Sau thời gian chống chọi với căn bệnh thận, biến chứng sang tim mạch rồi bị nhiễm trùng thần kinh, dù được các bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM) tận tình cứu chữa, NSND Đoàn Dũng đã trút hơi thở cuối cùng lúc 8 giờ 50 phút ngày 17-9 tại Bệnh viện Thống Nhất, hưởng thọ 80 tuổi.
Sống đặt nghĩa tình lên hàng đầu
NSND Đoàn Dũng ra đi để lại nỗi tiếc thương cho người thân, gia đình và bạn bè, đồng nghiệp. Họa sĩ - NSND Doãn Châu xúc động nói về người bạn thân thiết của mình: "Đó là một người đàn ông có vẻ ngoài "xù xì" nhưng luôn sống đặt nghĩa tình lên hàng đầu. Đoàn Dũng trọng chữ tín nên thường phản ứng thô mộc, gai góc. Nhưng đó chính là hình ảnh và phẩm chất của một nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh đặc biệt".
Cũng theo NSND Doãn Châu, ngay từ cái tên của NSND Đoàn Dũng cũng đã chứa đựng nghĩa tình. "Cái tên Đoàn Dũng đâu phải do cha mẹ ông đặt cho. Tên thật của ông là Nguyễn Anh Dũng. Ngay từ những ngày còn đi học tại Trường Ngô Sĩ Liên trên phố Hàm Long (Hà Nội) vào những năm 1950, "Dũng bệu" (biệt danh của ông) đã khác người: tính cách hiếu động, ưa mạo hiểm, lại là con một nên được bố mẹ rất nuông chiều... Sớm biết yêu nên ông đã để ý thương cô bé Đoàn Quế Hương kém mình một tuổi. Thế rồi "cuộc tình thầm lặng đó" cũng chẳng đi đến đâu vì nó chỉ là trò mơ mộng viển vông của tuổi học trò. Nhưng để ghi nhớ mối tình thơ dại đó, Dũng đã ghép tên mình với họ của cô bé. Cái tên Đoàn Dũng ra đời từ đó" - NSND Doãn Châu kể lại.
NSƯT - họa sĩ Trịnh Xuân Chính đúc kết: "Tất cả những việc mà NSND Đoàn Dũng làm đều xuất phát từ nghĩa tình. Ông chưa bao giờ khiến mình phải băn khoăn vì quyết định sai lầm".
Làm chiến sĩ trước khi làm nghệ sĩ
Hơn nửa thế kỷ qua, NSND Đoàn Dũng đã ghi dấu ấn vinh quang trong sự nghiệp nghệ thuật của mình. Nhưng trước khi làm nghệ sĩ, ông từng là chiến sĩ. Ông học trung học tại Hà Nội, đến năm 1957 tốt nghiệp tú tài. Năm 1958, ông tình nguyện vào quân đội.
Ở đơn vị mới, ông được phân công thêm việc dạy học văn hóa cho chiến sĩ, ngoài việc học nghiệp vụ quân đội là trắc địa. Những năm tháng đó là hành trang quý cho đời nghệ sĩ của ông sau này, nhất là trong những vai diễn bộ đội.
Năm 1961, Hà Nội mở 2 trường nghệ thuật: Trường Điện ảnh Việt Nam và Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam. Đây là 2 trường nghệ thuật đầu tiên mở theo hệ chính quy, đào tạo theo giáo trình của Liên Xô. Bạn bè ở Hà Nội viết thư lên đơn vị động viên ông về thi tuyển, vì thấy ông có năng khiếu. Ông đã trúng tuyển Trường Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam khóa đầu tiên. Khi ra trường, ông về công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Sau đó, ông thi vào và tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.
NSND Đoàn Dũng đã tạo ấn tượng đậm nét qua một số vở diễn sân khấu tiêu biểu: "Một đêm giông tố", "Nguyễn Văn Trỗi", "Bên hàng rào Tà Cơn", "Sang sông", "Âm mưu và tình yêu", "Trưởng giả học làm sang" (Molière), "Những bông hoa anh túc", "Bay trước mùa xuân", "Hận thù từ đâu tới", "Chuông đồng hồ Điện Kremlin", "Khúc thứ ba bi tráng", "Người cầm súng", "Người cha thô bạo", "Vụ án người đốt đền" (Erostrate), "Nghêu Sò Ốc Hến", "Nhân danh công lý", "Nila cô gái đánh trống trận", "Đêm đen Hoa pháo", "Đôi mắt", "Bài ca Điện Biên"… Đặc biệt là vai Erostrate trong vở "Kẻ đốt đền" đã làm say đắm bao trái tim khán giả vì ông diễn hết sức xuất thần.
"Đoàn Dũng đã trở thành một trong những nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc nhất của sân khấu nước nhà của nhiều thập kỷ. Những vai diễn đó là khuôn mẫu trong đào tạo khi anh đứng trên bục giảng" - NSND Doãn Châu khẳng định.
Về điện ảnh, NSND Đoàn Dũng đã tham gia các phim tiêu biểu như: "Bức tường không xây", "Biển lửa", "Độ dốc", "Rừng O Thắm", "Ngõ hẹp", "Cha và con", "Em bé Hà Nội", "Tình yêu bên bờ vực thẳm", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm", "Thủ lĩnh áo nâu" (Đề Thám), "Trừng phạt", "Dòng sông thơ ấu", "Trái đắng", "Nàng Hương", "Nguyễn Đình Chiểu", "Ngọn tháp Hà Nội", "Đất và lửa Ninh Thành Lợi", "Đứa con kẻ tử tù", "Nàng Xê Đa"… Tất cả những vai diễn này đều để lại ấn tượng đậm nét trong lòng công chúng và là khuôn mẫu sáng tạo cho các thế hệ nghệ sĩ trẻ tiếp bước trên con đường nghệ thuật.
Hết lòng trên bục giảng
Sau này, ông vào Nam làm giảng viên Trường Cao đẳng Sân khấu và Điện ảnh TP HCM, rồi làm hiệu phó, sau đó là hiệu trưởng nhà trường, đào tạo nhiều thế hệ đạo diễn, diễn viên giỏi cho sân khấu khu vực phía Nam.
"Ông là bậc thầy về diễn xuất, đạo diễn với nhiều thành tựu rực sáng trên bầu trời nghệ thuật nước nhà. Những ý kiến nhận xét của ông rất có giá trị cho việc đúc kết kinh nghiệm giảng dạy. Ông còn là vị hiệu trưởng có nhiều công lao đóng góp đối với Trường Nghệ thuật Sân khấu II, sau đó nâng cấp thành cao đẳng, rồi đại học. Qua các bước phát triển đều có công lao đóng góp của ông" - đạo diễn - NSƯT Nguyễn Công Ninh xúc động nói.
Ông đã viết nhiều giáo trình giảng dạy, đưa nhiều phương pháp đào tạo mới về mặt bố cục sân khấu, phân tích tâm lý nhân vật qua những kinh nghiệm thực tiễn mà ông đã đúc kết qua hàng trăm vai diễn trên sân khấu, trên phim trường.
Mãi mãi khán giả không quên nhân vật Erostrate của ông - "Kẻ đốt đền" không bao giờ chết.
NSND Đoàn Dũng tên thật là Nguyễn Anh Dũng, sinh ngày 15-8-1939, tại TP Hà Nội.
Ông được nhà nước phong tặng các danh hiệu: NSƯT đợt 1 năm 1984, NSND đợt 4 năm 1997; năm 1999, được trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì ; Huân chương Lao động hạng nhì. Ngoài ra, ông còn được trao Huy chương Vì sự nghiệp Nghệ thuật Sân khấu, Huy chương Vì sự nghiệp Nghệ thuật Điện ảnh, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật. Bằng khen của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về danh hiệu Giảng viên dạy giỏi cấp bộ.
Tang lễ của NSND Đoàn Dũng được tiến hành tại Nhà Tang lễ TP HCM (25 Lê Quý Đôn, quận 3, TP HCM). Lễ truy điệu lúc 8 giờ ngày 19-9. Sau đó, đưa đi hỏa táng tại Thủ Đức. Tro cốt sẽ được đưa về quê nhà Hà Nội.
Bình luận (0)