Năm 1988, Lưu Quang Vũ khép lại cuộc đời 40 năm đầy thăng trầm biến động của mình khi vừa kịp hoàn thành vở kịch "Bệnh sĩ". Ngay từ lần đầu tiên được dàn dựng trên sân khấu, vở kịch đã trở thành một hiện tượng khi nó đã chạm được ngay vào sự bi hài của xã hội Việt Nam thời hậu chiến.
Lừa người và tự lừa mình
Lấy bối cảnh một làng quê có tên Cà Hạ, dưới sự cố vấn của quân sư Văn Sửu, ông chủ tịch Toàn Nha quyết định thay tên đổi họ xã Cà Hạ thành Hùng Tâm. Ông còn "phong chức" cho những người nông dân thật thà chất phác với những cái danh nghe rổn rảng: Chủ nhiệm Trung tâm Công nghệ, Đội trưởng Xây dựng kiến thiết, Chủ nhiệm Công ty Dịch vụ, Chủ nhiệm Trung tâm Xay xát... nhằm thực hiện quyết tâm "phấn đấu để mỗi sáng mai thức dậy, người dân Việt Nam đều mơ ước là dân xã Hùng Tâm".
Cái xã Cà Hạ (mới đổi tên thành Hùng Tâm) ấy là hình ảnh xã hội Việt Nam thu nhỏ, một xã hội được điều hành bằng những nguyên tắc "làng xã" với câu cửa miệng "phép vua thua lệ làng" nơi mà ông quan xã trở thành vị tiểu vương trong cái đất nước với biên giới là lũy tre làng với quyền hành muốn định danh bất cứ thứ gì trong vòng lũy tre ấy cũng được. Với tính cách ưa đại ngôn, thích hoành tráng, ông cho phép một anh hoạn lợn biến thành kỹ sư, mời truyền hình, mời văn nghệ sĩ về chứng thực cái "thành quả lớn lao" của ông mà không ngờ rằng mình chỉ là ếch ngồi đáy giếng, muốn khao khát nhảy vượt bậc cho kịp thấy trời nhưng rốt cuộc vẫn chỉ quẩn quanh một vũng nước đọng. Đúng như cái tên Hùng Tâm mà ông muốn đặt, ông có hùng tâm nhưng không có ý chí và thiếu vắng phương tiện lại thiếu cả sự nhẫn nại, chỉ muốn "đi tắt đón đầu" nhưng đón đầu nhầm xe tải nên đã bị húc văng chỏng gọng. Cũng may sao nhờ cú ngã ấy, ông đã kịp tỉnh ra nếu không người dân xã Cà Hạ (giờ phải gọi là Hùng Tâm) sẽ còn những trạng huống dở khóc dở cười đến chừng nào. Cái căn bệnh của ông mà Lưu Quang Vũ gọi là "bệnh sĩ" không chỉ mình ông tiêm nhiễm, mà còn lây lan khắp đầu thôn cuối xóm, biến một anh lái tàu chở phân bón trên sông trở thành anh thuyền trưởng tàu biển, nhưng dù được gọi bằng cái tên nào thì những con người ấy cũng không thể thay đổi bản chất, họ sống trong ảo tưởng nhưng đồng thời họ ý thức được năng lực bản thân của mình, họ tự lừa người và lừa chính mình để tự nâng mình lên cho ngang tầm với những người xung quanh vốn trước đó chỉ là anh chăn lợn, cô trồng mì.
Lừa người và tự lừa mình mới chính là triệu chứng nguy hiểm của "bệnh sĩ", khi khát vọng trở thành cái áo quá rộng đối với một con người nhỏ bé, thì có cố mặc thế nào cũng chỉ như một đứa trẻ con vận bộ đồ người lớn, ngớ ngẩn và buồn cười. Từ cái xã Hùng Tâm ấy ta có thể thấy huyện Hùng Tâm, tỉnh Hùng Tâm với những biểu ngữ, những băng rôn "quyết tâm", "phấn đấu" nhưng tất cả chỉ dừng lại nói cũng như cái mô hình mà ông chủ tịch Toàn Nha muốn thực hiện mãi dừng lại ở việc đặt tên. Trách ông Toàn Nha xong rồi thì đến lúc cũng cần cảm thương cho ông một chút vậy. Dẫu sao ước mơ của ông cũng là thành thật, ông muốn bứt mình ra khỏi vũng nước tù, muốn thoát mặc cảm tầng lớp nông dân để trở thành những người dẫn đầu, tinh hoa của xã hội để toàn xã hội noi theo, nhưng những gì ông ước mơ khả năng ông và những người xung quanh ông khó lòng thực hiện.
Cảnh trong vở “ Bệnh sĩ” trên sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam. (Ảnh do nhà hát cung cấp)
Tư tưởng không bao giờ cũ
Trải qua 30 năm, "bệnh sĩ" của Lưu Quang Vũ ngày nào chắc phải thay một cái tên mới thành "bệnh tinh hoa", hình bóng ông nông dân Toàn Nha thấp thoáng trên khuôn mặt những thị dân trong một đất nước đang đà phát triển. Như cô gái quê quanh năm quanh quẩn xó nhà, chợt một ngày muốn một bộ váy để đi dự hội cho bằng chị bằng em nhưng không biết rằng nhà mình chẳng đủ tiền mua nổi một hạt ngọc đính trên bộ váy ấy. Như anh hoạn lợn trong kịch đeo kính để cho hợp với vị trí kỹ sư của mình, nhưng đeo kính rồi chỉ thấy lòe nhòe, đem luôn lợn giống ra thiến. Cái kính là công cụ giúp người nhìn rõ hơn, nhưng nếu cố đeo vào mà không xem có phù hợp không thì lại thành hại mắt, chẳng nhìn rõ gì, rồi chỉ tổ sinh ra rắc rối.
Vậy nên những người "bệnh sĩ" của năm xưa và những người mắc "bệnh tinh hoa" của hôm nay cũng nên tháo chiếc kính không hợp với mình ra để nhìn được rõ hơn, để thấy bộ trang phục mình đang cố mặc vào là không hợp, để thấy dấu hiệu của một "căn bệnh" tuy triệu chứng rất buồn cười nhưng không chịu trị sớm thì hậu quả lâu dài vô cùng di hại.
Mặc dù vở kịch được viết cách đây 30 năm nhưng tính thời sự của nó vẫn còn nguyên vẹn. "Bệnh sĩ" ở thời bao cấp khác với "bệnh sĩ" ở thời nay nhưng tư tưởng xuyên suốt của tác giả thì không bao giờ cũ.
Vở kịch có suất diễn thứ 100
"Bệnh sĩ" là vở kịch cuối cùng được Lưu Quang Vũ sáng tác, là một trong những vở thành công nhất của sân khấu kịch miền Bắc. "Bệnh sĩ" là một vở kịch nằm trong kịch mục mà các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam đã biểu diễn thành công từ năm 1988, do NSND Đình Quang làm đạo diễn, được khán giả nồng nhiệt đón nhận. Vở kịch đã góp phần khẳng định tên tuổi, thương hiệu của Nhà hát Kịch Việt Nam cũng như tên tuổi, tài năng của tác giả Lưu Quang Vũ vào thời kỳ đó.
Trong lần phục dựng năm 2014, NSƯT Tuấn Hải đảm nhận vai trò đạo diễn, NSND Đình Quang làm cố vấn nghệ thuật. Nghệ sĩ Xuân Bắc, Phú Đôn, Đình Chiến và tập thể diễn viên Đoàn Biểu diễn 2 của nhà hát tham gia vở kịch.
Đêm 27-2-2016, Nhà hát Kịch Việt Nam có suất diễn thứ 100 vở kịch "Bệnh sĩ" tại số 1 Tràng Tiền, Hà Nội, một con số đáng mơ ước trong bối cảnh nhiều vở kịch chỉ sáng đèn một vài đêm rồi "đắp chiếu".
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-12
Kỳ tới: "Hồn Trương Ba da hàng thịt": Bi kịch của cuộc sống không chính mình
Bình luận (0)