Video âm nhạc (MV) "Kết duyên tơ hồng" của Cao Bá Hưng vừa ra mắt cách đây ít hôm đã thu hút sự chú ý của công chúng yêu nhạc bởi chất liệu âm nhạc dân tộc được thể hiện thú vị trên nền nhạc điện tử rộn ràng. MV đánh dấu sự trở lại của Cao Bá Hưng trên đường chinh phục khán giả sau 2 năm ẩn tích. Không chạy theo phong cách ballad phổ biến vốn được công chúng Việt Nam dễ dàng đón nhận, Cao Bá Hưng chọn con đường khó đi hơn khi quyết định giữ cái tôi âm nhạc của mình, cho ra một bản phối mang phong cách pop hiện đại kết hợp âm hưởng chất dân ca Bắc Bộ.
Cao Bá Hưng trình diễn đàn tì bà (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Sáng tạo bằng chất trẻ
Nhạc sĩ Đức Trí nhận định: "Sau khi xem "Kết duyên tơ hồng", tôi cảm nhận được sự tiến bộ của Cao Bá Hưng, với tư cách một người thưởng thức âm nhạc, tôi như được truyền cảm hứng. Rõ ràng tôi luôn dành thiện cảm cho những bạn trẻ muốn làm mới giá trị âm nhạc dân tộc như Hưng".
Thực ra, việc kết hợp nhạc dân tộc với âm nhạc hiện đại không mới. Nhưng đến nay, sự kết hợp này không còn mang ý nghĩa thể nghiệm mà nó trở thành sứ mệnh tạo khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, cho nhạc dân tộc. Cao Bá Hưng bày tỏ rằng anh thấy rất vui khi các ca sĩ, nhạc sĩ hiện tại sử dụng nhiều chất liệu truyền thống cho các sản phẩm của mình. Đó là một tín hiệu vô cùng đáng mừng. Điều đó có nghĩa âm nhạc truyền thống đến được với đại chúng bằng chính tư duy và cảm nhận của người trẻ.
Chỉ còn vài ngày nữa, Đinh Nhật Minh lên đường sang Trung Quốc cho buổi diễn sáo trúc tại một cuộc thi. Nhưng nếu những lần trước, Đinh Nhật Minh mang đi những tiết mục truyền thống nhất thì lần này, anh sẽ thổi sáo trên nền nhạc điện tử. Không chỉ vậy, Minh còn kết hợp biểu diễn sáo với vũ đạo. Đó là con đường mà Minh xác định sẽ theo đuổi trong hành trình quảng bá nhạc dân tộc của mình đến khán giả trẻ.
Đinh Nhật Minh trình diễn sáo trúc (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Đinh Nhật Minh là cháu nội nghệ sĩ sáo trúc Đinh Thìn, con trai nghệ sĩ sáo trúc Đinh Linh. Minh muốn quảng bá nhạc dân tộc và chứng minh rằng công chúng yêu nhạc thời nay không quay lưng với nhạc dân tộc, chỉ là nghệ sĩ chọn phương thức nào để đưa nhạc dân tộc đến được với khán giả mà thôi.
Khi chứng kiến Đinh Nhật Minh biểu diễn sáo trúc trên nền nhạc dân tộc, nghệ sĩ Hoài Linh bảo: "Nhạc cụ dân tộc có thể chơi các loại nhạc trên thế giới. Con hãy mang đam mê này truyền cảm hứng cho người trẻ bằng phong cách biểu diễn trẻ trung của mình". Nghệ sĩ Trấn Thành cũng hết sức ngạc nhiên: "Minh quá thông minh khi kết hợp nhạc dân tộc với nhạc điện tử bởi đó là cách nhanh nhất để đưa nhạc dân tộc đến với khán giả trẻ". Theo Trấn Thành, khi đã thích phong cách âm nhạc này, khán giả sẽ tự mình tìm đến nhạc dân tộc nguyên thủy. Đó là lúc chúng ta làm được sứ mệnh của mình, quảng bá nhạc dân tộc đến với đông đảo khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.
Trung Lương từng là cái tên gây sức hút tại cuộc thi tìm kiếm tài năng "Vietnam’s got talent 2016" bởi cách chơi đàn nguyệt quá độc đáo của mình. Khán giả trẻ yêu nhạc chẳng lạ gì với những bản nhạc nổi tiếng thế giới như "Faded" của Alan Walker, "Nova" của Ahrix,…được thể hiện bằng tiếng đàn nguyệt của Trung Lương. Ngay chính Ahrix cũng tỏ ra vô cùng thú vị với màn trình diễn của Trung Lương đến mức anh chia sẻ nó lên Facebook và dành cho chàng trai 19 tuổi này những lời khen đầy thán phục. Cách đây không lâu, Trung Lương tung ra bản hit (ăn khách) "Attention" của Charlie Puth phiên bản đàn nguyệt, tiếp tục gây phấn khích cho công chúng yêu nhạc. Nhiều lời khen ngợi dành cho Trung Lương cùng một danh sách bản hit của nghệ sĩ thế giới mong Trung Lương tiếp tục cover. Mới đây, bản cover "Waiting for love" (nhạc của Avicii) phiên bản đàn nguyệt của Trung Lương là một cách Trung Lương tôn vinh huyền thoại DJ Avicii. Các bản "Something just like this" của The Chainsmokers và Coldplay, "Shape of you" của Ed Sheeran, "Darkside" của Alan Walker, "Let her go" của Passenger, đặc biệt là siêu hit "Despacito" của Luis Fonsi thể hiện bằng đàn nguyệt của Trung Lương tiếp tục làm khán thính giả "ngất ngây", trong đó có cả khán giả quốc tế.
Trung Lương trình diễn đàn kìm (Ảnh do nhân vật cung cấp)
"Đâu cứ phải áo dài khăn đóng"
Cao Bá Hưng chơi đàn tì bà, Trung Lương đàn nguyệt, Đinh Nhật Linh thổi sáo trúc, Hoài Thu đàn nhị, Sĩ Phú chuyên đàn tam thập lục, đàn đá, bộ gõ… nhưng họ đều rất trẻ trung, đầy sức hút như những ngôi sao nhạc trẻ. Họ không xuất hiện trong những bộ trang phục áo dài, khăn đóng như cách mà nhiều thế hệ nghệ sĩ nhạc dân tộc thường lựa chọn.
Những gì họ mặc khi ra sân khấu là tạo phong cách trẻ trung, gần gũi với khán giả cùng trang lứa. Điều đó giúp họ mạnh dạn sáng tạo nên những bản nhạc dân tộc khác trước. Đinh Nhật Minh nói: "Thế hệ khán giả cứ thay đổi liên tục. Tại sao mình không bắt đầu từ sở thích của khán giả để cùng đưa họ tìm đến nguồn cội!". Những tác phẩm thể nghiệm nhạc dân tộc với nhạc điện tử của Đinh Nhật Minh ra đời cũng từ suy nghĩ đó. Đinh Nhật Minh tham gia nhiều chương trình truyền hình để có dịp giới thiệu những sản phẩm thể nghiệm của mình với công chúng.
Hiệu ứng có được từ những sản phẩm âm nhạc này quả thật rất thú vị. Nhật Minh nhận được sự tán dương và động viên của những người trong nghề nên càng quyết tâm tham gia thị trường sôi động của khán giả trẻ, đi cùng họ và về đích cùng họ. Nếu không làm với tinh thần của người trẻ, dám nghĩ, sáng tạo, chấp nhận thất bại thì họ đã không tạo nên một làn sóng nhạc dân tộc kết hợp với nhạc điện tử hấp dẫn và được yêu thích như hiện tại.
Làm được điều xưa nay hiếm
Sau một thời gian dài khiến cho những người yêu nhạc dân tộc truyền thống hoang mang bởi sự kết hợp lạ lẫm này nhưng cuối cùng những người làm "trẻ hóa" nhạc dân tộc đã chứng minh lựa chọn của họ là đúng. Nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng cho rằng bất cứ sự sáng tạo, kết hợp nào với nhạc cụ dân tộc tạo được ấn tượng, thu hút sự chú ý của công chúng cũng đều tốt, đáng ủng hộ. "Âm nhạc là phải có đời sống, càng thu hút công chúng càng khiến nhạc dân tộc đến gần hơn với người trẻ, đó là điều tuyệt vời" - nghệ sĩ Hải Phượng nói.
Nhạc sĩ Huy Tuấn phấn khích: "Chúng ta đang chứng kiến sự thăng hoa và lên ngôi của một nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ, mà là nhạc cụ dân tộc. Các bạn ấy đang làm được điều xưa nay hiếm".
Bình luận (0)