. Phóng viên: Điều gì khiến chị trăn trở nhất hiện nay?
- NSND KIM XUÂN: Trong giai đoạn này, thói quen của chúng ta vào mỗi sáng là đọc tin tức để nắm tình hình dịch Covid-19. Mỗi con số ghi nhận thêm ca mắc Covid-19 làm tim tôi đau thắt. Điều này cũng có nghĩa khuya hôm qua, lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch đã phải oằn mình triển khai cách ly, khoanh vùng, lập chốt phong tỏa, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm...Thế nhưng, lại có nhiều trường hợp người dân ý thức kém như tụ tập ăn nhậu, khai báo y tế thiếu trung thực.
. Theo chị, để việc tuyên truyền ý thức phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả, cần phải làm gì?
- Ở góc độ nghệ sĩ, chúng tôi đã tham gia hỗ trợ hết mình cho lực lượng tình nguyện viên ở các điểm nóng như: Gò Vấp, quận 12 do Nhà Văn hóa Thanh Niên tổ chức. Để thực hiện thành công công tác phòng chống dịch lần này, cần lắm sự chung sức, chung lòng của tất cả người dân. Thay vì lên trang cá nhân chỉ trích, lên án việc gì chưa hài lòng thì hãy lan tỏa tinh thần yêu thương, đó mới là vai trò của người nghệ sĩ trên chiến trận chống dịch căng thẳng hiện nay.
. Khi dịch bệnh được kiểm soát, chị sẽ thực hiện điều gì?
- Phải trả nợ những cảnh quay bộ phim dài 80 tập của đạo diễn Nguyễn Minh Chung. Sau đó là dành thời gian cho các lớp đào tạo của sân khấu, điện ảnh. Các diễn viên trẻ hiện nay thông minh và sáng tạo lắm, tôi muốn dốc sức cùng với đồng nghiệp truyền cho các em kinh nghiệm làm nghề mà mình đã từng trải. Trước sự tác động của trang mạng xã hội, góc nhìn tiêu cực, phiến diện đã phần nào khiến các diễn viên trẻ tâm tư. Tôi sẽ đồng hành cùng họ để góp phần cho ra đời những "tân binh" chuẩn mực trên mặt trận văn hóa - nghệ thuật.
. Cụ thể đó sẽ là những lớp học nào? Nghệ sĩ đứng trên bục giảng cần điều kiện gì hiện nay?
- Sân khấu kịch Quốc Thảo, Hồng Vân đã mời tôi. Hội Sân khấu TP HCM do Ban Lý luận phê bình sẽ tổ chức các buổi "Giao lưu truyền nghề". Tôi háo hức lắm và đã soạn ngay những chuyên đề để nói chuyện cùng các bạn trẻ. Nghệ sĩ làm công tác sư phạm khó gấp trăm lần thầy cô ngành nghề khác. Ngoài kiến thức chuyên môn còn phải là tấm gương đạo đức và ý thức công dân. Tôi muốn truyền đến các em hình ảnh năng động, sáng tạo, nghĩa tình của người dân Sài Gòn - TP HCM trong sự phát triển mạnh mẽ của thành phố. Chương trình "Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch" do Báo Người Lao Động tổ chức đã đến với rất nhiều người dân và lực lượng tuyến đầu là một minh chứng.
NSND Kim Xuân. (Ảnh: THANH HIỆP)
. Chị có nghĩ đến việc sẽ soạn giáo trình giảng dạy của riêng mình?
- Giáo trình của tôi chỉ là nói về những bài học kinh nghiệm của chính mình. Tôi sẽ đi theo 3 phân khúc về sân khấu, điện ảnh và truyền hình. Tôi có xem khóa đào tạo của Sân khấu Quốc Thảo, nhận thấy các em rất chuyên cần và thông minh, nhạy bén. Nhưng để tiến xa hơn thì các em phải xác định từng phân khúc mình cần học. Từ đó, giáo viên sẽ đi vào từng chuyên đề để hướng dẫn. Tôi thích lên lớp trong không gian giao lưu, trò chuyện hơn là rập khuôn lý thuyết.
. Ẩn số khán giả sau đợt bùng dịch này theo chị là gì?
- Khán giả cần nghệ sĩ thăng hoa với nghề thật sự. Làm tốt vai trò sáng tạo chứ không sống ảo. Giải mã được ẩn số đó, các sàn diễn, rạp phim sẽ đông khán giả đến xem.
. Ở nhà mùa dịch, chị làm gì?
- Trồng rau, làm vườn. Tôi có một mảnh đất ở Củ Chi nên hai vợ chồng chuyên cần canh tác. Khẩu hiệu vui của vợ chồng tôi: "Ở nhà là yêu nước, ở vườn là yêu rau".
. Khán giả cần thấy Kim Xuân xuất hiện khác hơn những vai họ đã quen nhìn chị trên sân khấu và màn ảnh. Đó có là áp lực?
- Đó là đòi hỏi hợp lý để người nghệ sĩ luôn làm mới mình. Đời nghệ thuật cần những áp lực, thiếu nó sẽ tự ảo tưởng về thành công cũ.
. Con trai theo nghề ca sĩ, mẹ là nghệ sĩ nổi tiếng. Mái ấm của chị có gặp "sóng gió"?
- Về đến nhà thì tôi dẹp danh hiệu và không để công việc xóa đi bổn phận làm vợ, làm mẹ. Con trai tôi có gia đình rồi, cháu cũng áp dụng cách như mẹ để không có những "cơn bão" ập vào nhà mình.
Bình luận (0)