NSND Minh Vương chỉ đạo diễn xuất cho các diễn viên CLB Sân khấu Lạc Long Quân
"Ngày này cách đây 74 năm, nhân dân Nam Bộ chưa kịp hưởng niềm vui hòa bình, độc lập, tự do thì đã cầm súng chiến đấu để giữ vững nền độc lập vừa giành được. Dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam kỳ, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã anh dũng đánh trả quyết liệt với lời thề thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Nhớ đến ngày nay, giới nghệ sĩ sân khấu đã hướng đến những việc làm thiết thực. Tôi và các diễn viên của CLB Sân khấu Lạc Long Quân nhận được chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM đưa chương trình Sân khấu học đường đến trường học, khởi đầu cho 50 suất diễn trong năm học 2019 - 2020" - NSND Minh Vương tâm sự.
Vở kịch "Trần Quốc Toản ra quân" chào mừng ngày Nam Bộ kháng chiến tại Trường PTTH Thủ Thiêm, quận 2, TP HCM
Theo ông, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nghệ thuật sân khấu truyền thống nước ta đang gặp khó khăn. Chính vì thế đưa sân khấu vào học đường nhằm đào tạo một thế hệ khán giả trẻ tiếp cận, hiểu về nghệ thuật dân tộc (NTDT), tạo dựng một tầng lớp công chúng đến với sân khấu truyền thống. NSND Minh Vương đã cố vấn cho CLB Sân khấu Lạc Long Quân dàn dựng hai vở: "Trần Quốc Toản ra quân" và "Triệu Thị Trinh" để lưu diễn quanh các trường học trong năm 2019.
Các diễn viên CLB Sân khấu Lạc Long Quân trực thuộc Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh TP HCM
"Mục đích của chương trình này là tăng cường giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, giáo dục những hiểu biết về văn hóa - xã hội thông qua việc giới thiệu những tinh hoa của NTDT. Đồng thời, giảng dạy các kiến thức về bộ môn nghệ thuật cải lương, kịch nói và những ca khúc mang âm hưởng dân ca cho học sinh THPT, THCS nhằm tạo ra một đội ngũ công chúng trẻ có hiểu biết, có nhận thức đúng, thẩm thấu những cái hay, cái đẹp, giá trị tinh hoa của NTDT. Điều này giúp các em thêm yêu thích, biết trân trọng, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, xem đó là trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhìn thấy các em hồ hởi đón nhận, tôi rất vui và tất cả diễn viên đều phấn khởi" – Khôi Nguyên vọng cổ 1964 chia sẻ.
Ðược triển khai từ năm 2017 đến nay, chương trình Sân khấu học đường đã có sự chuyển biến trong nhận thức về nghệ thuật sân khấu dân tộc ở một bộ phận không nhỏ học sinh ở TP HCM.
Diễn viên điện ảnh Huỳnh Quý giao lưu với học sinh trong ngày Nam Bộ kháng chiến (chương trình Sân khấu học đường)
Có thể nói việc thực hiện chương trình Sân khấu học đường bước đầu đã tạo được ảnh hưởng lớn trong các trường THPT, THCS và được sự ủng hộ của dư luận xã hội và các phương tiện truyền thông đại chúng. "Các học sinh từ không hiểu, không thích, đã hiểu và yêu NTDT nhiều hơn, tạo cho các em có sân chơi bổ ích, có cuộc sống tinh thần trong sáng, lành mạnh, vui khỏe, lạc quan để học tập tốt và bồi dưỡng thế giới nội tâm, nhân cách, lối sống, những khát vọng, hoài bão, ước mơ của tuổi trẻ theo truyền thống của cha ông" - NSND Minh Vương đúc kết.
NSND Minh Vương vui mừng với dự án sân khấu học đường qua 50 suất diễn phục vụ học sinh
Bình luận (0)