NSƯT Kim Tiểu Long hát trong chương trình Kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương tại Trường PTTH Phạm Phú Thứ - quận 6, TP HCM
Nằm trong khuôn khổ hoạt động sân khấu học đường của CLB Sân khấu Lạc Long Quân trực thuộc Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh TP HCM, chương trình "Kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương", đưa âm nhạc dân tộc và sân khấu vào học đường" đã được khởi động tại trường PTTH Phạm Phú Thứ (quận 6, TP HCM) vào chiều 22-1, mở đầu cho chuỗi hoạt động trong năm 2019 với 100 suất diễn tại các trường cấp 2, cấp 3 và đại học.
Tham gia chương trình có các nghệ nhân, nghệ sĩ, ca sĩ: Bạch Tuyết, Kim Tiểu Long, Dương Hồng Loan, Hạ Châu, Bích Thủy, Khánh Tuấn, Tâm Tâm, Nghi Tâm, Huỳnh Bá Thanh, Huỳnh Quý, Thành Danh, Cẩm Như, Bình Chinh…
NSƯT Kim Tiểu Long và ca sĩ Dương Hồng Loan cùng các thầy cô giáo trường PTTH Phạm Phú Thứ
Chương trình giao lưu văn nghệ mang ý nghĩa này đã tạo được sức lan tỏa, giúp các em học sinh hiểu hơn về quá trình hình thành và phát triển của sân khấu cải lương.
NSND Bạch Tuyết đã giới thiệu khái quát đến các em học sinh những chặng đường hình thành từ nghệ thuật đờn ca tải tử Nam Bộ, đến nghệ thuật ca ra bộ, nghệ thuật cải lương. Bà nhấn mạnh: "Bộ môn nghệ thuật truyền thống cải lương có thể được xem là "đặc sản" của vùng đất Nam bộ. Những thành tựu vang dội của một thời hoàng kim rực rỡ đã đi vào niềm thương, nỗi nhớ của những ai yêu sân khấu để từ đó yêu quê hương, đất nước, làm những công việc tốt đẹp cho xã hội".
NS Bích Thủy và Nghi Tâm biểu diễn ca cảnh "Đôi mắt Liêu Trai" của nhạc sĩ Bắc Sơn - một ca khúc viết trên giai điệu ngũ cung
Theo NSND Bạch Tuyết, năm qua đánh dấu 100 năm hình thành và phát triển của bộ môn nghệ thuật cải lương. Vì thế từ năm 2019, nghệ thuật cải lương sẽ có nhiều cơ hội đến với các bạn trẻ tại các trường học, để cùng các bạn nâng niu, gìn giữ giá trị nghệ thuật mà ông cha để lại.
NSND Bạch Tuyết giao lưu với học sinh trường PTTH Phạm Phú Thứ
Cải lương được kết tinh từ nguồn gốc nhạc cung đình và ca nhạc Huế vào vùng đất mới Nam bộ, rồi hình thành nhạc lễ Nam bộ đến nhạc tài tử Nam bộ.
Từ đó, khi có điều kiện quá độ, nghệ thuật cải lương đã phát sinh hình thức ca ra bộ đến hát chập và kết quả bộ môn cải lương ra đời đầu tiên tại Mỹ Tho vào ngày 15-8-1918 với hình thức ca kịch là sân khấu sàn diễn, gọi là sân khấu cải lương.
Ca sĩ Dương Hồng Loan song ca "Áo mới Cà Mau" với học sinh trường PTTH Phạm Phú Thứ
"Qua bài nói chuyện của NSND Bạch Tuyết, tôi hiểu rõ hơn vì sao rạp hát Thầy Năm Tú (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) và tuồng hát Kim Vân Kiều được công diễn thời đó đã đánh dấu sự ra đời của sân khấu cải lương" – NS Bích Thủy tâm sự.
NS Bích Thủy, Hạ Châu xúc động trước những gian triển lãm nhạc cụ dân tộc và sách về sân khấu cải lương do thầy và trò Trường PTTH Phạm Phú Thứ trưng bày
NSƯT Kim Tiểu Long đã trình bày ba tiết mục ca cổ, bài bản cải lương được các em học sinh hưởng ứng nồng nhiệt. Ca sĩ chuyên hát nhạc dân ca và âm hưởng dân ca đã mang không khí ngày xuân đến sớm với thầy và trò trường PTTH Phạm Phú Thứ qua ca khúc: "Cánh thiệp đầu xuân" và "Áo mới Cà Mau".
NSND Bạch Tuyết trao tặng bài Nam Ai viết về đại quan Phạm Phú Thứ cho hiệu trưởng Nguyễn Đức Hiền
"Tôi vui lắm, khi được hòa vào không khí chào mừng 100 năm sân khấu cải lương. Tình cảm của các em học sinh làm cho tôi xúc động. Tôi tin là 100 suất diễn tới đây của kế hoạch sân khấu học đường sẽ nhân rộng hiệu quả, để các em học sinh được hiểu hơn về nghệ thuật cải lương, từ đó ươm mầm cho một thế hệ khán giả của sân khấu truyền thống dân tộc" – ca sĩ Dương Hồng Loan nói.
Các nghệ sĩ giao lưu trong chương trình 100 năm sân khấu cải lương tại trường PTTH Phạm Phú Thứ
Điều bất ngờ hơn là NSND Bạch Tuyết đã sáng tác một bài ca theo thể điệu Nam Ai viết về tiểu sử của đại thần Phạm Phú Thứ - một trong số những vị quan đại thần có quan điểm canh tân nước Việt Nam trong những năm nửa cuối thế kỷ 19.
Bà đã hát tặng thầy và trò ngôi trường mang tên vị đại thần hết lòng yêu nước, thương dân với lời nhắn nhủ: "Chúng ta hãy bằng khả năng của bản thân mình, học tập thật tốt, trân trọng quá khứ hào hùng của dân tộc, trân quý ngôi trường mang tên vị công thần đã xả thân vì sự hưng thịnh của quốc gia mà cố gắng trở thành con ngoan, trò giỏi, cống hiến cho xã hội".
Diễn viên Huỳnh Quý giao lưu với học sinh trường PTTH Phạm Phú Thứ
Bình luận (0)