Phóng viên: Bước sang năm mới, thập niên mới, bà trăn trở điều gì trước diện mạo sân khấu hôm nay?
- NSND NGỌC GIÀU: Trăn trở lớn nhất của tôi là thế hệ diễn viên trẻ của sân khấu truyền thống hôm nay không có nhiều cơ hội để tỏa sáng. Nghề diễn là đào luyện, thực hành nhưng hiếm có vở hay, kịch bản tốt để các em thể hiện. Mỗi lần được mời tham gia vở mới, từ kịch cho đến cải lương, tôi đều đề nghị chọn nhân tố mới vào tuyến nhân vật chính. Tôi đồng hành cùng họ để truyền nghề, chỉ có vậy mới không áy náy là mình cứ than trách mà không vận động chính mình để thay đổi, chuyển biến những cái dở trong đào tạo, rèn luyện.
NSND Ngọc Giàu Ảnh: THANH HIỆP
Bà có nghĩ sẽ sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để lan truyền những việc tích cực, những thông điệp nhân văn đến xã hội bên cạnh các vai diễn đồng hành cùng diễn viên trẻ?
- Tôi vẫn làm điều đó. Đầu năm được mời ngồi "ghế nóng" cuộc thi "Tài tử miệt vườn" ở Đồng Tháp, tôi chú tâm đến những tài tử thứ thiệt, chân lấm tay bùn, có người làm công việc chạy xe ôm, đi chăn vịt, lần đầu bước lên sân khấu lớn được dàn dựng hoành tráng. Thông điệp đẹp của cuộc thi chính là chọn những người như tôi thời trẻ, đi lên từ sự nghèo khó, có đam mê, khát vọng biến năng khiếu thành nghề nghiệp, với mong ước thoát nghèo, thoát khổ bằng chính tài năng của mình. Sân khấu cải lương đã bỏ mất công đoạn tìm kiếm nguồn nhân lực từ lực lượng tài tử chính hiệu này nên hiếm có người tài. Hãy chọn họ, đừng áp đặt đòi hỏi phải có bằng tốt nghiệp THPT, phải có tri thức cao, vì họ chỉ có giọng ca và niềm đam mê. Buộc họ khác đi, chuẩn hóa đào tạo cho họ chỉ có thể sau khi họ là diễn viên chuyên nghiệp.
Bà đề xuất giải pháp gì để nguồn nhân lực cho sàn diễn cải lương có được người tài?
- Tại sao khoa đào tạo diễn viên các trường không mời hết thí sinh đã vào vòng bán kết từ các cuộc thi: "Chuông vàng vọng cổ", "Bông lúa vàng", "Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền", "Vọng cổ Út Trà Ôn"… tuyển thẳng họ vào khoa kịch hát dân tộc, cấp học bổng, khuyến khích họ học tập.
Hội Sân khấu TP HCM và Nhà hát Trần Hữu Trang phối hợp đặt hàng tác giả sáng tác đúng kịch bản khán giả đang cần. Đào tạo đội ngũ tác giả trẻ, đạo diễn trẻ cũng là điều phải tính. Vì sau thế hệ của Trần Ngọc Giàu, Hoa Hạ, Hoàng Song Việt, ai sẽ viết, dựng cải lương?
NSND Ngọc Giàu trong vở “Lò heo quay - bố già” diễn tại Nhà hát Bến Thành đầu năm 2020 Ảnh: THANH HIỆP
Tiếp nối những thành tựu của sân khấu cải lương, Giải thưởng Trần Hữu Trang được lãnh đạo TP chọn một trong 13 lễ hội văn hóa trọng tâm của TP HCM đưa ra trưng cầu ý kiến người dân để đầu tư phát triển. Bà nghĩ gì về thành quả và sự hiện diện trở lại của giải thưởng uy tín này trong năm nay?
- Vui lắm. Phải nhắc ngay đến tác giả Lê Duy Hạnh, ông là kiến trúc sư giỏi thiết kế cuộc thi này. Nó kế thừa từ thành tựu của giải Huy chương vàng (HCV) Thanh Tâm mà tôi vinh dự được trao HCV triển vọng năm 1960 và HCV xuất sắc 1967. Tôi kỳ vọng kết quả của giải này năm nay sẽ giải quyết bài toán xây dựng sự chuẩn mực của sàn diễn cải lương, tạo nên môi trường làm nghề tốt hơn cho nghệ sĩ, góp phần lan tỏa những điều tích cực.
TP đang trên đà xây dựng hệ sinh thái văn hóa. Bà kỳ vọng gì để sân khấu cải lương được đóng góp tích cực hơn cho nỗ lực này?
- Giống với những thực trạng của nhiều thành phố khác trên thế giới mà tôi đã đến, TP của chúng ta đang phải đối mặt với sự phát triển của đô thị cùng với việc gìn giữ bản sắc văn hóa. Sinh thời, GS-TS Trần Văn Khê đã nói nhiều đến vấn đề này, cần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Không chỉ quan tâm đến một công trình hay nhóm công trình riêng lẻ mà luôn cố gắng bảo tồn gắn kết tổng thể. Di sản văn hóa, trong đó có nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ không chỉ tồn tại mà còn "sống" được trong bối cảnh đô thị hiện đại, góp phần xây dựng nên đô thị phát triển có bản sắc, giàu văn hóa, hấp dẫn trong thời gian tới. Nghệ thuật cải lương cũng cần sớm được lập hồ sơ để trình tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là niềm tự hào của chúng tôi, những nghệ sĩ đã chăm sóc vườn hoa nghệ thuật tại TP, được xem là trung tâm văn hóa lớn của cả nước.
Vấn đề xã hội nào bà quan tâm nhất hiện nay?
- Năm 2020, bắt đầu một thập niên mới với niềm hy vọng mới, tôi thấy vấn đề rác thải ở TP là căng nhất. Muốn văn minh, hiện đại, nghĩa tình và hướng tới thành phố văn hóa xanh, vấn đề rác phải được xử lý nghiêm túc. Sáng ra đã thấy rác khắp đường phố: xác chuột chết, rác nhựa, rác hữu cơ nằm khắp nơi từ đại lộ cho đến những con hẻm. Việc cố gắng xây dựng ý thức thực hiện trường học xanh, phân loại rác thải rất cần đưa lên sàn diễn, từ kịch cho đến cải lương. Đây là xu hướng mới trong tương lai để qua các bài hát, vở diễn, công chúng ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác.
Hiện nay, công tác quản lý sân khấu đang là vấn đề nan giải của ngành sân khấu Việt Nam. Bà có nghĩ đến giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho công tác quản lý?
- Tôi từng nghe một số vị lãnh đạo của TP nói trong các cuộc gặp gỡ văn nghệ sĩ là trong 10 năm tới, chúng ta sẽ có nhiều lãnh đạo trẻ, tham gia và khởi xướng nhiều chương trình nghệ thuật lớn. Nhưng phải nói ngay là sân khấu mang nét đặc thù nên phải giao việc trước khi chọn người. Họ phải có sự am hiểu, có day dứt trước những vấn đề sống còn của sân khấu thì họ mới dấn thân. Còn giao việc chỉ để họ giữ cái ghế cho hết nhiệm kỳ thì chẳng làm được gì cho sân khấu.
Mong muốn của bà ở đây là gì?
- Tìm ra những biện pháp có ích cho sân khấu, cùng nhau dựng lên một môi trường văn hóa xanh tươi cho thành phố. Là nghệ sĩ có hơn 50 năm cống hiến, tôi mong muốn các bạn trẻ làm nghề sân khấu hãy học tập và xây dựng nhân cách thật tốt để trở thành nghệ sĩ công dân tốt, đóng góp cho đất nước. Các cấp quản lý hãy ngồi lại và làm chứ đừng hội thảo, tọa đàm nữa. Hãy áp dụng những biện pháp hữu hiệu nhằm khôi phục và bảo vệ di sản văn hóa, trong đó có nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, sân khấu cải lương cho cuộc sống hôm nay và mai sau.
Lời khuyên gửi đến nghệ sĩ trẻ
NSND Ngọc Giàu nói bà đã từng thiếu thốn điều kiện đến trường lúc còn trẻ vì gia cảnh quá nghèo. Cái nghèo khiến bà phải bỏ học và đối mặt với cuộc sống vất vả. "Chọn nghề hát sau nhiều năm theo người anh đi hát gánh sơn đông mãi võ, dù xuất phát điểm của tôi không cao nhưng với ý chí phấn đấu và tinh thần học hỏi bền bỉ tôi đã trở thành người nghệ sĩ được công chúng yêu thương" - NSND Ngọc Giàu tâm sự. NSND Ngọc Giàu gửi lời khuyên đến thế hệ diễn viên trẻ hãy chuẩn bị cho mình cái đầu nóng và trái tim ấm, cùng tinh thần luôn biết đương đầu để tiếp tục chinh phục những hoài bão lớn.
Bình luận (0)