Ngoài việc là diễn viên, tác giả, đạo diễn, nhà nghiên cứu…, NSND Đinh Bằng Phi (84 tuổi) còn là một người thầy giỏi nghề, tận tụy với học trò.
Lo hát bội không còn
Theo ông, sàn diễn dành cho sân khấu truyền thống ngày càng hiếm hoi. TP HCM vẫn chưa có nhà hát chuyên nghiệp dành cho hát bội. Môn nghệ thuật bác học này lại biểu diễn trong một rạp hát xuống cấp trầm trọng như rạp Thủ đô (quận 5, TP HCM). Lác đác một số chương trình nghệ thuật hát bội sáng đèn phúc khảo, rồi không thể biểu diễn cho khán giả xem vì "chuột chạy dưới chân, gián bò trên lưng".
NSND Đinh Bằng Phi xem những bức ảnh một đời theo hát bội tại triển lãm do Ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TP HCM tổ chức
NSND Đinh Bằng Phi tâm sự nhìn vào hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật hát bội dễ thấy sự hụt hẫng quá lớn từ cơ sở vật chất cho đến đội ngũ kế thừa. Từ năm 2000 đến nay, các khóa đào tạo và công tác tuyển diễn viên của nhà hát chỉ dừng lại ở con số hơn 10 người. Lực lượng trẻ của nhà hát hiện có 14 diễn viên và 2 nhạc công, còn lại là nghệ sĩ trên 50 tuổi, gần về hưu.
"Vài năm nữa, nhà hát thiếu hụt trầm trọng lực lượng kế thừa. Khâu đào tạo còn vướng thủ tục là diễn viên phải có bằng cấp 3 hoặc tốt nghiệp trường đào tạo chuyên môn mới được tuyển trong khi toàn miền Nam hơn 20 năm qua chưa có khóa đào tạo diễn viên hát bội chính quy nào. Phải chăng đó là một nghịch lý?" - ông nói.
Với nghệ sĩ hát bội giỏi nghề đã nghỉ hưu, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM không thể ký tiếp hợp đồng vì nhiều trở ngại. Đây là rào cản cho sự truyền nghề và các học trò giỏi của ông như: NSƯT Kim Thanh, Ngọc Dung, Ngọc Nga, Ngọc Khanh... dù đủ sức đi dạy nhưng vẫn chịu cảnh thất nghiệp. Vì vậy, nên chăng có một cơ chế đặc thù riêng dành cho nghệ sĩ hát bội giỏi nghề, kéo dài tuổi làm việc để họ tiếp tục đóng góp cho sân khấu truyền thống tại TP HCM.
Với một chuỗi những nghịch lý chưa thể giải quyết cho căn cơ thì nguồn nhân lực tài năng, giỏi nghề đủ sức chung tay vì hát bội sẽ rụng dần. Thậm chí trong vở tuồng của nhà hát chuyên nghiệp mà một diễn viên phải đóng 3 vai vì không đủ người đảm nhiệm. Chỉ 5 năm nữa, khi không còn hội đủ những điều kiện cần thiết cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật hát bội, từ con người đến vật chất, theo NSND Đinh Bằng Phi, bộ môn truyền thống này sẽ chỉ còn trong quá khứ.
Đầu tư chiến lược cho hát bội
NSND Đinh Bằng Phi hoan nghênh sáng kiến xây dựng hệ sinh thái văn hóa của TP HCM mà nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đã hoạch định. Nhưng theo ông, muốn có hệ sinh thái văn hóa thì phải bảo tồn được cái gốc của văn hóa.
"Những bộ môn nghệ thuật truyền thống là bản sắc, đặc trưng của TP HCM phải sống khỏe, sống tốt thì mới đủ sức lan tỏa đến cộng đồng. Hát bội chưa bao giờ được hoạch định thành một sự kiện văn hóa lớn. Chỉ chờ đến giỗ, lễ, cúng đình thì mới trưng ra cho có lệ. Như vậy thiệt thòi cho hát bội và thiếu sự trọng thị khi nói đến việc đẩy mạnh các hoạt động văn hóa" - NSND Đinh Bằng Phi trăn trở.
Người thầy đã 84 tuổi này từng nhiều lần kiến nghị về việc cần có một giải pháp đồng bộ, hợp lý để đầu tư lâu dài cho chiến lược bảo tồn nghệ thuật hát bội tại TP HCM. Theo đó, nhà nước cần có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với những người làm nghề hát bội và tuyển chọn gương mặt nghệ sĩ trẻ vẫn bám nghề ở các vùng quê, mời về TP HCM để truyền nghề. Tạo mọi điều kiện ăn ở, sinh hoạt để họ phát huy tài năng.
Ông chỉ rõ một nghịch lý trong 2 đêm 15, 16-2 âm lịch, toàn TP HCM có đến 42 đình, chùa, miếu lần lượt tổ chức lễ kỳ yên, mời nghệ sĩ về hát chầu. Thế nhưng, không gian văn hóa này bị biến tướng với đủ loại hình biểu diễn, phá vỡ tính đặc thù của không gian văn hóa từ bao đời qua nghệ thuật hát bội là chủ đạo. "Không ai kiểm tra, không ai xử lý. Nghệ sĩ vì mưu sinh cứ làm bừa, đưa nhạc trẻ, tấu hài vào hát bội; diễn hát bội pha cải lương hồ quảng, múa tầm bậy, hát cương, diễn ẩu, phá vỡ toàn bộ tinh thần và hào khí của những vở tuồng ca ngợi nhân vật anh hùng trung kiên, ái quốc" - ông tâm sự.
Ông nhấn mạnh nghệ thuật hát bội cần có cơ chế dưỡng nuôi và bảo tồn cấp thiết với việc tăng lương, tăng tiền bồi dưỡng cho nghệ sĩ; tuyển sinh không đặt nặng bằng cấp, các em sẽ từng bước được trang bị thêm về văn hóa, kiến thức song song với việc học nghề; đào tạo nguồn tác giả, đạo diễn chuyên sáng tác hát bội; cơ chế đặt hàng ngay những kịch bản hát bội ca ngợi lịch sử dân tộc...
Sáng 18-11, Ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TP HCM đã tổ chức lễ khai mạc triển lãm "NSND Đinh Bằng Phi - Một đời theo hát bội" tại TP HCM.
Sau triển lãm này, Ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TP HCM sẽ trao tặng toàn bộ 100 bức ảnh quý của NSND Đinh Bằng Phi để con trai ông là ông Đinh Thành Tâm - Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Dương (huyện Nhà Bè, TP HCM) - xây dựng phòng bảo tàng của cha mình tại nhà riêng. Nơi đây sẽ là không gian dành cho những ai yêu thích hát bội đến tìm hiểu, nghiên cứu.
Bình luận (0)