Từ năm 17 tuổi, tôi tập tành viết lách, những bài viết đầu tiên gửi về tập san "Áo Trắng" của Nhà Xuất bản Trẻ. Nơi đó có "ông Biền Áo Trắng" đã biên tập, chỉnh sửa và đến bây giờ tôi xem mình là cây bút trưởng thành từ "Áo Trắng".
Nghiệp viết vận vào tôi từ đó, dù trên đường đời tôi cũng làm nhiều việc nhưng hầu như chưa việc nào thành công bằng công việc viết.
Khi tôi được làm cộng tác viên của một số tờ báo tại TP HCM thì cuộc sống ổn định hơn, nuôi hai con trai ăn học và có nhà cửa đàng hoàng cũng từ nghiệp viết và cộng tác với một số tờ báo.
Rồi tôi ly hôn, cũng chính những người bạn viết ở thành phố này đã dìu tôi đứng dậy và biết rằng cuộc đời không phải ly hôn là chấm dứt. Họ giúp tôi hiểu rằng phải dũng cảm bước qua đổ vỡ để thấy cuộc đời vẫn còn ngàn lần tươi đẹp.
Tôi lại sống, viết và yêu người, yêu mình từ những yêu thương dìu dắt của những người bạn thân và chưa thân tại thành phố này. Rồi câu nói "Ông trời không bao giờ đóng mọi cánh cửa" đã linh nghiệm. Tôi đã nhận được sự an ủi rất êm đềm là cuộc sống ổn định hơn từ nhuận bút của không ít tờ báo tại TP HCM và lãnh một số giải thưởng của một vài tờ báo tại thành phố này sau những ngày viết quên ăn quên ngủ.
Tác giả và con trai vừa học xong trường nghề, chuẩn bị đi làm.Ảnh: PHẠM TRƯỜNG ĐÔNG
TP HCM không chỉ cho tôi nhiều thứ về vật chất và niềm vui mà còn đáng yêu trong từng việc nhỏ nhặt. Ấy là một lần tôi bỏ quên chiếc balô ở quán cà phê trên đường Cách mạng Tháng Tám mà không nhớ rõ giáp với ngã ba hay ngã tư nào. Vì trưa hôm ấy nắng quá, tôi là người ở tỉnh về TP HCM có việc. Vừa khát vừa muốn có chỗ nghỉ chân mà đoạn đường ấy tìm một quán cà phê không dễ. Khi phát hiện ra quán rồi thì tôi đi thẳng vào, chẳng để ý đến tên đường, tên quán.
Nghỉ chân và uống ly cà phê xong thì… lên xe đi và quên cả balô.
Sang tận quận 7, chuyện vãn xong xuôi mới nhớ ra cái balô đâu mất! Chắc chắn là bỏ quên ở quán cà phê, nhưng số mấy, đường nào thì chả biết, chỉ nhớ dường như "ngã tư Cách mạng Tháng Tám - Điện Biên Phủ xuống một chút".
Không thể quay lại tìm quán cà phê ấy vì phải về có việc gấp. Tôi cầm chắc sẽ mất chiếc balô cùng một số tư trang cá nhân trong đó. Nhưng tiếc nhất vẫn là chiếc balô thân thương ấy đã cùng tôi đựng cái laptop thân yêu trải qua bao mùa chữ nghĩa.
Vậy là tôi đăng vài dòng trạng thái lên Facebook, hàm ý tiếc thương chiếc balô. Nhưng thật không ngờ, nửa ngày sau đã có cuộc gọi đến, xưng là quản lý quán cà phê hệ thống Trung Nguyên ở số 2 Bùi Thị Xuân, quận 1, nói rằng quán có cất một cái balô như trang Facebook mô tả và mời tôi tới nhận hoặc hãy cho địa chỉ để quán gửi về!
Ôi tình người ở TP HCM thật bao la! Tôi cảm ơn anh quản lý dù chưa biết mặt. Nhờ anh hãy cất giùm chiếc balô ấy, ngày gần nhất tôi sẽ tới nhận.
Rồi những ngày con tôi đến Trường Netspace - số 497 Điện Biên Phủ, quận 3 - học nghề bếp. Trong nửa ngày lang thang tìm nhà trọ thì gặp ngay ông chủ quán cà phê gần trường, anh đã giới thiệu chị bạn tên Hạnh của mình, có phòng cho thuê giá rất ưu đãi. Khi biết con tôi chỉ ở trọ 3 tháng để đi học, lại ở một mình nên chị đã giảm giá phòng đến mức thấp nhất. Điều dễ thương nữa là chị miễn phí tiền rác, tiền nước sinh hoạt cho con tôi. Cả những bữa ăn, chị chủ nhà dặn: "Hễ hôm nào ăn trong trường thì thôi, nếu không thì ăn cơm với cô nhé, đừng ăn tiệm mất công".
Chị Hạnh bảo tại con tôi ngoan ngoãn, lễ phép đi thưa về trình nên chị tự nhiên thấy thương vậy đó. Khi biết con tôi chỉ học nghề một buổi, buổi còn lại nằm chèo queo trong phòng thì chị Hạnh đã nhờ anh bạn chủ quán cà phê nhận cháu vào làm chân chạy bàn, "Để vừa vui vừa có tiền uống nước". Nhờ có chỗ ở ổn định và công việc ấy mà 3 tháng học đó con tôi không phải xin tiền mẹ để xài vặt và còn dư chút ít chi dùng cho việc học tập.
Giữa TP HCM tấp nập, bộn bề mà được ưu ái như con tôi thì quả là hiếm gặp. Bởi cái tình người dành cho nhau rất đỗi chân tình.
Ngày con tôi tốt nghiệp ra trường, nhìn cậu chàng 18 tuổi rơi nước mắt chia tay bà chủ nhà trọ và ông chủ quán cà phê tốt bụng ấy mà tôi không kìm được xúc động. Lời cảm ơn mà nói mãi chưa xong.
Biết làm sao nói hết lời tri ân với vùng đất này. TP HCM không phải là quê quán của tôi, cũng không phải là nơi tôi sinh ra nhưng nơi đây đã cho tôi niềm tin, nghị lực để tạo dựng cuộc sống như hôm nay, cho con tôi những bài học đối nhân xử thế, những bài học làm người.
Mời bạn đọc dự thi Thơ và Tạp bút "45 năm rực rỡ tên vàng"
Mỗi thể loại có 1 giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 giải ba, trị giá 10 triệu đồng/giải và 3 giải khuyến khích, trị giá 5 triệu đồng/giải
Kết thúc nhận bài dự thi vào ngày 15-7-2021.
Thời gian trao giải vào ngày kỷ niệm 46 năm thành lập Báo Người Lao Động (28-7-2021)
Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được giới thiệu trên Báo Người Lao Động (báo in và báo điện tử). Bài đăng báo in trên số ra Chủ nhật hàng tuần và trên Báo Người Lao Động Online.
Tác giả được hưởng nhuận bút theo quy định.
Tác phẩm dự thi ghi rõ "Tạp bút dự thi" hoặc "Thơ dự thi" gửi về: Báo Người Lao Động, số 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM, ngoài bì thư ghi tham gia cuộc thi viết "45 năm rực rỡ tên vàng".
Hoặc qua địa chỉ email: 45namtenvang@nld.com.vn
BÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bình luận (0)