. Phóng viên: Trong vòng một tháng, ông nhận được nhiều tin vui liên tiếp, nhận danh hiệu NSND lại có giải Nghệ sĩ ấn tượng của VTV Awards. Các danh hiệu, giải thưởng này có ý nghĩa thế nào với ông?
- NSND Trung Anh: Với diễn viên chuyên nghiệp, tôi tin chẳng ai nghĩ mình làm nghệ thuật để có danh hiệu nọ, giải thưởng kia, nếu không có thì mình không làm. Danh hiệu này hay giải thưởng kia, với tôi chỉ là một phần động viên nào đó. Lúc mình làm nghề, mình có nghĩ đến điều đó đâu. Trên con đường mình đi, có niềm vui đến thì mình vui, thế thôi. Nhưng nói gì thì nói, những giải thưởng cũng là những niềm vui nho nhỏ với các nghệ sĩ.
. Đi qua những buồn vui cuộc đời, những trải nghiệm cuộc sống, ông dường như có nhiều thay đổi ?
- Ai cũng thế thôi, đi qua những thăng trầm, con người cũng biến chuyển theo. Vui, buồn, vấp váp, khó khăn… sẽ làm con người ta già dặn hơn.
. Càng nhiều tuổi, người ta càng sống đơn giản, ông có như vậy không?
- Người khác sống sao tôi không biết, còn mình, tôi thấy càng đơn giản càng dễ sống. Mọi người cứ nghĩ chúng tôi là diễn viên thì cuộc sống thế này thế kia, chứ chúng tôi đơn giản lắm, đến mức bị mọi người chê xuề xòa quá. Tôi ngại tiếp xúc, đến mức sợ tiếp xúc ở chỗ đông người. Tôi thích làm xong việc của mình thì về nhà. Có thể một phần bản tính tôi nó thế, một phần tôi không thích ồn ào, có thể tôi cô độc. Cũng có thể tôi kém về mặt ngoại giao. Càng có tuổi, người ta lại càng muốn tránh xa chỗ ồn ào hơn, trừ những lúc bắt buộc phải xuất hiện.
NSND Trung Anh
. Vậy ngắn gọn, quan điểm sống của ông bây giờ là gì?
- Bình thản trước mọi thứ đến với mình.
Nghĩ đi nghĩ lại, thực ra là tôi may mắn hơn nhiều người. Tôi có một tình yêu với nghề và được sống với nó đến cuối cuộc đời, ít nhất là khi mình về hưu. Công việc là một phần cuộc sống, một phần của hạnh phúc. Nếu mình đam mê nó, mình được làm nó thì đó là một may mắn.
Gia đình với tôi là quan trọng nhất. Đó là nơi tôi cân bằng được cuộc sống sau những sóng gió cuộc đời, chuyện này chuyện nọ. Nhờ có gia đình, tôi nhìn cuộc sống một cách bình thản hơn.
. Bình thản như vậy, phải chăng là ông đã bằng lòng với mọi thứ đang có. Có điều gì NSND Trung Anh còn luyến tiếc hay không?
- Tôi nghĩ điều may mắn nhất là tôi đã đi đến cuối cuộc đời với nghiệp diễn của mình. Đã có lúc tôi tưởng phải bỏ giữa chừng nhưng cuối cùng mình vẫn theo đuổi nó, vẫn làm nghề.
Mọi người biết tôi trên phim ảnh, nhưng nghiệp của tôi là sân khấu. Tôi vẫn đam mê sân khấu.
. Ông có thể tiết lộ điều gì đã khiến một nghệ sĩ đam mê nghiệp diễn như ông định rẽ ngang?
- Vừa tốt nghiệp ra trường, tôi đi bộ đội hai năm. Lúc tôi ở rừng về, bạn bè ở nhà hát kịch đã đi rất xa, tôi cảm thấy thua kém các bạn rất nhiều. Không theo kịp các bạn, tôi nản và thật sự dao động. Hai, ba năm sau khi ra quân, tôi suy nghĩ rất nhiều và định bỏ nghề. Nhưng cuối cùng thì tôi cố gắng. Khi mình quyết tâm không nghĩ đến những điều tiêu cực đó, chấp nhận đóng những vai bé tí, từ quần chúng, chạy cờ… thì dần dần cũng được giao vai.
Lần nữa, tôi nghĩ rất nhiều. Đó là khi nhà hát ở trong giai đoạn biến động kinh khủng. Nội bộ lủng củng, làm nghề không thanh thản. Tôi định chuyển sang đoàn khác. Tôi đã nói chuyện với anh Hoàng Dũng. Nhưng rồi, cái nơi mình vào nghề từ năm 17 tuổi vẫn là nơi mình ở lại đến tận cuối cuộc đời.
. Khuôn mặt của ông, trước khi vào vai Lương Bổng trong phim "Người phán xử"dễ khiến người ta nghĩ Trung Anh chỉ hợp với những vai khắc khổ. Ông có nghĩ vậy không?
- Diễn viên nào cũng có một dạng vai sở trường. Khắc khổ là vai người ta ấn định cho tôi và tôi biết thế. Nhưng thật sự đã là diễn viên, ai cũng muốn thử sức mình ở nhiều dạng vai, đặc biệt là những vai trái ngược vai mình thường đóng.
Lương Bổng là vai bất ngờ với chính tôi chứ không phải khán giả. Khi nhận kịch bản, tôi không hiểu sao ban giám đốc VFC lại giao vai này cho tôi. Sau đó, tôi mới biết VFC đã tính toán rất nhiều phương án rồi mới mời tôi. Tôi mừng, nhưng tôi rất lo. Chắc chắn họ mời là phải đặt lòng tin vào mình. Nhưng Lương Bổng là vai hoàn toàn trái ngược với những gì tôi đã đóng. Đó là phim tôi phải tập trung nhiều nhất. Nó kích thích mình phải suy nghĩ nhiều hơn tất cả các vai khác. Tôi phải làm việc với kịch bản rất nhiều, tự tập ở nhà, đặc biệt là ánh mắt. Hình thể tôi gầy gò, làm sao đóng hầm hố được. Diễn viên người Israel đóng nhân vật của tôi trong phim gốc nặng gấp đôi tôi. Vì thế, tôi phải tìm cách diễn riêng cho mình, phải dựa vào bản thân mình để cho ra một bản khác theo cách của mình. Tôi cũng liều. Tôi đưa cái tôi của mình vào phim đó khá nhiều, may mà cũng được khán giả đón nhận.
Trung Anh vai Lương Bổng trong phim " Người phán xử" (ảnh do nhà phát hành cung cấp)
. Những điều tuyệt vời là những điều luôn đến bất ngờ. Vậy bây giờ ông muốn thử sức thêm ở loại vai nào để có thêm điều bất ngờ nữa?
- Dạng vai từ trước đến nay tôi thích lại không phải là Lương Bổng. Đến khi xong vai Lương Bổng, tôi vẫn thích nhưng nó không phải là vai tôi đau đáu từ trước đến nay. Tôi thích dạng vai quái đản, quái dị, bất bình thường, biến thái luôn tạo bất ngờ, kiểu như vai của Doãn Quốc Đam trong phim "Mê cung". Có thể không ai nắm bắt được tư duy của những nhân vật kiểu dạng như thế. Tôi muốn thử sức ở vai bất bình thường như thế để xem mình làm được đến đâu. Đó chính là vai mà từ xưa tôi vẫn thích.
Nghệ sĩ Trung Anh trong phim "Về nhà đi con" (Ảnh cắt từ màn ảnh)
. Nghe đồn sau phim "Về nhà đi con", cát-sê của Trung Anh không chỉ tăng lên mà ông cũng rất đắt sô, có phải vậy không ạ?
- Nói chung nhờ hiệu ứng phim "Người phán xử" cũng như "Về nhà đi con", thu nhập của chúng tôi khá hơn rất nhiều. Nhưng không có gì là ghê gớm đâu và tôi cũng ngại nói về cát-sê lắm.
Đã đóng hàng trăm vai diễn lớn nhỏ
NSND Trung Anh sinh năm 1961 tại Hà Tĩnh. Năm 7 tuổi, mẹ, dì và chị gái của ông qua đời trong một vụ ném bom, chỉ có ông là người sống sót. Vì mất mẹ từ nhỏ nên tính tình của ông trầm lặng, ít nói.
Năm 1978, lúc 17 tuổi, Trung Anh giấu gia đình đăng ký thi và được tuyển chọn vào học lớp diễn viên đầu tiên của Nhà hát Kịch Việt Nam. Sau 4 năm học, ông tốt nghiệp lớp diễn viên khóa 1 của nhà hát. Trong thời gian này, ông được nhiều tên tuổi lớn của nghệ thuật sân khấu lúc bấy giờ như NSND Đoàn Dũng, NSƯT Dương Viết Bát... dìu dắt, truyền lửa đam mê.
Sau khi tốt nghiệp chỉ 8 ngày, ông gia nhập quân đội cùng nghệ sĩ Quốc Khánh, Trọng Trinh, Đỗ Kỷ và đóng quân tại Quảng Ninh.
NSND Trung Anh đã đóng hàng trăm vai lớn nhỏ trên cả sân khấu và truyền hình. Tuy nhiên, ông tâm sự hai vai ấn tượng nhất là vai một người lính bị chấn thương tinh thần, dẫn đến những suy nghĩ, hành vi không bình thường trong phim "Mê lộ" năm 1995 và Lương Bổng, một tay xã hội đen lạnh lùng, trong "Người phán xử" năm 2017.
NSND Trung Anh kết hôn muộn. Vợ ông làm nghề kế toán nhưng yêu nghệ thuật, luôn ủng hộ chồng. Ông có một con trai, một con gái.
Bình luận (0)