Phong Quan.
Không phải là người theo nghề chữ, dù có quãng thời gian đi dạy học. Lê Phong Quan bầu bạn với thơ trong những lúc quạnh quẽ với cuộc đời. Rồi thơ lại bầu bạn với anh vào những lúc bất ngờ nhất trong những cuộc rong ruổi giữa miền thiên nhiên hoang dại. Cứ như thế, người chợt đến với thơ và thơ chợt hòa vào người. Cho nên, tôi nghĩ cái câu mà Lê Phong Quan tự nhận "bên lề cuộc thơ" là một câu nói khiêm tốn mà thôi. Bởi thơ, nói cho cùng, không có đại lộ hay quảng trường; không có mặt tiền hay ngõ hẻm; không có cao tốc hay đường làng. Thơ là thơ. Thơ là cảm xúc thật nhất, tinh tế nhất của con người. Thơ là những biểu ý vừa mơ hồ vừa sâu thẳm nhất của tuệ giác. Thơ càng lánh xa sân khấu ồn ào, càng gọt bỏ những lớp phấn son lòe loẹt thì thơ càng đẹp, càng yêu.
"Tóc mây rụng ngủ vai gầy/ Tưởng thương ta tựa tháng ngày gian nan/Ai về qua chuyến đò ngang/Nhớ ru câu hát lỡ làng trăm năm"… (Về sông quê).
Xin dẫn ngẫu nhiên một bài lục bát tứ tuyệt của Lê Phong Quan. Tôi thấy ở đây một vẻ đẹp tự nhiên. Trong nhịp câu chữ tưởng chừng quen thuộc ấy bỗng nhiên nảy ra cái chữ "tưởng thương" rất độc đáo. Chữ "tưởng" phóng khoáng, đa nghĩa; làm "nhiệm vụ" dìu một chữ "thương" duy nhất, chân tình.
Tôi nghĩ Lê Phong Quan không dụng công câu chữ, mà câu chữ tự dưng như gom lại… thành thơ. Như mây tự dưng gom lại che bóng mát. Ấy cũng là một điều thú vị ở những người làm thơ không chuyên. Có thể năng lực chữ còn hạn chế nhưng năng lượng yêu thì tràn trề. Do vậy mà "thơ bên lề" nhưng yêu thương thì đến ngay giữa trái tim người đọc.
"Hai bến sông, đời người ai cũng có/Một bến sông đời và một bến sông quê/Khi bến sông đời chông chênh gấp khúc trần mê/Ta thinh lặng tìm về bến sông quê nương náu. (Hai bến sông).
Cũng viết về sông nhưng ở đây Lê Phong Quan không tả tình, tả cảnh mà ẩn dụ thành sông mộng bến đời. Đôi khi đời tưởng thật hóa ra là mộng và đôi khi mộng chính là đôi cánh bay thoát lên từ những sự rất đời. Như dòng sông đôi bờ, đời người cũng trôi giữa đôi bờ hư - thực. Nghiệm ra được điều ấy và chắp cho nó đôi cánh của thơ thì đó là nét tài hoa mộc mạc đáng được ghi nhận ở Lê Phong Quan.
Lê Phong Quan nguyên quán An Giang, cạnh dòng sông Hậu, nhưng sinh ra và lớn lên bên dòng sông Đồng Nai. Thuở nhỏ, Quan học Trường Trung học Ngô Quyền, là ngôi trường mà thi sĩ tài danh Nguyễn Tất Nhiên từng học. Lê Phong Quan học dưới Nguyễn Tất Nhiên 2 khóa cho nên những giai thoại về thi sĩ này anh biết khá tường tận. Những kỷ niệm thời hoa niên ở Biên Hòa đến nay vẫn rợp bóng mát trong tâm hồn tác giả. Nhưng cuộc đời đâu chỉ có những giấc mộng đẹp. Sinh ra và lớn lên nhằm thời chiến tranh loạn lạc. Chèo chống gia đình bé mọn qua thời bao cấp nghèo khó. Thắc thỏm thời mở cửa với hỗn mang các giá trị thật giả, vàng thau. Lê Phong Quan dẫu nhủ mình "bên lề cuộc thơ" nhưng lại cho thấy không ngoài lề thời cuộc đất nước. Thơ anh, ngoài tiếng vọng tình, còn là tiếng nói của lương tâm, của trách nhiệm công dân. Có những nỗi xót xa, dẫu đã khúc xạ qua thơ, vẫn ánh lên những nỗi buồn gần như là tuyệt vọng.
Nhưng trên hết, thơ Lê Phong Quan vẫn thắm một giọng tình, vẫn xanh ngắt một màu thôn dã và vẫn da diết nỗi nhớ thật thà.
Cuộc sống hữu duyên đã khiến tôi trở thành người bạn vong niên của anh. Xin cảm ơn anh Lê Phong Quan. Chúc mừng anh đã có một tập thơ để trao tặng bạn bè. Nếu ví mỗi tập thơ như một chiếc phong linh thì khi thơ đến tay mỗi người sẽ giống như chiếc phong linh được treo lên. Treo lên và chờ gió trời thổi tới.
Bình luận (0)