xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những ngọn đèn soi

Từ Kế Tường

Mười hai - mười ba tuổi, tôi học trung học ở Sài Gòn, chỉ mong tới ngày nghỉ hè để về quê. Ngày đó không có chuyện học thêm nên tôi về quê nghỉ thoải mái suốt 3 tháng, tạm quên sách vở để trở về thuần khiết một đứa trẻ con đồng nội với mùa nào thú vui nấy.

 Suốt 3 tháng hè lại là mùa soi cá, soi nhái, soi ếch, soi lươn, soi cua… gọi chung chung là "mùa đi soi". Bây giờ nhớ lại, không hiểu sao một đứa trẻ con từng ấy tuổi đầu, ở quê như tôi tại sao lại giỏi thế, cái gì cũng biết, cũng làm được. Tôi đi từ quê lên Sài Gòn một mình, nghỉ hè về quê cũng một mình, chẳng ai đưa đón, mọi thứ đều tự lo. Ý thức tự lập hình thành rất sớm nên về sau, tôi vừa đi học ban ngày, buổi tối đi làm kiếm tiền đóng tiền học, mua sách vở. Năm 14-15 tuổi, tôi đã làm ra tiền, lĩnh lương tháng đàng hoàng, không nhớ lĩnh lương hồi đó là bao nhiêu nhưng lĩnh được tiền tôi đều đưa hết cho má tôi vì chẳng có việc gì để xài, ngoài việc đóng tiền trường.

Trở lại năm 12-13 tuổi với 3 tháng nghỉ hè ở quê. Tôi nhớ nhất là những đêm đi soi. Hồi đó làm gì có loại đèn soi bằng pin đeo ngang trán tiện lợi như bây giờ mà đèn soi đốt bằng khí đá. Làm một cái đèn soi khí đá rất thủ công, vật liệu sẵn có trong nhà, vẫn sáng phà phà soi rọi mọi thứ dưới mặt nước ban đêm. Chiếc đèn khí đá này dùng hết mùa đi soi sẽ mang cất, năm sau dùng lại. Nay chiếc đèn khí đá thời ấu thơ của trẻ con thôn quê dùng để đi soi này đã trở thành "cổ tích". Nhưng nó lại là vật kỷ niệm với tôi không thể nào quên.

Mùa đi soi không chỉ dành cho bọn con trai, cả con gái thôn quê cũng biết đi soi. Mùa này, cứ tối đến, những ngọn đèn soi bằng khí đá sáng giăng giăng trên đồng ruộng, ngày nắng soi cá, soi lươn, ngày mưa soi ếch, nhái, cua… Đứa trẻ con đi soi phải trang bị "tận răng", ngoài dụng cụ đèn khí đá, giỏ đựng cá, còn có cái nơm nhỏ để chụp cá, con dao cán dài giắt bên hông để chặt lươn, dây trói cua. Có đứa không dùng dao mà tự chế một cây kiếm ngắn mang kè kè bên hông trông rất oai. Đi soi ban đêm là đụng gì bắt nấy, nước trên ruộng lắp xắp, chân dò từng bước chậm, "khè" ngọn đèn khí đá cho sáng, soi rọi những gì dưới mặt nước, ngay trước mỗi bước chân của mình. Nếu gặp cá thì chụp nơm để bắt, gặp cua thì đạp rồi thò tay xuống bắt, gặp lươn thì trở sống dao chặt vào cổ cách đầu khoảng 5 cm, chặt một phát con lươn sẽ đơ ra, nằm in cho mình bắt. Nếu không có kinh nghiệm chặt sống dao vào giữa lưng, khi thò tay xuống bắt, lươn sẽ quay đầu lại cắn cho phát đau ê ẩm. Nhưng không sao, lươn chỉ cắn thôi, máu rỉ ra rồi hết chứ không có độc.

Những đêm đi soi như thế mà ai cũng cắm mặt xuống ruộng tìm cá, tìm cua, tìm lươn… thì chán lắm. Vậy làm gì cho vui? Vâng, sẽ có văn nghệ "cây nhà lá vườn" giúp vui. Ai biết hát tân nhạc thì hát, toàn boléro: "Đường xưa lối cũ", "Tình thắm duyên quê", "Nỗi buồn hoa phượng"… Ai biết ca cải lương, sáu câu vọng cổ thì trổ tài: "Cây quạt lá buông", "Trái gùi Bến Cát", "Gánh nước đêm trăng", "Ông lão chèo đò"… Tuổi thơ thật hồn nhiên, trong trẻo và đêm đêm với những ngọn đèn soi giăng giăng sáng như sao giữa đồng những gương mặt, những giọng ca bạn bè trang lứa một thời tới bây giờ vẫn không phai mờ trong ký ức của tôi mỗi lần về quê, mỗi mùa hạ tới. Những gương mặt ấy giờ đã ở khắp bốn phương trời. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo