Cuốn sách "Nghệ thuật nói lái qua ngôn ngữ dân gian Nam Bộ" (NXB Tổng hợp TP HCM) cung cấp cho bạn đọc nguồn gốc, mục đích và phỏng đoán thời kỳ xuất hiện nói lái và điều kiện thuận lợi của nói lái kiểu Nam Bộ; phân tích các kiểu nói lái Bắc và nói lái Nam. Khảo sát chi tiết cách nói lái Nam Bộ, tác giả chỉ ra các kiểu: nói lái trực tiếp, nói lái gián tiếp (lái vòng vo), các trường hợp lái ba chữ trở lên, trường hợp chỉ lái được một lần và trường hợp không thể lái.
Cùng với phần nghiên cứu, phân tích các kiểu nói lái là phần phụ lục những nhân vật nói lái kiểu miền Bắc (Cống Quỳnh, Hồ Xuân Hương, Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, Tú Mỡ) và những câu chuyện nói lái kiểu miền Nam. Đó là những câu lái lặt vặt đời thường; nói lái thời kháng chiến; lái kiểu Quảng Nam; lối dịch nghĩa Hán - Việt rồi lái và lái cả tiếng Pháp; những bài thơ trứ danh nói lái của Thảo Am Nguyễn Khoa Vy, Bùi Giáng, Võ Quê, Tố Mỹ...
Tác giả Nam Chi Bùi Thanh Kiên, trong Lời tựa, có tâm sự: "Từ trước tới nay, ít có tài liệu viết về nói lái. Mãi tới sau này, tôi mới đọc được bài viết của An Chi trong "Chuyện Đông chuyện Tây" tập 4(...). Mãi tới gần đây, tôi thấy trên mạng cũng có bài bàn việc nói lái. (...) Với mớ kinh nghiệm sơ sài của một người có trình độ kiến thức hạn chế và số lượng sách vở tham khảo ít ỏi, tôi muốn nhìn lại hiện tượng ngôn ngữ này trong lòng dân tộc cùng với những quy tắc của nó qua các câu chuyện kể, câu nói trong đời thường".
Nam Chi Bùi Thanh Kiên, tác giả của bộ sách "Phương ngữ Nam Bộ" (2 tập), qua đời khi đang cùng NXB Tổng hợp TP HCM rà soát lại những trang cuối của bản thảo "Nghệ thuật nói lái qua ngôn ngữ dân gian Nam Bộ". Ngày viếng tang thầy giáo Bùi Thanh Kiên, chúng tôi thầm hứa sẽ đặt sách lên bàn vong ông vào đúng tuần thất thứ 7. Lời hứa ấy, ắt là được ông phù hộ, NXB đã đúng hẹn!
Bình luận (0)