NSND Ngọc Giàu năm 16 tuổi
Phóng viên: Dân gian có câu "Khôn đâu tới trẻ, khỏe đâu tới già", và "Thầy già con hát trẻ". Bởi vậy, đã là các cuộc thi, về nguyên tắc những người làm giám khảo, hay huấn luyện viên đào tạo thí sinh phải xứng tầm là thầy, có chuyên môn sâu, uy tín cao. Với vị trí một người nghệ sĩ đi trước, đã đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp từ giải Thanh Tâm cho đến danh hiệu NSND. Bà sẽ có những lời khuyên gì dành cho các diễn viên trẻ?
NSND Ngọc Giàu: Đâu đó trong giới sân khấu vẫn còn nghe những chuyện phê phán, trách móc nhau về những người trẻ nổi tiếng nhờ tôi, nhờ sân khấu này, công ty nọ nhưng họ phản phúc, trở mặt. Tôi và nhiều anh chị tiền bối nghe rất buồn. Sở dĩ mỗi năm vào ngày truyền thống sân khấu, nghệ sĩ tụ họp rất đông để thắp hương cầu nguyện Tổ nghiệp chính là vì họ có đức tin làm nghề, có Tổ nghiệp minh chứng cho việc làm của họ. Sự phản phúc, sống ích kỷ, vì lợi nhuận của bản thân, quên ơn người gieo duyên để mình có thành tựu trong nghề, tự khắc có Tổ nghiệp chứng giám. Theo tôi thay vì cứ mắng chửi, nói xấu, phê phán hoặc tìm cách triệt hạ nhau thì hãy dành thời gian của mình mà làm trọn việc hữu ích cho nghề. Còn ai sống khác với lời nguyện khi mới vào nghề ắt sẽ có Tổ nghiệp soi xét. Vai trò làm thầy thì phải bao dung, ngồi vị trí giám khảo, huấn luyện đều phải có tác phẩm, có thành tựu, chứ không thể chỉ ỷ vào danh tiếng. Mà danh tiếng ngày nay dễ tìm quá. Chỉ cần làm trò thiếu sự kiểm soát hành vi, tức ngày mai sẽ nổi danh ngay. Nhưng với thế hệ nghệ sĩ chúng tôi, được giới chuyên môn công nhận, được khán giả tin yêu thì đó là việc không thể tính chỉ bằng vài ngày, vài giờ trên các trang mạng xã hội.
NSND Ngọc Giàu với dĩa hát "Nợ tình" phát hành đạt kỷ lục năm 1964
* Như bà nói, với các gameshow thi tài năng trên truyền hình trước đây cũng vậy, người ngồi ở vị trí "cầm cân nảy mực" phải là những nghệ sĩ có bề dày hoạt động nghệ thuật, có uy tín và tài năng chuyên môn được trong giới, khán giả và xã hội thừa nhận, kính trọng. Vậy tại sao, bên cạnh các game show dành vị trí giám khảo, huấn luyện viên cho những nghệ sĩ tên tuổi và có chuyên môn cao, thì vẫn có một số game show hoặc chương trình truyền hình thực tế lại chọn người trẻ không có chuyên môn?
-Theo tôi, hiện nay thị trường game show thi thố tài năng chỉ tập trung vào lĩnh vực ca nhạc, hay hài hước nên đã bị bão hòa. Bên cạnh đó nhà đài cũng đã suy nghĩ đến những lời phê bình gay gắt của khán giả để hướng đến những tiêu chí tạo hiệu ứng khán giả một cách sạch sẻ, có chất lượng nghệ thuật. Rồi nghệ sĩ nào, nhân vật nào có khả năng thu hút được đông khán giả là có thể trở thành giám khảo, hay huấn luyện viên sẽ không còn là xu hướng. Một khi khán giả đòi hỏi tính chuyên môn phải cao. Ngoài ra, những nghệ sĩ giỏi chuyên môn, trên thực tế họ khó chấp nhận việc bị khai thác như "công cụ" để mua vui. Nên rất nhiều nghệ sĩ đã từ chối tham gia làm giám khảo như: NSND Kim Cương, NSƯT Vũ Linh, Phương Hồng Thủy, Hữu Châu, NS Tú Trinh…chẳng hạn. Còn nếu người trẻ mà có sự đầu tư, chịu khó phát huy cao độ những suy nghĩ và cập nhật cái mới để vận dụng khi được mời tham gia, thì sẽ đạt đến trình độ cao, đáp ứng được nhu cầu của khán giả và nhà sản xuất.
NSND Ngọc Giàu và NSƯT Vũ Luân
* Hiện nay đang là thời của internet và mạng xã hội lên ngôi, số đông khán giả - tập trung ở tuổi trẻ có xu hướng thích xem, thích đọc các thông tin "giật gân", đậm màu sắc giải trí. Trong xu hướng sốc, sex, sến để "câu" view, "câu" like của truyền thông, những game show có nhiều "chiêu trò" tất sẽ được ưu ái. Bà có nghĩ nghệ thuật cải lương cần phải thay đổi cách tiếp cận để có được số đông?
- Rất cần. Nhưng không phải bằng cái cách giật gân, câu khách. Ở các nước tiến bộ, nghệ thuật dân tộc được bảo tồn, khiến mỗi sinh viên khi vào đến ngưỡng cửa đại học đều phải chọn một bộ môn nhạc cụ dân tộc của nước mình hoặc ca hát, biểu diễn, điêu khắc dân gian để học. Họ học để biết, để yêu và để góp phần gìn giữ, chứ không phải học để ra làm nghề chuyên nghiệp. Theo tôi, chúng ta cần sự tiếp cận để giới trẻ hiểu và nâng niu, tìm đến với sân khấu cải lương. Tôi không lên án việc các chương trình game show đưa các tiết mục cải lương vào biểu diễn, vì đó là cách để giới trẻ hiểu hơn về cải lương, nhìn thấy xu thế cải lương hiện nay cần hình thức thể hiện mới mẻ. Tôi cảm ơn điều đó. Tuy nhiên cần phải chọn lọc. Cách khai thác cần phải tập trung vào ca diễn, chọn tiết mục xuất sắc, không để các bạn trẻ hiểu lệch lạc về cải lương. Có được khán giả số đông rất cần thiết nhưng không phải số đông hời hợt.
Từ trái sang: nghệ sĩ Thanh Nga, Ngọc Giàu, Lan Chi, Bích Sơn trong lễ trao giải Thanh Tâm năm 1965
* Bà trải qua hơn nửa thế kỷ làm nghệ thuật, nhưng không để dính vào những scandal. Bà có bí quyết chăng?
- Làm nghệ sĩ là càng được mọi người chú ý, bất kể ở nghĩa tích cực hay tiêu cực. Do vậy, hồi đó báo chí cũng có khai thác tôi ở khía cạnh này, ví dụ như khi một đàn chị thất tình tự tử bằng cách cắt đứt cổ tay, may là cứu kịp, sau đó chị ấy nói tôi giựt người yêu của chị, nên chị kết liễu đời mình. Tôi tìm chị hỏi cho ra lẽ, chị nói không có phát biểu với báo chí. Tôi lên tòa soạn báo yêu cầu phải đính chính, nếu không trong suất hát tối nay tại rạp Hưng Đạo, tôi sẽ ra sân khấu nói với khán giả tẩy chay tờ báo này. Hồi đó còn trẻ tuổi nhưng tôi gan lắm, không ai xúi biểu, chỉ tôi tự nghĩ ra cách bảo vệ mình.
Còn về lối sống và tư cách, tôi không làm mất lòng ai, nên không thể thêu dệt chuyện lăng nhăng dính đến tên tôi. Cải lương ngày nay cần có những khán giả trình độ, hiểu biết về nghệ thuật và không đến rạp chỉ vì tò mò muốn biết chuyện đời tư nghệ sĩ. Điều khán giả cần chính là vở diễn hay, vai diễn đẹp. Sàn diễn có sáng đèn và thu hút người xem mua vé là từ hiệu quả nghệ thuật chứ không phải chiêu trò để câu khách.
NSND Ngọc Giàu
Kỳ tới: Lý do không viết hồi ký
Bình luận (0)