Những nhân vật Mùi, Tủn, Tí sún, Hải cò,… nổi bật trong tác phẩm "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" vẫn là những nhân vật chính trong truyện mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh "Cảm ơn người lớn". Có khác chăng lúc này là họ đã ở tuổi 50 với những suy tư, trăn trở của người từng trải, tiếc nuối về những gì của những năm tháng tuổi thơ khi còn là những đứa trẻ lên 8, lên 10.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ảnh: LAM ĐIỀN
Viết cho những ai từng là trẻ em
"Cảm ơn người lớn" vẫn là áng văn lãng mạn trong giọng hài hước đặc biệt dành cho trẻ em quen thuộc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Độc giả gặp lại trong truyện mới của ông không chỉ những nhân vật thân thuộc ở "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" mà còn thích thú với những trò chơi từng gắn bó với tuổi thơ của mỗi người, dù đã ở tuổi ngũ tuần. Những nhân vật được đắm mình trong những ước mơ điên rồ nhưng trong vắt của tuổi đang lớn, hồn nhiên và đầy ắp tiếng cười .
"Cảm ơn người lớn" là sự nhớ nhung của những người lớn đã trưởng thành bỗng nhớ về những "vẻ vang" xưa cũ, tiếc nuối vì thời gian không quay ngược lại. Dù là ai, mỗi người cũng phải vẫy vùng để lớn lên nhưng kỷ niệm thời ấu thơ vẫn đầy ắp trong lòng mỗi khi nhắc đến. Nhờ có tuổi thơ mà người lớn trở nên sống bao dung hơn với nhau, cư xử đúng mực với con cháu của mình.
Đúng 10 năm kể từ ngày "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" ra mắt, "Cảm ơn người lớn" được trình làng nên nhiều người vẫn nghĩ nó như phần viết tiếp cuộc đời các nhân vật của "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ". Nhưng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói: "Tôi không viết tiếp mà là viết lại cuốn sách cũ của mình. Có chăng, chủ đề của cuốn sách được mở rộng hơn. Nếu cuốn sách trước tôi viết cho trẻ em thì ở cuốn sách này, tôi viết cho những ai từng là trẻ em. Cuốn sách chứa đựng nhiều thứ hơn so với vẻ về ngoài của cuốn sách dành cho trẻ em".
Trong "Cảm ơn người lớn", nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không chỉ nghĩ ngợi đến điều khác biệt ở trẻ em và người lớn mà còn là những điều ám ảnh của chính bản thân tác giả. "Tình yêu, hôn nhân, tiền bạc, cái chết, văn chương và nhiều những ám ảnh về tuổi thơ, đặc biệt là thời gian. Thời gian quả thực là "bạo chúa", kinh khủng lắm" - Nguyễn Nhật Ánh nói. "Ước gì sống mà không phải nghĩ, nhất là về thời gian. Mỗi lần nghĩ đến mà cứ thấy nghẹn họng. Nghịch lý làm người là thế" - ông tâm sự.
Với cuốn sách mới nhất của mình, Nguyễn Nhật Ánh thừa nhận ông mang nỗi ám ảnh về thời gian nhưng nếu ai hỏi có sợ chết không, ông trả lời rằng: "Tôi không sợ chết nhưng tôi cảm thấy buồn. Những cái chết luôn gieo vào hồn tôi một nỗi quạnh hiu. Mỗi khi một người quen biết qua đời, lòng tôi lập tức hóa thành tháng mười một mưa dầm".
Sách “Cảm ơn người lớn” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ảnh: THÙY TRANG
Thơ - điều thú vị trong truyện Nguyễn Nhật Ánh
Một trong những điều thu hút của "Cảm ơn người lớn" là thơ trong truyện của ông. "Lâu lâu nổi hứng tôi lại làm thơ rồi đưa vào truyện của mình" - ông nói. Đó là lý do độc giả vẫn thỉnh thoảng bắt gặp những câu thơ đơn giản thôi nhưng rất hay trong các truyện của ông. Nhiều nhất là trong "Mắt biếc", "Những cô em gái" và bây giờ là "Cảm ơn người lớn". Hầu hết những bài thơ đưa vào văn xuôi của ông đều là những tác phẩm làm sẵn.
Ông khẳng định: "Đó là điều hay đấy chứ, vì nó thể hiện tính nhất quán trong tư duy sáng tạo của tôi. Thơ và văn không chỉ gần nhau mà còn bổ sung cho nhau rất nhiều. Tôi viết truyện lúc bằng văn xuôi, lúc bằng thơ. Chúng thường cũng hòa quyện vào nhau, tạo nên thể thống nhất cho một câu chuyện".
Ông kể nhiều độc giả cũng thích đọc thơ của ông nên họ có đề nghị ông xuất bản tập thơ riêng. Nhiều nhà xuất bản cũng hứa hẹn sẽ xuất bản 100.000 bản cho tập thơ của ông nếu ông đồng ý. Nhưng "không hiểu sao, đến giờ tôi vẫn chưa có ý định về việc đó. Thật ra, phải có hứng thú mới làm được mà giờ tôi chưa có hứng thú. Nhưng một người làm thơ sao quên được chuyện làm thơ. Thỉnh thoảng tôi vẫn làm thơ. Thích thơ quá thì đưa vào truyện" - ông giãi bày.
Nhà văn Prabhassorn Sevikul, Chủ tịch Hội Nhà văn Thái Lan, từng nhận xét về nhà văn Nguyễn Nhật Ánh rằng: "Tôi chưa gặp Nguyễn Nhật Ánh bao giờ nhưng khi đọc truyện của ông, tôi có cảm giác ông là người bạn rất thân của tôi. Ông đã nói hộ tôi rất nhiều điều". Đó cũng là cảm nhận chung của bất cứ ai khi đọc tác phẩm của ông. "Tính phổ quát trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh thể hiện rõ nhất trong việc miêu tả sự mập mờ của thế giới người lớn. Ở đây, khi ông đào sâu vào sự trong trẻo và hóm hỉnh của những suy nghĩ chưa bị oằn xuống bởi thời gian, ta có thể thấy sự hài hước trong hình hài chân thật nhất của nó - một cơ chế phân tích và chân lý được truyền đạt bằng một thứ ngôn ngữ mà ở tuổi nào, quốc tịch nào cũng hiểu được" - dịch giả người Mỹ William Naythons nhận định trong cuốn "Nguyễn Nhật Ánh trong mắt đồng nghiệp".
Điều này cũng lý giải vì sao tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh luôn nằm trong tốp những cuốn sách bán chạy nhất. Chẳng hạn, thống kê của đơn vị xuất bản cho thấy cuốn sách "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" đã in tái bản tổng cộng 65 lần, đạt 400.000 bản in sau 10 năm ra mắt.
Phát hành cùng lúc nhiều nơi trên thế giới
"Cảm ơn người lớn" sẽ được NXB Trẻ phát hành vào 17-11 tới đây với số bản in lần đầu lên đến 150.000 bản (gồm 130.000 bản bìa mềm và 20.000 bản bìa cứng). Hy vọng đến cuối năm, cuốn sách này tiếp tục lập kỷ lục về lượng bán trong lần in đầu tiên.
Đây cũng là lần đầu sách Việt Nam đồng thời phát hành ở một số thị trường sách trên thế giới: Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. "Số lượng sách bán đi không nhiều nhưng chúng tôi tự hào vì có thể giới thiệu sách Việt ra thế giới, dù trước mắt chỉ mới phục vụ cộng đồng người Việt" - đại diện NXB Trẻ cho hay.
Dự kiến, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sẽ có 2 buổi tặng chữ ký cho bạn đọc vào ngày 17-11 tại Đường sách TP HCM và ngày 9-12 tại Thư viện Hà Nội nhân dịp "Cảm ơn người lớn" chính thức phát hành.
Bình luận (0)