Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM phối hợp Nhà hát Cải lương Việt Nam tổ chức giới thiệu công trình sân khấu đặc biệt này nhằm tạo sức lan tỏa sâu rộng trong quần chúng về hình tượng của Bác. Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên, nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê.
Đợt lưu diễn ý nghĩa
Công chúng tại TP HCM đã đến xem và cổ vũ nồng nhiệt suất diễn đặc biệt của vở "Nước non vạn dặm". Đây là tác phẩm sân khấu kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước (5-6) và đặc biệt tác phẩm được công diễn tại thành phố mang tên Người.
Tác giả kịch bản của vở "Nợ nước non" là nhà văn, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Đạo diễn vở diễn là NSND Triệu Trung Kiên (Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam). Chuyển thể cải lương là soạn giả Hoàng Song Việt.
Một cảnh trong vở “Nợ nước non”. (Ảnh do Nhà hát Cải lương Việt Nam cung cấp)
Theo NSND Triệu Trung Kiên, ê-kíp thực hiện không tham vọng kể lại toàn bộ quá trình hơn 20 năm đầu tiên trong cuộc đời của Bác, mà chỉ chọn những lát cắt tiêu biểu, sự kiện quan trọng, những điều bình dị nhất về Bác để gửi đến khán giả. Chính vì thế, vở diễn đã đi vào lòng người xem một cách nhẹ nhàng, trọn vẹn. Trong hàng ghế khán giả có nhiều bạn trẻ là sinh viên, học sinh, họ rất xúc động khi được sinh ra và lớn lên tại thành phố mang tên Bác, từng được đặt chân đến Bến Nhà Rồng và hôm nay hiểu hơn về địa danh thiêng liêng này.
Trước ngày vở được công diễn, Thành ủy TP HCM, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM đã đưa ê-kíp thực hiện đến tham quan Bến Nhà Rồng. Các nghệ sĩ đã bày tỏ niềm xúc động và cho rằng đây là đợt lưu diễn tại TP HCM và một số tỉnh phía Nam đầy ý nghĩa và cũng rất vinh dự khi được thể hiện 1 trong 3 phần của bộ sử thi nghệ thuật "Nước non vạn dặm" ngay tại TP HCM.
Nhiều cảm xúc cho người xem
Theo ê-kíp thực hiện vở "Nợ nước non", thách thức lớn nhất khi thực hiện là phải nỗ lực tìm được chìa khóa sáng tạo cho một tác phẩm viết về Bác. Những câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Bác đều rất quen thuộc nên phải diễn làm sao để vở vừa hấp dẫn người xem vừa không lặp lại cách khai thác ở những tác phẩm trước đó đã từng dàn dựng về hình tượng Bác.
Vở "Nợ nước non" đã lý giải một cách thuyết phục về quyết định của Bác khi bước lên con tàu ở Bến Nhà Rồng, một quyết định lịch sử, tự giác nhưng có chủ đích, mang tính cách mạng.
Nhà văn, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ có lợi thế không chỉ là nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa công phu, nghiêm túc mà ông còn có nhiều vốn sống khi đã gắn bó với quê hương Nghệ An và nhiều vùng đất khác. Ông đã tìm hiểu, nghiên cứu sâu về tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành của một nhân vật lịch sử, một danh nhân văn hóa, để khắc họa trong bản thảo sự chuyển biến về nhận thức, tình cảm, tư tưởng của Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành trước các vấn đề chính trị, xã hội của đất nước và thế giới.
Vở "Nợ nước non" thành công còn do đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên đã biến các tư liệu chuẩn xác nhất về Bác thành mạch nguồn cảm xúc, truyền đến khán giả và nhận được sự đồng cảm. Vở được dàn dựng mang phong cách nghệ thuật đương đại và tuân thủ phương pháp ước lệ của sân khấu truyền thống để dung hòa các yếu tố nhạc, vũ, kịch.
Nét độc đáo của tác phẩm chính là sự kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu cải lương và một số loại hình nghệ thuật truyền thống như: dân ca ví, giặm xứ Nghệ, ca Huế, bài chòi khu 5 và dân ca Nam Bộ... Nghệ sĩ Minh Hải đã thể hiện rất tốt vai Bác lúc còn trẻ. Điều thú vị hơn, cháu bé đóng vai Bác thuở ấu thơ chính là con trai của nghệ sĩ Minh Hải. Dù cháu chỉ xuất hiện ngắn ở cảnh gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc khi còn ở Huế nhưng đã đem đến nhiều cảm xúc cho người xem. Lớp diễn xúc động nhất là cảnh gia đình Nguyễn Sinh Cung ở Huế, mẹ của Bác - bà Hoàng Thị Loan từ giã cõi đời mà chồng, con đang ở xa, chỉ còn bé Cung bên mẹ và em Nhuận mới vài tháng tuổi.
Tác phẩm "Nước non vạn dặm" có 3 phần, 2 phần tiếp theo sẽ ra mắt công chúng năm 2023, 2024. Dự kiến vở diễn phần 2 mang tên "Lênh đênh bốn biển" và phần 3 mang tên "Người về". Trong 2 phần này, ê-kíp thực hiện tiếp tục khắc họa, lý giải, ngợi ca con đường bôn ba cứu nước của Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ở nước ngoài và những năm tháng Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Ngoài 2 suất diễn tại Nhà hát TP HCM, vở "Nợ nước non" còn biểu diễn tại tỉnh Bình Phước (ngày 27-7), Long An (ngày 29-7), Đồng Nai (ngày 30-7).
Bình luận (0)