Cho đến nay, NSND Lệ Thủy vẫn thong dong, vững chãi bước tiến với nhiều thành tựu lớn về nghề nghiệp; trên hết là tinh thần thiện nguyện vì sự khốn khó của người nghèo trên cả nước.
* Phóng viên: Mỗi mùa xuân đến khi nhắc về Giải Mai Vàng do Báo Người Lao Động tổ chức, bà có suy nghĩ gì?
NSND LỆ THỦY
- NSND LỆ THỦY: Khi sắc trời thay đổi, diện mạo thành phố nói riêng và cả nước chớm xuân thì tôi nghĩ ngay đến Giải Mai Vàng. 28 năm rồi, một chặng đường đáng nể của một giải thưởng vẫn còn giữ nguyên vẹn tình cảm, uy tín, độ tin cậy đối với văn nghệ sĩ cả nước. Phải nói là tôi biết ơn bạn đọc của Giải Mai Vàng, tức bạn đọc, khán giả của Báo Người Lao Động, họ là những "khán giả quyền lực" khi thay mặt ban giám khảo để bầu chọn, đưa ra kết quả cuối cùng, vinh danh sự lao động nghệ thuật trong một năm miệt mài của người nghệ sĩ.
* Hành trình 28 năm của Giải Mai Vàng đã luôn gắn kết văn nghệ sĩ cả nước nhằm truyền thêm năng lượng tích cực để họ nỗ lực lao động sáng tạo. Bà đề xuất điều gì để giải thưởng ngày càng nâng cao tính chuyên nghiệp, nhân văn hơn trong đời sống văn hóa nghệ thuật hiện nay?
- Sau nhiều lần đoạt giải, từ năm 2010, tôi chính thức tuyên bố rút tên khỏi danh sách đề cử hằng năm để nhường cơ hội cho đàn em. Sau tôi thì MC Thanh Bạch và năm nay là NSƯT Thoại Mỹ đã thực hiện ý niệm tốt đẹp đó. Giải Mai Vàng đã làm tốt sứ mệnh động viên, khích lệ để sau một năm anh chị em nghệ sĩ hội tụ lại trong đêm trao giải, nhìn ngắm thành quả của mình. Tuy nhiên, mỗi lĩnh vực chỉ có 1 tượng Mai Vàng dành cho nam, nữ diễn viên. Nếu xét về bình diện chung rất cần nhân rộng hiệu quả khi mở rộng thêm giải thưởng "Nghệ sĩ có nhiều sáng tạo mới".
Các lĩnh vực như: múa, xiếc, ảo thuật, nhạc cụ dân tộc, hóa trang, thiết kế trang phục sân khấu - điện ảnh - phim truyền hình, hòa âm - phối khí âm nhạc..., những nghệ sĩ đứng sau sự thành công của một tác phẩm nghệ thuật, họ cũng cần được động viên, vinh danh.
Nên chăng mỗi năm ban tổ chức chọn 10 gương mặt tiêu biểu của các lĩnh vực để trao giải "Nghệ sĩ có nhiều sáng tạo mới" trong năm mà hội đồng nghệ thuật sẽ tư vấn, đội ngũ phóng viên văn hóa - văn nghệ đề cử.
NSND Lệ Thủy trong một chuyến thiện nguyện. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
* Với công tác thiện nguyện, bà đã làm tốt vai trò người nghệ sĩ vì cộng đồng, san sẻ những yêu thương đến người nghèo khó, hoạn nạn. Để bền bỉ với công việc này, bà đã mài giũa nghị lực của mình như thế nào trước nhiều khó khăn về kinh tế, sức khỏe và thời gian?
- Trước hết, tôi làm việc thiện vì sự báo đáp đối với khán giả đã nuôi sống nghệ sĩ bằng việc mua vé xem nghệ thuật. Mấy mươi năm sống trong thế giới màn nhung, được bà con khán giả yêu thương thì tôi phải có trách nhiệm đền bù sự yêu thương đó bằng việc giúp đỡ những người đang cần mình. Tôi có một nhóm bạn thân hữu cùng tâm nguyện, cứ sau mỗi đợt bão lũ, thiên tai hoặc các hội phụ nữ ở các vùng miền kêu gọi là tôi và nhóm bạn lại lên đường.
Đúng là khó có thể sắp xếp lịch diễn, thời gian đầy áp lực và trên hết là có khi kinh tế khó khăn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng vượt qua. Nghị lực làm tốt trọng trách đó chính là không nản lòng, khó chỗ nào gỡ chỗ đó để hoàn thành trọng trách.
* Dự án của bà trong năm 2023? Khán giả vẫn còn yêu mến bà qua giọng ca vượt thời gian?
- Khởi đầu cho năm 2023 là tôi sẽ có mặt trong ca cảnh "Tự hào cờ Tổ quốc" sẽ diễn tại lễ trao Giải Mai Vàng lần thứ 28-2022. Sau đó, tôi sẽ cùng NSND Minh Vương tái lập lại hoạt động của Sân khấu Vàng mà Nhà hát Trần Hữu Trang tổ chức. Chúng tôi vẫn giữ nguyên tiêu chí "mỗi suất hát trao tặng 1 căn nhà tình thương" như chúng tôi đã làm từ năm 2007.
Bây giờ lớn tuổi rồi, sức khỏe không cho phép diễn trọn vẹn một vở tuồng, tôi và anh Minh Vương sẽ diễn trích đoạn, song ca cổ hoặc diễn một cảnh trong vở để nâng đỡ đàn em. Vở đầu tiên Sân khấu Vàng tái diễn sẽ là "Tình mẫu tử", sau đó là "Sông dài", "Lá sầu riêng", "Lôi Vũ"… quy tụ nhiều nghệ sĩ đã từng đoạt Giải Mai Vàng.
Bình luận (0)