Tiến sĩ Đào Lê Na cho biết với sự nỗ lực tập luyện của các bạn trẻ yêu nghệ thuật cải lương trong suốt 6 tháng cho vở "Vai diễn đầu đời", nghệ thuật truyền thống chắc chắn sẽ được thế hệ trẻ tiếp nhận. "Tôi cho rằng nếu biết cách tiếp cận và đổi mới cùng thời gian, các bạn trẻ sẽ tìm đến nghệ thuật cải lương, không chỉ thụ động ngồi xem mà còn tương tác, tham gia sáng tác, dàn dựng. Cụ thể, qua vở diễn "Vai diễn đầu đời", các bạn đã tìm được sự đồng cảm đối với khán giả trẻ" - tiến sĩ Đào Lê Na nhận định.
Cảnh trong vở “Vai diễn đầu đời” Ảnh: LÊ NA
Tồn tại suốt 100 năm, nghệ thuật cải lương đã đi cùng dân tộc qua những thăng trầm, trở thành niềm tự hào của người dân Việt Nam. Trước thực trạng loại hình nghệ thuật này đang dần bị lãng quên bởi sự phổ cập của nhiều loại hình giải trí và những dòng nhạc mới trong thời đại công nghệ số, dự án "Tiếp bước trăm năm", tiếp tục cất lên tiếng nói của thời đại thông qua những vở diễn, vai diễn do chính giới trẻ sáng tác, dàn dựng và biểu diễn.
Tiến sĩ Lê Hồng Phước cho rằng: "Vai diễn đầu đời" là vở diễn được viết hoàn toàn bởi người trẻ, dành cho người trẻ, về những vấn đề trong cuộc sống đương thời. Hòa quyện giữa sự hoài cổ và hơi thở hiện đại, vở diễn này là làn gió mới cho khán giả yêu mến nghệ thuật truyền thống, khiến ai xem rồi cũng khó lòng quên được. Tôi tin với hình thức "đối thoại cộng đồng", sau khi xem, khán giả sẽ có những phản biện để tìm hiểu rõ hơn về nghệ thuật cải lương qua cách làm này".
Bình luận (0)