NSND Ngọc Giàu
Bà trăn trở với sự khó khăn của sân khấu cải lương khi lực lượng soạn giả và đạo diễn chuyên nghiệp ngày càng thưa thớt. "Tuy nhiên, có một hiện tượng lạ, trong hoàn cảnh không mấy lạc quan, số lượng đoàn hát xã hội hóa ngày một nhiều. Sau sân khấu Lê Hoàng, Kim Tử Long, đã có thêm Chí Linh – Vân Hà, Vũ Luân cùng hòa vào việc làm cho sân khấu sáng đèn. Điều quan trọng, họ là những người có tần suất hoạt động dồi dào và ngày càng chinh phục được giới chuyên môn lẫn khán giả bởi sự năng động đáng khen. Đội ngũ tác giả nữ của sân khấu TP HCM cũng đã có nhiều ngòi bút khả quan" – NSND Ngọc Giàu vui mừng chia sẻ.
Theo bà, ngoài nữ soạn giả đầu tiên của cải lương là NSND Bảy Nam, sau này tiếp nối có thêm soạn giả Nhị Kiều, thì những năm gần đây đã xuất hiện thêm Võ Tử Uyên, Tô Thiên Kiều, Hà Nam Quang, nữ đạo diễn thì có Ca Lê Hồng, Hoa Hạ, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Kim Phương, Hồng Dung….đã "tả xung hữu đột", tạo thêm nhiều vở diễn đậm chất nữ tính cho cải lương.
NSND Ngọc Giàu và NS Kiều Mai Lý
Theo NSND Ngọc Giàu, để có kiến thức đủ trở thành tác giả, những ngòi bút chuyên viết về cải lương phải phải học hỏi, nghiên cứu và làm việc không ngừng. "Điều đáng quý từ các nữ soạn giả trẻ và nữ đạo diễn là cái tâm làm nghề vô cùng trong sáng. Thu nhập của nghề soạn giả cải lương hiện rất thấp do hoàn cảnh kinh tế và cách thức tổ chức. Nhuận bút vở diễn không được trả theo tổng doanh thu 6% một suất, mà thường chấp nhận mua đứt bán đoạn. Dù biết rằng nghề sáng tác và dàn dựng không thể đảm bảo một cuộc sống đầy đủ để họ yên tâm với nghề. Nhưng rồi họ vẫn tiếp tục sáng tác. Tình yêu của họ dành cho bộ môn nghệ thuật truyền thống khiến cho tôi vô cùng ngưỡng mộ. Theo tôi muốn cứu và đưa cải lương đến với công chúng trẻ, thì phải đầu tư cho khâu sáng tác, bởi đó là xương sống của sàn diễn"- NSND Ngọc Giàu nhấn mạnh.
Bà bày tỏ sự ngao ngán khi hiện nay, các khâu sân khấu cải lương đều không làm theo bài bản. Qua liên hoan cải lương mà báo chí và nghệ sĩ đồng nghiệp phản ảnh, bà cho rằng không thể chấp nhận kiểu đạo diễn làm ăn chụp giật 3-5 ngày dựng một vở, diễn viên không thuộc kịch bản nên diễn sâu không và cứ thế nhân vật hời hợt… "Sân khấu luôn đòi hỏi có tiếng nói đổi mới, đọng lại điều gì nơi người xem khi cuộc sống đương đại đã bị bỏ quên trong sáng tác của đội ngũ cầm bút. Muốn chào mừng một thế kỷ sân khấu nhưng tiền đồ của sân khấu lại quá tối, không có lực lượng kế thừa để đặt niềm tin thì xem như khó mà thanh thản khi nghĩ đến nghề" – NSND Ngọc Giàu kiến nghị việc phải đầu tư cho đội ngũ sáng tác, đó là điều tất yếu.
NSND Ngọc Giàu và NS Thy Trang trong vở "Nửa đời hương phấn"
Tác giả Võ Tử Uyên bắt đầu viết bài vọng cổ đầu tiên năm lớp 12 – 1992, sau đó gửi đến đài phát thanh, đài truyền hình và được sử dụng năm 1997. Trong thời gian học đại học, cô sáng tác vở "Duyên tình lạc bến". Vài năm sau viết tiếp vở "Người chị và mấy đứa em". Năm 2011, cô được đánh giá cao qua vở "Bến nước Ngũ Bồ". Nhưng trước đó đã tạo được sự chú ý qua một loạt kịch bản "Gió thổi bên sông" (video cải lương đặt hàng, Vũ Linh, Tài Linh diễn), "Con yêu", "Một kết cuộc" (chuyển thể kịch của Hoài Ân. HTV dàn dựng với sự tham gia của các nghệ sĩ: Trinh Trinh, Ngân Tuấn, Trọng Nghĩa), "Em tôi" (HTV dàn dựng với Quế Trân, Tấn Giao, Võ Minh Lâm)….
Soạn giả Tô Thiên Kiều sinh ra trong gia đình truyền thống có cha là soạn giả Linh Quân. Cô quyết tâm nối nghiệp cha. Cô đã được soạn giả Hoàng Song Việt chỉ dẫn để tiếp cận với nghề sáng tác. Đến nay, cô cũng đã có hơn 10 kịch bản cải lương và biên tập cho nhiều chương trình cải lương của các nghệ sĩ nổi tiếng.
Soạn giả Hà Nam Quang là một tên tuổi lớn trong giới cổ nhạc tại miền Tây. Mặc dù sinh sống tại An Giang nhưng bà vẫn không luôn hướng tới những hoạt động cải lương chuyên nghiệp. Đến nay, Hà Nam Quang đã sáng tác hơn 20 vở diễn, cùng hàng trăm bài ca cổ được khán thính giả yêu thích.
Bình luận (0)